Ăn chay ngày càng trở nên phổ biến vì nhiều người nhận thấy những lợi ích đối với sức khỏe, nhưng không phải ai ăn chay cũng tốt. Những người thuộc các trường hợp dưới đây tốt nhất không nên ăn.
Trẻ em
Trẻ nhỏ là đối tượng cần được đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng một cách hiệu quả nhất có thể. Tính theo đơn vị trọng lượng, trẻ nhỏ có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn so với người lớn. Đặc biệt, trẻ em ở giai đoạn ăn dặm, cần nhiều vitamin A để tránh rối loạn thị giác và vitamin D để tránh còi xương. Do đó cần cho các bé bú sữa mẹ đầy đủ và sử dụng chế độ ăn dặm nhiều chế phẩm có nguồn gốc động vật để cung cấp đầy đủ hai loại vitamin này.
Người cao tuổi
Người cao tuổi cần một số chất dinh dưỡng từ thức ăn nguồn động vật để duy trì sức khỏe, do người già thường khó hấp thụ dưỡng chất, vì thế ăn chay trường không phải là liệu pháp an toàn cho họ. Kể cả người cao tuổi có mắc bệnh mãn tính nào đó cũng không nên ăn chay trường mà chỉ nên ăn một hai tuần trong tháng hoặc mỗi tuần 2 ngày cho cơ thể nhẹ nhàng.
Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai mà ăn chay thường xuyên không tăng cân, dễ bị thiếu máu, sinh con nhẹ cân, sinh non hoặc suy dinh dưỡng bào thai. Trong trường hợp tăng cân quá mức thai phụ chỉ nên ăn chay bán phần hoặc ăn chay tương đối. Nghĩa là ăn phối hợp giữa thức ăn động vật và thức ăn thực vật ở tỉ lệ cân đối hợp lí, có thể không ăn thịt nhưng vẫn nên ăn cá, sữa, trứng… Có như vậy mới đảm bảo sức khỏe và sinh em bé khỏe mạnh.
Người đang cho con bú
Những phụ nữ đang cho con bú cũng không nên áp dụng chế độ ăn chay vì khi cơ thể bạn điều chỉnh để hấp thu dinh dưỡng ít ỏi từ chế độ ăn không thịt cá, bạn có thể gặp một số vấn đề về giảm cân và thiếu hụt dinh dưỡng gây nguy hại cho em bé.
Người gầy
Do hàm lượng calories tương đối thấp của một chế độ ăn chay điển hình nên nó mang lại lợi ích cho những người thừa cân hoặc béo phì. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề đối với những người đã quá gầy. Theo cảnh báo của các chuyên gia dinh dưỡng, những người bị nhẹ cân, cho dù vì rối loạn ăn uống hoặc do các vấn đề khác đều không nên theo đuổi chế độ ăn thuần chay.
Người bị dị ứng thực phẩm
Đối với những người bị dị ứng với thực phẩm, đặc biệt là những người bị dị ứng nặng với tất cả các loại đậu, bao gồm đậu nành và hầu hết các loại hạt khác thì chế độ ăn thuần chay có thể là khó khăn hoặc không thể đạt được hiệu quả. Nhiều trường hợp dị ứng đậu nành cũng dễ có phản ứng với các loại thực phẩm như đậu xanh, lúa mạch đen và bột lúa mạch. Những người này nếu ăn chay sẽ bị thiếu chất đạm trầm trọng và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe.
Người bị loét dạ dày
Vì rau củ chứa nhiều gluten nên những người bị bệnh loét dạ dày có thể không hấp thu được dinh dưỡng đầy đủ từ một bữa ăn chay, gây nên tình trạng thiếu chất.
Người mắc chứng thiếu máu
Một lượng lớn chất sắt tập trung trong thịt. Nếu người mắc chứng thiếu máu áp dụng một chế độ ăn chay không thịt thì lượng chất sắt sẽ thiếu hụt, tình trạng thiếu máu sẽ trở nên nặng thêm.
Người mới ốm dậy
Những người mới ốm dậy thường rất cần bổ sung chất dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, với một chế độ ăn uống khắt khe như ăn chay, ít chất đạm, ít cholesterol và chất béo thì những người vừa ốm dậy không phải là đối tượng thích hợp của chế độ ăn này.
Người có tiền sử rối loạn ăn uống
Bản thân việc ăn chay không phải là chứng rối loạn ăn uống, tuy nhiên trong một vài trường hợp ăn chay lại tạo điều kiện cho bệnh rối loạn ăn uống có cơ hội bộc phát.
Theo Eva