Tinh Hoa

Cái chết của Alexander Đại đế đã được cây tiên tri cảnh báo từ trước?

Alexander Đại đế tiến vào một khu rừng sâu trong truyền thuyết. Tại đây, ông đã được cây thần tiên tri về cái chết của mình.

Những người quan tâm đến lịch sử cổ đại thường biết đến Alexander Đại đế qua những thành tựu quân sự vĩ đại mà ông đạt được. Nhưng ít ai biết về những gì đã xảy ra khi ông tiến vào một khu rừng sâu trong truyền thuyết. Ở nơi ấy ông đã nghe được lời tiên tri báo trước cái chết của mình.

Cây Mặt Trời và Mặt Trăng trong khu vườn Bakavali

Hình vẽ minh họa cây Mặt Trời và Mặt Trăng. (Ảnh qua etsy.com)

Cây Mặt Trời và Mặt Trăng là cây tiên tri, có thể biết được tương lai. Alexander Đại đế và Marco Polo được cho là đã từng gặp cây này. Marco Polo – du hành gia vĩ đại ở thế kỷ 13 – miêu tả về nó: “Cây Mặt Trời là Arbre Sol, cây huyền thoại mà các Kitô hữu gọi là Arbre Sec. Nó có thân cao to, vỏ cây màu xanh lá và trắng. Nó mọc lên ở giữa vùng đồng trống mênh mông, xung quanh 10 dặm không hề có một cái cây nào khác. Người dân ở đó sẽ kể cho bạn nghe về cuộc chiến giữa Alexander Đại đế và vua Darius của Ba Tư”.

Không ai biết được vị trí chính xác của cây thần này, nhưng người ta bảo rằng nó mọc trong khu vườn Bakavali xinh đẹp.

Khu vườn Bakavali được kể trong trong nhiều câu chuyện cổ của Ba Tư. Nó được nhắc đến trong chuyện kể Gul-e-Bakavali. Đến thế kỷ thứ 19, câu chuyện này được Đại học Fort William ở thuộc địa Ấn Độ của Anh dịch sang tiếng Anh, năm 1939 được chuyển thể thành phim.

Vườn Bakavali nổi tiếng với những loại cây và thực vật dị thường. Nó cũng tương tự khu vườn táo vàng bất tử trong huyền thoại Hy Lạp, được ba chị em nữ thần Hesperides bảo vệ. Người thường rất khó tiếp cận khu vườn. Tuy nhiên, cũng có vài người đã tìm ra nơi bí ẩn này. Một trong số đó là Hoàng tử Taj-al-Maluke. Ông đến đó để tìm bông hoa Gul – được mệnh danh là “nữ hoàng bóng đêm” – để chữa cho cha sáng mắt.

Ảnh minh họa khu vườn Bakavali xinh đẹp trong truyện cổ Ba Tư. (Ảnh: t/h)

Theo những tích cổ, cây thần này được cho là mọc ở vùng biên giới Ấn Độ và Ba Tư. Dân trong vùng tôn thờ và hay xin lời khuyên từ cây. 

Alexander Đại đế và lời tiên tri của cây Mặt Trời

Một truyền thuyết của người Ba Tư cổ đại kể rằng, khi hành quân đến Ấn Độ, Alexander Đại đế đã gặp cây thần. 

Nhà văn Alexander Porteous ở thế kỷ thứ 19 viết trong tác phẩm “Khu rừng thần thoại trong văn học nhân gian” rằng: “Alexander Đại đế thấy cây Tiêu Huyền trứ danh trong truyền thuyết. Nó đứng một mình cô độc trên vùng cao nguyên rộng lớn và khô cằn gần Damghan thuộc Iran ngày nay. Nó có thân kép, một thân là nam và thân còn lại là nữ. Thân nam tượng trưng cho Mặt Trời, chỉ nói chuyện vào ban ngày. Thân nữ tượng trưng cho Mặt Trăng, chỉ nói chuyện vào ban đêm. Thế nên nó còn được gọi là cây Mặt Trời – Mặt Trăng. Alexander đã xin lời chỉ dẫn từ cây Tiêu Huyền thần bí này. Và ông được cảnh báo một điềm gở, rằng ông sẽ chết trong khi đang ở thời kỳ hoàng kim. Những người khác sẽ hưởng thành quả từ những chiến thắng của ông”.

Hình vẽ minh họa cảnh Alexander Đại đế gặp cây thần. (Ảnh qua Bestiary.us)

Tập truyện anh hùng ca Alexander (The Roman d’Alexandre en prose) thời Trung cổ đã thuật lại nhiều cuộc phiêu lưu của Alexander Đại đế. Nhiều câu chuyện kỳ diệu được ghi lại trong 17 bản thảo và 10 bản trong đó được đưa vào giảng dạy ở khắp nơi. Đây là một tác phẩm cổ đại đáng kinh ngạc, là quyển sách thần thoại, văn hóa dân gian và lịch sử được đánh giá cao. 

Tác phẩm này ghi chép rằng:

“Alexander và các tướng lĩnh đồng hành leo lên một ngọn núi trong dãy núi bằng vàng có 2.500 bậc. Trên đỉnh núi, họ tìm thấy ngôi đền vàng thờ Mặt Trời và một ông lão đang ngủ”.

“Khi ông lão bắt gặp họ, ông hỏi họ có muốn xem cây thần Mặt Trăng – Mặt Trời không, có muốn nó nói cho họ biết những sự kiện trong tương lai hay không. Nghe vậy, trong lòng Alexander tràn ngập niềm vui khôn xiết”

Họ đã trả lời rằng: “Vâng, chắc chắn rồi, chúng tôi rất muốn thấy”

Cụ già nói với Alexander: “Nếu cha mẹ anh đều thuộc dòng dõi hoàng gia, thì anh mới được đến đó”. Alexander trả lời: “Cha mẹ chúng tôi đều thuộc dòng dõi hoàng gia”.

Sau đó, ông lão đứng dậy khỏi giường và nói với họ: “Hãy cởi áo choàng và giày ra đi”. Ba người đồng hành của Alexander là Tholomeus, Antigonus, và Perdiacas làm theo lời ông lão. Sau đó, họ bắt đầu đi xuyên qua khu rừng được bao bọc bởi vô số thứ kỳ diệu. Ở đó, họ trông thấy những cây nguyệt quế và ô liu. Chúng cao cả hàng trăm mét, tỏa ra mùi hương tràn ngập. 

Sau đó, họ tiến sâu hơn vào rừng và thấy một cái cây rất cao, không có lá cũng không có quả. Một con chim lớn màu hồng đậu trên cành cây. Nó có cái mào giống như con công. Lông trên cổ nó lấp lánh ánh sáng như vàng nguyên chất.

Kế đó, ông lão nói: “Loài chim kỳ lạ này được gọi là Fenis. Không có loài nào trên toàn thế giới đồng đẳng với nó”.

Con chim mà cụ già nhắc tới làm gợi nhớ đến Phượng hoàng, loài chim bất tử huyền thoại, bay lên từ đống tro tàn.

Alexander và những người bạn đồng hành tiếp tục tiến đến cái cây. Cụ già bảo họ: “Hãy ngước nhìn lên và thầm nghĩ những gì các anh muốn hỏi, chứ đừng nói to”.

Alexander hỏi cái cây sẽ trả lời họ bằng thứ tiếng nào. Cụ bảo: “Cây Mặt Trời nói tiếng Ấn Độ”

Sau đó, Alexander hôn cái cây rồi nghĩ rằng liệu mình có chinh phục được cả thế giới và toàn quân có trở về Macedonia được hay không.

Cây Mặt Trời trả lời bằng tiếng Ấn Độ: “Alexander, anh sẽ là vua của cả thế giới. Nhưng anh sẽ không bao giờ nhìn thấy Macedonia”. Có truyền thuyết nói rằng Alexander nhờ những người Ấn Độ đi cùng dịch hộ, nhưng họ không dám nói ra câu sau.

Cuộc đời vĩ đại của Alexander Đại đế ứng nghiệm lời tiên tri

Alexander Đại đế được coi là một trong những thiên tài quân sự vĩ đại nhất mọi thời đại. Vốn là vua của vương quốc Macedonia, ông đã mở rộng đế chế kéo dài từ Hy Lạp đến Ấn Độ xa xôi trong một thời gian ngắn. 

Năm 338 TCN, trên lưng con thần mã Bucephalus, Alexander thắng trong một trận chiến then chốt khi chỉ mới 18 tuổi. Trong trận Chaeronea đó, chống lại các thành bang tự trị của Hy Lạp là Athena và Thebes, cánh quân do đội kỵ binh của Alexander dẫn đầu đã tiêu diệt đội thần binh Thebes – lực lượng tinh nhuệ được xem là bất khả chiến bại. Sau trận đánh, vua Phillip tổ chức ăn mừng long trọng. Và điều đáng nói là Alexander không tham dự. Người ta tin rằng ông đang chăm sóc thương binh và chôn cất liệt sĩ của quân đội Macedonia và của kẻ thù. Chiến thắng này đã làm Phillip yêu quý con trai đến mức ông thích nghe các chiến binh gọi Phillip là vị tướng còn Alexander mới là vị vua của họ.

Alexander Đại đế trong trận Chaeronea. (Ảnh qua JapaneseClass.jp)
Alexander Đại đế hạ gục vua Porrus của Ấn Độ. (Ảnh qua alexikon.wordpress.com)

Thật thú vị, những gì được tiên tri bởi cây Mặt Trời cũng đã xảy ra. Alexander Đại đế chết ở Babylon vào năm 32 tuổi – độ tuổi sung mãn nhất. Nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại này cũng không bao giờ gặp lại Macedonia lần nào nữa.

Tiểu Phúc (Theo Ancient Pages)