Hai sinh viên nghèo ở TP.HCM vay tiền bạn giữa đêm khuya để nộp viện phí cho một người xa lạ, bị tai nạn giao thông vừa gặp trên đường. Thêm một câu chuyện khiến dư luận xôn xao, hẳn có phần vì lâu nay, người ta thường ấn tượng nhiều hơn về những chuyện không đẹp trên báo chí.
Báo Sài Gòn Tiếp thị ngày 14/11 thông tin, khoảng 23h ngày 9/11, Nguyễn Công Hiến, sinh viên học viện Bưu chính viễn thông TP.HCM và Nguyễn Viết Sơn, sinh viên đại học Công nghệ thông tin TP.HCM thấy một bóng người nằm bất động trên đường, đoạn quốc lộ 1A, gần Đại học Nông Lâm. Hai em kể, rất nhiều xe cộ đi qua đoạn đó, giảm tốc độ nhưng rồi lại… chạy tiếp.
Hiến (áo carô) và Sơn (áo sọc ngang) đang thăm hỏi nạn nhân mình đã cứu giúp.Ảnh: SGTT |
Băng qua dòng xe, hai em tới gần và phát hiện nạn nhân là một cô gái còn sống liền gọi cấp cứu. Chờ xe quá lâu, cả hai tự dùng xe máy đưa cô gái tới Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức.
Khi vừa đưa nạn nhân vào bệnh viện, Hiến và Sơn được yêu cầu nộp 800.000 đồng chi phí chụp CT và cấp cứu nạn nhân. Toàn bộ số tiền hai em có là 300.000 đồng. Lúc đầu nghĩ tới chuyện cắm xe, sau nhớ ra có người bạn sẵn sàng giúp, Hiến liền gọi điện cầu viện. Giữa đêm, hai người bạn của Sơn và Hiến đã tức tốc chạy tới bệnh viện cùng bạn giúp đỡ cho người gặp nạn.
Có ba điểm đáng chú ý trong câu chuyện này. Một là, dòng xe cộ đi chậm lại vì nhận ra có người bị nạn. Nhưng rồi họ lại đi tiếp. Chi tiết làm chúng ta nhớ tới bé Duyệt Duyệt, bé gái ở Trung Quốc bị hai xe tải tông liên tiếp, nghiền nát một phần thân thể, nhưng 18 người đi qua không cứu giúp, mãi cho đến khi một bà quét rác nhìn thấy, bồng bé đi cấp cứu. Người Trung Quốc sôi sục lên án sự vô cảm, độc giả Việt Nam đau xót và chia sẻ cùng gia đình bé, bằng những comment dưới mỗi bài viết về câu chuyện này. Có lẽ nhiều người trong số họ chưa biết, đã có một câu chuyện tương tự.
Hai là, hai sinh viên nghèo vét túi chỉ được 300.000 đồng sẵn sàng cắm xe để cứu giúp một người dưng có nghĩ tới chuyện có thể sẽ không lấy lại được số tiền đó không? Nghe Hiến giải thích: “Triết lý sống của em là nếu có dịp thì cứ giúp người khác đi, rồi sẽ có người giúp lại mình. Người ta cứ nói nhịp sống hiện đại làm con người trở nên thờ ơ, nhưng em tin rằng nếu gặp hoàn cảnh tương tự, các bạn trẻ khác cũng sẽ hành động giống như chúng em thôi…”, thấy câu trả lời không còn có ý nghĩa. Còn trông chờ vào sự hào hiệp nào hơn thế?
Ba là, hai người bạn sẵn sàng ra khỏi nhà giữa đêm, để cho bạn vay tiền cứu giúp người bị nạn. Hai em tin tưởng vào hai người bạn của mình, hay hai em tin tưởng vào hành động tốt của hai người bạn.
Câu chuyện vô tình trùng với nhận xét của PGS. TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia trên Phunutoday, “trong xã hội ta hiện nay, những cái thuộc về truyền thống, những tình cảm sâu đậm, đáng quý…vẫn tồn tại đâu đó trong giới trẻ và chúng ta phải tin tưởng vào họ. Chính lớp trẻ chủ động chọn lựa những gì tốt nhất, quý nhất để phát huy truyền thống”.
Người viết những dòng tản mạn này chợt nhớ tới một một bộ phim Mỹ: cậu bé, nhân vật chính trong phim đã muốn “thay đổi thế giới” bằng cách giúp đỡ ba người không đòi trả ơn mà chỉ yêu cầu mỗi người họ giúp đỡ ba người khác nữa. Sau đó, họ cũng nói lại với những người được giúp tiếp theo tiếp tục giúp ba người khác… Cậu bé hi vọng, lòng tốt sẽ tiếp tục được lan tỏa như vậy.
Tại sao không? Biết đâu sẽ có những “chuyện tử tế” thay đổi thế giới. Hoặc ai đó sẽ tìm được sự tử tế trong chính con người mình.