Với hy vọng sẽ cải thiện tình trạng già yếu của các cơ quan trong cơ thể, kể cả não bộ, các nhà khoa học đang hy vọng việc truyền máu của người trẻ vào cơ thể những người mắc bệnh Alzheimer sẽ có khả năng làm giảm quá trình phát triển của bệnh.
Các thí nghiệm đã thực hiện nhiều năm trên động vật và sẽ được chính thức tiến hành trên cơ thể người vào tháng 10 tới. Theo đó, các nhà khoa học sẽ tiến hành tiêm huyết tương của những người trẻ khỏe mạnh vào cơ thể những tình nguyện viên ở độ tuổi 30 bị mắc chứng bệnh Alzheimer nhẹ.
Các nhà khoa học đã bị thu hút bởi ý tưởng sử dụng máu của những người trẻ để trẻ hóa các cơ quan trong cơ thể từ những năm 1950, New Scientist đưa tin.
Hơn 60 năm trước, khi tiến hành nối hệ thống tuần hoàn của những con chuột già và trẻ với nhau, giáo sư Clive McCay thuộc ĐH Cornell, Ithaca, New York đã phát hiện ra rằng phần sụn của những con chuột già đã trở nên trẻ hơn so với dự kiến.
Kể từ đó, các thí nghiệm sử dụng những kỹ thuật tương tự đã được tiến hành và rút ra một kết luận rằng, huyết tương của những người trẻ có khả năng trẻ hóa các tế bào gốc của gan và xương ở những con chuột già, giúp giảm tình trạng suy tim ở một số loài động vật.
Năm 2012, Tiến sĩ Amy Wagers từ ĐH Harvard đã phát hiện ra một loại protein trong huyết tương được gọi là yếu tố tăng trưởng khác biệt 11 (growth differentiation factor 11 – GDF11) có liên quan đến tác dụng trẻ hóa những con chuột già bị tim phì đại – một lý do khiến tim bị sưng.
Chia sẻ của Tiến sĩ Amy Wager về tác dụng của GDF11.
Khi được tiến hành tiêm GDF11 trong vòng 30 ngày, tim của những con chuột già có dấu hiệu giảm kích thước so với trước, giống như tình trạng khi chúng được truyền máu từ những con chuột trẻ. Do đó, các nhà khoa học tin rằng GDF11 có khả năng là một thành phần trong máu chịu trách nhiệm cho sự trẻ hóa.
Một số nghiên cứu sau đó cũng cho thấy, loại protein còn có khả năng làm tăng số lượng các mạch máu và tế bào gốc trong não, giúp cải thiện chức năng não ở những con chuột già.
GDF11 có thể kích hoạt các tế bào gốc để chữa lành trái tim ở loài chuột. Các nhà nghiên cứu đang hy vọng con người có thể có tác dụng tương tự. Ảnh: Dailytech.
Bệnh Alzheimer là dạng phổ biến nhất của chứng mất trí, ảnh hưởng đến gần 500.000 người ở Anh. Với tỷ lệ dân số già ngày càng gia tăng, các nhà khoa học hy vọng nghiên cứu này sẽ là một phương pháp hiệu quả để điều trị căn bệnh.
Hồ Duyên@Tinhhoa.net – Theo Daily Mail.