Âm nhạc có sức mạnh vĩnh cửu vượt thời gian và không gian, có thể dễ dàng phá bỏ ranh giới giữa chủng tộc, vùng miền, tôn giáo và tín ngưỡng. Nhờ âm nhạc, không cần cử chỉ cơ thể và ngôn ngữ mọi người vẫn có thể giao tiếp và trao đổi với nhau, thấu hiểu âm luật của người lạ, cũng có thể tình cờ gặp gỡ mà lại thành tri âm.
Nhưng không phải tất cả âm thanh đều là âm nhạc. Người xưa nói: “Đức âm chi vị nhạc” (âm thanh có đạo đức mới gọi là âm nhạc). Đức âm mới xứng được tôn xưng là nhã nhạc. Đức âm nhã nhạc (âm nhạc tao nhã và đức độ) thuận theo sự vận hành của thiên địa vạn vật, phù hợp với đạo dưỡng sinh của cơ thể con người, mang lại lợi ích cho vạn vật.
Văn hóa truyền thống Trung Quốc thường được gọi là nền “văn minh lễ nhạc”. Trong “Lễ ký- nhạc ký” có viết: “Nhạc giả, thiên địa chi hoà dã; lễ giả, thiên địa chi tự dã. Hoà, cố bách vật giai hoá; tự, cố quần vật giai biệt.” (Nhạc là sự hài hòa của trời đất. Lễ là trật tự trong trời đất. Do hài hòa nên muôn vật đều sinh sôi nảy nở tốt tươi. Do trật tự nên các loài vật mới có khác biệt). Một nền văn hóa lễ nhạc tôn kính, trong đó trời đất vận hành một cách có trật tự và vạn vật đều hài hòa một cách tự nhiên, tràn đầy thiêng liêng, xuyên suốt trời đất và con người.
Cuốn “Lễ ký – Nhạc ký” viết: “Cố thánh nhân tác nhạc dĩ ưng thiên, chế lễ dĩ phối địa.” (Thánh nhân sáng tạo ra âm nhạc thuận với trời, tạo ra lễ nghĩa phù hợp với đất). “Vân môn đại quyển” trong “Lục đại nhạc vũ chi đạo” tương truyền là do Hoàng Đế viết, đó là sự kết hợp giữa ca, vũ, nhạc. Kiệt tác sử thi này tập trung ca ngợi những đám mây, bầu trời cùng các vị Thần, và đã trở thành một phần quan trọng trong nghi lễ tế trời cho các thế hệ sau;
“Đại hàm” trong thời Đường Nghiêu được sử dụng để tế đất; “Thiều nhạc” trong thời Thuấn Đế dùng để tế “Tứ vọng” (núi cao tứ phía, cũng để chỉ vạn vật trong thiên hạ, thần linh bốn phương).
Đức âm nhã nhạc, thể hiện sự tươi sáng, đẹp đẽ và ngập tràn tính linh thiêng, đó là biểu hiện của việc con người cầu mong sự phù hộ của thần linh, ca ngợi và tạ ơn các vị thần. Mặc dù âm nhạc truyền thống phương Đông và phương Tây xuất phát từ các hệ thống khác nhau, nhưng chúng đều có những đặc điểm và chức năng tương tự.
Thánh ca của phương Tây ca tụng Thần
Các nhà triết học Hy Lạp như Plato và Aristotle tin rằng, âm nhạc có thể phản ánh sự hài hòa của các thiên thể vũ trụ, và nó cũng có thể ảnh hưởng đến đạo đức, khí chất hoặc tính cách của một người.
Từ “âm nhạc” (Music) có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại, có nghĩa là “Art of the Muses” (Nghệ thuật của nữ Thần Muses). Trong thần thoại Hy Lạp cổ đại, Muses là thuật ngữ chung để chỉ chín nữ thần, những người cai quản nghệ thuật và khoa học cùng với thần mặt trời Apollo. Một số tác phẩm âm nhạc được coi là quà tặng của các vị Thần và thiên nhân (người trời) như thần mặt trời Apollo.
Các tác phẩm âm nhạc phương Tây, lần đầu tiên được hát và diễn tấu trong các nhà thờ Thiên chúa giáo thời Trung cổ và nhà thờ Công giáo La Mã. Vào thời điểm này, âm nhạc được gọi là Thánh khúc, và nhiều bản nhạc cổ điển phương Tây truyền thống chủ yếu dựa trên chủ đề ca tụng thánh thần.
“Cha đẻ của âm nhạc phương Tây” Johann Sebastian Bach, được công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, kiệt xuất nhất và quan trọng nhất trong lịch sử âm nhạc. Các tác phẩm của ông được các nhạc sĩ cổ điển như Mozart và Beethoven yêu thích và ngưỡng mộ.
Bach tin rằng: “Mục đích của tất cả âm nhạc và các ghi chép cổ về nghi lễ tế lễ từ đầu đến cuối không đổi của chúng, không có gì khác ngoài ca ngợi Thượng đế và tâm hồn trong sáng.” Cả đời Bach đã hoàn thành hơn 300 bản hợp xướng tôn giáo, ba bộ Passion, còn có độc tấu, đàn organ, các tác phẩm giàn nhạc giao hưởng. Trong phần tóm tắt về nhạc Thánh và hầu hết các bản thảo âm nhạc thế tục của mình, Bach sẽ ký tên viết tắt “Vinh quang cho riêng Chúa” (Soli Deo Gloria, S.D.G.).
Chương thứ 4 của “Bản giao hưởng số chín” của Beethoven đã trở thành quốc ca chính thức của Liên minh châu Âu với tên gọi “Ode to Joy”. Âm nhạc “từ trái tim và chạm tới trái tim” của Beethoven đã ca ngợi sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn đối với các vị Thần từ sâu thẳm trái tim.
Ngoài việc ca ngợi các vị Thần và cầu xin phước lành trong các buổi tế lễ, trong thời Thuấn Đế, lễ nhạc đã trở thành một phương thức trị thế và cảm hóa nhân dân. “Thượng thư – Ngu thư – Thuấn điển” ghi chép, Đế nói: “Quỳ! Mệnh nhữ điển nhạc, giáo trụ tử, trực nhi ôn, khoan nhi lật, cương nhi vô ngược, giản nhi vô ngạo. Thi ngôn chí, ca vĩnh ngôn, thanh y vĩnh, luật hoà thanh. Bát âm khắc hài, vô tương đoạt luân, thần nhân dĩ hoà”.
Đoạn trên có ý rằng, Thuấn đế – một bậc thánh quân, đã bổ nhiệm Quỳ làm quan Điển nhạc, và dùng âm nhạc để dạy dỗ con cháu của hoàng đế và quý tộc, đồng thời trau dồi tính cách con cháu của họ: để con cháu trở thành người chính trực ôn nhu, rộng lượng kiên nghị, cứng cỏi mà không thô bạo, giản dị mà không ngạo mạn.
Làm cho họ biết dùng thơ để bày tỏ chí khí, biết dùng các bài ca để khiến ngôn ngữ vịnh xướng được uyển chuyển mềm mại, Ngũ thanh phải căn cứ vào ca từ của xướng để lựa chọn và định đoạt, Lục luật và Ngũ âm hài hòa, bát bộ âm khí khi diễn tấu phải nhịp nhàng không chen lấn, người và thần đều hòa hợp.
“Thiều” là một tác phẩm kinh điển của thời vua Thuấn, và là một trong những tác phẩm đỉnh cao của âm nhạc và vũ đạo cổ đại huy hoàng tráng lệ. Thiều có nghĩa là hay, thiều nhạc là chỉ âm nhạc tươi sáng. Trong “Luận ngữ – thuật biên” có ghi: Khổng Tử ở nước Tề nghe “Thiều”, ba tháng không cần ăn thịt.
Có rất nhiều truyền thuyết về “Thiều”, một trong số đó là câu chuyện về việc thiện hóa lòng người và giành lại Tam Miêu. Theo truyền thuyết, khi Thuấn đi chinh phạt Tam Miêu ở phía Nam, bị người Miêu bao vây và rơi vào tình thế nguy hiểm. Vua Thuấn lâm nguy không hoảng loạn, đã lệnh cho người diễn tấu Thiều nhạc, nhảy điệu Can Vũ. Trong ba ngày ba đêm, tiếng đàn trang nghiêm, uyển chuyển, trung nghĩa vang vọng giữa đất trời, phượng hoàng đến múa, muôn chim hòa ca, làm tan biến không khí thù hận đẫm máu.
Người Miêu mất hết khí thế hung hãn, lần lượt vứt bỏ cung tên áo giáp, khoa chân múa tay vui vẻ múa theo điệu Thiều nhạc, trận huyết chiến cũng vì thế mà tiêu tan. Thuấn Đế đã giành lại Tam Miêu bằng sự huyền đức và trí tuệ của mình.
Đức âm thiện hóa nhân tâm
Trong lịch sử âm nhạc phương Tây, không thiếu những ví dụ về việc âm nhạc được sử dụng để truyền cảm hứng cho vạn vật và cảm hóa lòng người. Leon Botstein, hiệu trưởng trường Cao đẳng Bard ở tiểu bang New York tin rằng, từ thế kỷ 18, âm nhạc đã đóng một vai trò quan trọng trong sự đoàn kết và hòa giải con người, và nó là một công cụ quan trọng cho hòa bình.
Ông nói: “Âm nhạc không chỉ có thể giúp chúng ta duy trì nhận thức về bản thân, mà không cần lời nói, chúng ta có thể thiết lập mối liên hệ với những người đang trong chiến tranh, thậm chí với những người mà chúng ta coi là kẻ thù.”
Khoảng 20 năm trước, tại thành phố New York, nơi có tỷ lệ tội phạm cao ở Hoa Kỳ, thị trưởng mới được bổ nhiệm Rudy Giuliani đã thông qua âm nhạc cổ điển để giảm tỷ lệ tội phạm của thành phố. Tại Ga Trung tâm Grand, trung tâm giao thông của Thành phố New York, các thiết bị âm thanh chất lượng cao chơi nhạc cổ điển của Mozart suốt cả ngày. Hệ thống nhạc nền (background music) sau khi được điều chỉnh giúp giảm 33% tỷ lệ tội phạm!
Năm 2010, chính phủ New Zealand cũng phát hiện ra rằng “hiệu ứng Mozart” là một vũ khí bí mật trong việc chống tội phạm. Do thường xuyên xảy ra các vụ phạm tội gây rối, một trung tâm mua sắm ở Christchurch, New Zealand, đã chơi nhạc cổ điển thế kỷ 18 như Mozart trong trung tâm mua sắm cả ngày kể từ tháng 6 năm 2009.
Một năm sau, các nhà quản lý phát hiện ra rằng những bản nhạc này có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc giảm thiểu bạo lực và vi phạm trật tự xã hội. Vào tháng 10/2010, số vụ vi phạm trật tự xã hội trong trung tâm mua sắm năm đầu tiên đã giảm từ 77 vụ/tuần xuống còn 2 vụ/tuần. Ngoài Christchurch, Auckland, thủ đô của New Zealand cũng đã bắt đầu các biện pháp lễ nhạc tương tự.
Ngũ âm tương ứng với ngũ tạng
Đức âm nhã nhạc, không chỉ hòa hợp với đất trời, mà còn tương ứng với tiểu vũ trụ – chính là cơ thể con người, và đem lại lợi ích cho sức khỏe của cơ thể người.
“Hoàng đế nội kinh” nói: “Thiên hữu ngũ âm, nhân hữu ngũ tạng. Thiên hữu lục luật, nhân hữu lục phủ.” Nói cách khác, năm ngũ âm “Cung, thương, giốc, chủy và vũ”, tương ứng trực tiếp với năm cơ quan nội tạng của cơ thể con người.
Chu Chấn Hanh, một danh y nổi tiếng thời nhà Nguyên, đã chỉ ra rõ ràng: “Nhạc giả, diệc vy dược dã.” (âm nhạc chính là thuốc), Chữ “Nhạc” (樂) trong tiếng Trung Quốc có hình dạng tương tự như chữ “Dược” (藥). Ở một số vùng của Trung Quốc, cách phát âm của hai chữ này giống nhau. Người Trung Quốc cổ đại đã chỉ ra rằng âm nhạc có tác dụng chữa bệnh kỳ diệu với cơ thể con người từ hàng nghìn năm trước.
Liệu pháp âm nhạc phương Tây
Ngày nay, liệu pháp âm nhạc thịnh hành ở phương Tây, bắt đầu ở Hoa Kỳ từ những năm 1940. Mọi người đã sử dụng âm nhạc để điều chỉnh hiệu quả khả năng thích ứng sinh lý, tâm lý và xã hội của cơ thể người.
Trong một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tạp chí y khoa Deutsches Aerzteblatt International của Đức, các nhà nghiên cứu đã so sánh tác động của nhạc Mozart, nhạc Strauss và nhạc rock đối với các vấn đề liên quan đến sức khỏe tim mạch. Kết quả: Những người nghe nhạc Mozart và Strauss có huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương thấp hơn đáng kể, và nhịp tim cũng thấp hơn. Tuy nhiên, các giai điệu của nhạc rock không tạo ra hiệu ứng tương tự.
Tại sao điều này lại xảy ra? Tiến sĩ Michael Schneck, một nhà thần kinh học tại Loyola Medicine ở Chicago giải thích: “Sự hài hòa và nhịp điệu của âm nhạc cổ điển có thể mang lại cho mọi người hiệu ứng xoa dịu, từ đó giúp họ giảm huyết áp.”
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa “Early Human Development” năm 2018 cho thấy, 80 trẻ sơ sinh đủ tháng trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh ở Ý, sau khi phẫu thuật đã được nghe nhạc cổ điển, đặc biệt là nhạc của Mozart và Beethoven. Âm nhạc làm giảm cơn đau cho trẻ sơ sinh, giảm nhịp tim, cải thiện độ bão hòa oxy và tăng tốc độ phục hồi.
Chức năng giải trí của âm nhạc
Ngoài hòa hợp với trời đất, mang lại lợi ích cho con người, âm nhạc còn có chức năng giải trí. Khi Thượng đế tạo ra con người, Ngài ban tặng cho con người những cung bậc cảm xúc khác nhau. “Hoàng đế nội kinh” đã tóm lược cảm xúc của con người thành bảy trạng thái tâm tình: “Hỷ nộ ưu tư bi khủng kinh” (vui mừng, giận dữ, lo lắng, suy nghĩ, buồn rầu, lo sợ, kinh hãi).
Con người dễ bị tình cảm làm cho lung lay, “lễ” là một loại kiềm chế cảm xúc của con người, tuy nhiên nếu tình cảm của con người bị kìm nén mà không thể giải tỏa ra thì sẽ tích tụ vào tạng phủ và sinh ra bệnh tật. “Nhạc” có vai trò giúp con người bộc lộ cảm xúc, nhưng đòi hỏi phải “Nhạc nhi bất dâm, ai nhi bất thương” (vui mà không quá đà, buồn mà không bi thương) vừa có thể bộc lộ cảm xúc mà còn không khiến con người phát điên.
Tác hại của âm nhạc biến dị
Nếu mọi người say mê quá mức và bị kích động một cách phi lý trí bởi một số loại nhạc, họ sẽ mất đi lý trí và sự bình yên khi ở trạng thái bình thường. Điều này không có lợi cho đạo dưỡng sinh cơ thể của con người, và cũng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Nếu âm nhạc có sức lan tỏa mạnh mẽ, nội hàm thiêng liêng “ứng thiên, thuận địa, lợi nhân” bị “khoét rỗng”, rồi tiêm nhiễm những yếu tố tà ác xấu xa, thì thứ âm nhạc đó sẽ trở thành công cụ để băng hoại nền văn minh và hủy diệt loài người.
Kể từ khi ĐCSTQ chiếm đoạt quyền lực, văn hóa thần truyền đã bị phá hủy rất nhiều. Mọi người khó có thể thực sự hiểu và lĩnh hội đúng nội hàm thuần túy tốt đẹp của của âm nhạc Trung Quốc và phương Tây. “Hồng ca” và “kịch mẫu” đều “ca tụng” dựa trên những tà linh “đấu trời đấu đất” phản trời nghịch đạo. Khi mọi người ngâm nga những bài hát này, nó không khác gì lặp đi lặp lại ý muốn của ác linh và tiếp thêm năng lượng cho chúng.
Quay về truyền thống
Người xưa tôn sùng sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người, tôn trọng sự hài hòa của trời đất, tôn trọng sự chung sống có trật tự của vạn vật. “Sử ký – Nhạc thư” có viết: “Luận luân vô hoạn, nhạc chi tình dã; hân hỷ hoan ái, nhạc chi quan dã. Trung chính vô tà, lễ chi chất dã; trang kính cung thuận, lễ chi chế dã.” Có nghĩa là “Nhạc” có thể làm cho vạn vật trở nên hài hòa không hỗn loạn; làm con người vui vẻ yêu thương chan hòa. “Lễ” có thể khiến vạn vật trung chính vô tà, khiến con người trang nghiêm kính cẩn tuân theo.
Khi con người tránh xa tà ác, xua tan tạp niệm, biết quý trọng và thừa hưởng m nhạc mà thần ban tặng với thái độ nhân hậu, cởi mở, ngay thẳng và ôn hòa thì thân tâm của con người và vạn vật có thể ngày càng hài hòa, tươi đẹp, càng dễ dàng thấu hiểu cảnh giới “thiên nhân hợp nhất”! Có lẽ đây cũng là một trong những tinh hoa của văn hóa lễ nhạc Trung Hoa!
Chân Chân