Bản nhạc phổ cổ với thể loại phức điệu kì lạ được tìm thấy bởi một sinh viên theo học ngành âm nhạc tại trường St John thuộc Đại học Cambridge vào đầu tháng 12/2014.
Từng được ngân tụng trang trọng nhằm thể hiện lòng thành kính với Boniface, vị thánh bảo hộ nước Đức, loại giai điệu này đã không xuất hiện trong nhiều thế kỷ. Một sinh viên theo học tiến sĩ ngành âm nhạc tại trường St John thuộc đại học Cambridge là Giovanni Varelli đã phát hiện ra bản nhạc phổ này vào đầu tháng 12/2014.
Khi còn thực tập tại Thư viện Anh, Giovanni Varelli tình cờ bắt gặp một bản nhạc phổ có cách kí âm kì lạ với hai phần thanh âm tương hỗ, điều này khiến anh nhận định đây có thể là một phát hiện quan trọng.
Hiện người ta chưa xác định rõ thời gian xuất hiện loại nhạc phức điệu này. Trong khi đó, phức điệu theo nghĩa đen là “thanh âm khác biệt”, là một loại hình hợp xướng trong đó “hai hoặc nhiều giai điệu chủ đạo được ngân lên cùng lúc, vừa độc lập nhưng lại vừa tương tác”, theo Bách khoa toàn thư Britannica.
Dường như bản nhạc này đang thể nghiệm điều trái với thông lệ, vì người ta không mong đợi sẽ tìm thấy điều tương tự vào thời đó.
Bản tin của trường Đại học Cambridge dẫn lời Varelli, “Điều thú vị ở đây là chúng ta đang nhìn vào sự ra đời của dòng nhạc phức điệu, vốn là điều chưa ai từng kì vọng được thấy”.
“Thông thường, người ta cho rằng nhạc phức điệu được phát triển từ một bộ các quy tắc cứng nhắc và gần như được trình tấu theo cách rập khuôn. Phát hiện này đã làm thay đổi quan niệm trên, bởi lẽ tác giả bản phổ này thực sự đã phá vỡ các nguyên tắc. Điều này cho thấy âm nhạc thời kì đó đang trong trạng thái năng động, không ngừng biến đổi và phát triển; quy tắc không phải được đặt ra để ước chế, mà nó trở thành xuất phát điểm cho việc khám phá những đường hướng sáng tác mới”.
Cùng thưởng thức phức điệu thánh ca hơn nghìn năm tuổi thú vị dưới đây:
Theo daikynguyenvn