Tinh Hoa

Khám phá bí ẩn: 9 phát minh đáng kinh ngạc thời cổ đại

Phẫu thuật thẩm mỹ, giày trượt băng, thấu kính,vv.. là một trong những phát minh đáng kinh ngạc thời cổ đại.

1. Ván ép (gỗ dán) 

Ngày nay, có thể chúng ta đã quá quen thuộc với những vật dụng làm từ gỗ dán như bàn, ghế, tủ hay ván sàn tiện dụng… Tuy nhiên, bạn có biết loại vật liệu này lại được phát minh từ hàng ngàn năm trước?

Theo ghi chép lịch sử, ván ép được sử dụng lần đầu tiên vào khoảng năm 3500 TCN, trong thời Ai Cập cổ đại. Ban đầu, để bù vào số lượng gỗ tốt thiếu hụt trong kho của hoàng gia, người Ai Cập đã dùng những tấm gỗ mỏng nhất, với chất lượng tốt hơn để dán lên những thanh gỗ chất lượng kém.

Bước đi thông minh này đã giúp họ đảm bảo được tính thẩm mỹ trong việc trang trí cung điện cho nhà vua mà không cần sử dụng đến quá nhiều gỗ tốt. Từ đó trở đi, gỗ dán bắt đầu được sử dụng phổ biến hơn.

2. Hệ thống ống nước

Trong qua khứ, hệ thống ống nước tiêu chuẩn được làm từ đất nung với những đoạn vành uốn được hàn bằng nhựa cây. Thực tế, hệ thống này lần đầu xuất hiện tại các khu trung tâm đô thị thuộc nền văn minh sông Ấn, vào khoảng năm 2700 TCN.

Di tích khảo cổ nhà tắm thời xưa.

 

Sau này, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy hệ thống ống nước trong các di tích thuộc nền văn minh Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại, Ba Tư và Trung Quốc. Theo phỏng đoán của họ, việc phát triển các nhà tắm công cộng đã khiến nhu cầu quản lý nước hiệu quả được đặt lên hàng đầu, bên cạnh đó là việc xả chất thải, giữ gìn vệ sinh chung.

Tuy nhiên, cho đến thế kỷ 19, việc cải thiện hệ thống đường ống dẫn nước diễn ra khá chậm, hầu như không có tiến bộ kể từ thời điểm xây dựng. 

3. Giày trượt băng

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi giáo sư Federico Formenti thuộc Đại học Oxford và giáo sư Alberto Minetti thuộc Đại học Milan, những đôi giày trượt băng đầu tiên của thế giới có xuất xứ từ Phần Lan từ 5.000 năm trước.

Những đôi giày trượt băng cổ đại này được làm từ xương động vật với mục đích giúp người Phần Lan đi lại trên băng tuyết dễ dàng hơn, thuận lợi cho việc đi săn.

Tuy nhiên, những chiếc giày trượt băng gắn lưỡi kim loại đầu tiên trên thế giới lại được tìm thấy ở vùng Scandinavia, được xác định niên đại khoảng năm 200 sau CN.

 

4. Nước hoa

Nhà hóa học đầu tiên trên thế giới được ghi nhận là một phụ nữ tên Tapputi. Bà là thợ điều chế nước hoa từng được nhắc đến trong một văn tự cổ từ thiên niên kỷ thứ hai TCN ở vùng Lưỡng Hà.

Bà Tapputi thường xuyên chưng cất hoa, dầu, cây mây với chất thơm khác. Sau đó, bà tiến hành lọc và trộn chúng lại nhiều lần để tạo thành nước hoa. 

Tuy vậy, trong thời gian gần đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện loại nước hoa được cho là cổ xưa nhất thế giới ở Pyrgos, Cyprus, Hy Lạp. Loại nước hoa này được xác định có tuổi thọ hơn 4.000 năm. 

5. Thấu kính

Các thấu kính Nimrud là một khối đá tinh thể 3.000 năm tuổi, được khai quật bởi Austen Henry Layard tại cung điện người Assyrian ở Nimrud*. Theo phỏng đoán, Nimrud đã được các nhà khoa học đế chế Assyria cổ đại sử dụng như một thấu kính tự nhiên, có khả năng “tập hợp” ánh sáng Mặt trời và tạo ra lửa.

Nhà khoa học người Ý – Giovanni Pettinato thuộc Đại học Rome cho rằng, khối đá thiên thể này có thể đã được người Assyrian sử dụng để chế tạo ra các loại kính thiên văn học. Giả thiết này của ông đã nhận được sự đồng tình của nhiều đồng nghiệp khi nó phần nào lý giải lí do tại sao người Assyrian lại tinh thông thiên văn đến vậy.

(*) Chú thích: Nimrud nằm ở phía Bắc Iraq, từng là thủ đô của đế chế Assyrian cổ đại.

6. Lò sưởi trung tâm

Cách đây không lâu, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra sự xuất hiện của hệ thống lò sưởi trung tâm tại nhiều thành phố thuộc nền văn minh La Mã cổ đại. Bằng việc dẫn luồng khí nóng từ lò lửa đi qua khoảng trống dưới sàn nhà và đường ống trong các bức tường, người La Mã gọi hệ thống này là đường hầm Hypocaust.

Hệ thống Hypocausts được sử dụng để sưởi ấm phòng tắm công cộng hay các dinh thự riêng của giới quý tộc. Sàn nhà đã được nâng lên cao hơn so với mặt đất nhờ các cột trụ, được gọi là ngăn xếp pilae. Không gian còn lại bên trong các bức tường sẽ được thiết kế khéo léo sao cho khí nóng và khói từ các lò nung đi qua khu vực này rồi từ từ thoát ra theo đường ống khói trên mái nhà.

7. Phẫu thuật đục thủy tinh thể

Các bạn biết không, những ghi nhận cổ nhất về việc phẫu thuật đục thủy tinh thể từng xuất hiện trong Kinh Thánh cũng như các ghi chép cổ của đạo Hindu.

Tại Ấn Độ, phẫu thuật đục thủy tinh thể được thực hiện với một công cụ đặc biệt gọi là Salaka Jabamukhi – một chiếc kim cong dùng để nới lỏng thủy tinh thể, có khả năng đẩy nhân đục ra khỏi vùng mắt. Trong giai đoạn hậu phẫu, mắt người bệnh sẽ được hồi phục với bơ ấm và băng bó một thời gian nhằm tránh ánh sáng trực tiếp.

8. Dụng cụ khoan nha sĩ

Lại thêm một phát minh cổ khác bắt nguồn từ nền văn minh lưu vực sông Ấn. Tại đây, các nhà khoa học đã thu được nhiều bằng chứng xác thực cho thấy việc xuất hiện của ngành nha khoa từ những năm 7000 TCN.

Hình thức sớm nhất của nha khoa liên quan đến việc chữa các bệnh lí rối loạn trong răng. Đoàn khảo cổ đã tìm thấy mẫu răng ước tính có tuổi thọ khoảng 9.000 tuổi từng được khoan răng khi tìm thấy một lỗ nhỏ sâu 3,5mm. Điều này chứng tỏ cho sự tiên tiến của ngành nha khoa thời cổ đại khi đã biết dùng đến khoan. 

9. Phẫu thuật thẩm mỹ

Phẫu thuật thẩm mỹ được cho là một trong những hình thức phẫu thuật lâu đời nhất, xuất hiện cách đây hơn 4.000 năm.

Vào thời kì này, người ta hay dùng biện pháp cắt mũi để trừng trị những tên tội phạm. Tuy nhiên, cũng chính vì điều này mà những người thợ gốm đã nghĩ ra phương pháp tái tạo vùng mũi bị cắt mất. Bằng cách sử dụng một phần thịt ở trán, vậy là những tên tội phạm lại có thể che đi sự xấu hổ của mình với chiếc mũi mới. Và có lẽ, bạn sẽ khó tưởng tượng nổi khi biết rằng kĩ thuật này vẫn được sử dụng trong phẫu thuật thẩm mỹ ngày nay. 

Theo kenh14