Tinh Hoa

Sự cao quý châu Âu (2)

Sự cao quý đại diện cho phẩm giá và nhân cách cao cả

 

Ở phương Tây, cho đến thế kỉ thứ 18, giới quý tộc vẫn là chủ đạo và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội. Thậm chí cho đến tận ngày nay, Vương quốc Anh vẫn phong tước và danh hiệu cho những người cao quý.

 

Khi xã hội quý tộc ở phương Tây trở thành xã hội của thường dân, tầng lớp trung lưu cũng không hề tạo ra làn sóng phủ nhận và phê phán văn hóa quý phái. Trái lại, họ còn gửi con em mình đến học ở những trường học ưu tú để học hỏi, để được tặng danh hiệu về tất cả các loại biểu chương hay trang phục, một huy hiệu và một tước vị cao quý, để qua đó họ có thể kế thừa hoàn chỉnh thể hiện của sự cao quý.

Nói về giới quý tộc Vương quốc Anh, một nhà báo người Trung Quốc là Chu An Bình đã từng nói rằng nguyên nhân giúp cho giới quý tộc Anh có thể tồn tại đến ngày nay là nhờ vào sự ủng hộ của dân chúng. Nhìn chung, người Anh luôn tin rằng tinh thần của giới quý tộc đại diện cho phẩm giá và nhân cách cao cả.

Khi vua Henry I của Anh mất năm 1135, cháu trai Stephen và cháu nội Henry II của ông đều tự nhận mình là người thừa kế ngai vàng hợp pháp. Khi đó, Stephen đang ở Vương quốc Anh nên đã được thừa kế ngai vàng. Henry II, lúc này lại đang ở lục địa châu Âu, đã rất tức giận khi nghe tin và tập hợp quân đội tấn công Stephen. Khi ấy, Henry II vẫn còn rất trẻ và chưa có kinh nghiệm nên không có kế hoạch tốt. Khi vừa mới tiến vào bờ biển Bristish Isles (quần đảo ở miền đông bắc Đại Tây Dương, ngăn cách với lục địa châu Âu bởi biển Bắc và biển Măng-sơ), đội quân của Henry II đã cạn kiệt tiền và lương thực.

Vậy Henry II đã làm gì sau đó? Ông đã làm một việc mà không có bất cứ người Trung Hoa nào có thể làm. Đó là viết thư cho Stephen để cầu cứu. Trong thư, ông nói với Stephen rằng ông đã không lên kế hoạch chu đáo và quân đội của ông giờ đây đã hết lương thực. Ông mong Stephen viện trợ để ông có thể đưa đội quân đánh thuê trở về châu Âu. Và Stephen đã rất hào phóng gửi tiền cho Henry II. Và ngay sau đó, Henry II lại phát động cuộc chiến tranh lần thứ 2 để giành lấy ngai vàng.

Người dân Trung Hoa sẽ nghĩ rằng Henry II là kẻ vô ơn bạc nghĩa. Một người vừa mới giúp bạn vượt qua khó khăn, và bây giờ bạn lại tấn công người ấy. Nhưng nhiều quý tộc châu Âu lại khoan dung với địch thủ của mình. Một vài năm sau, khi Henry II trưởng thành hơn, ông lại dẫn một đội quân khổng lồ tấn công Stephen một lần nữa. Và lần này, ông đã giành chiến thắng. Một kết quả thú vị ở đây là ông đã kí một hiệp ước với Stephen cho phép Stephen tiếp tục ngồi trên ngai vàng và Henry II sẽ chỉ lên làm vua sau khi Stephen qua đời.

Trong con mắt của người bình thường, một người cuối cùng giành chiến thắng mà lại không có được ngai vàng thì cũng chẳng có giá trị gì. Ở Trung Quốc, trong một trận chiến giành ngai vàng, một bên chắc chắn phải chết. Câu chuyện sau đây cũng để lại ấn tượng sâu sắc..
Hai người con trai của vua Edward III thuộc dòng họ Công tước xứ Lancaster của Anh và hậu duệ của Công tước xứ York đều mong muốn có được ngai vàng. Điều này đã dẫn đến cuộc chiến tranh giữa hai dòng họ. Nhưng rồi Henry VII của dòng họ Lancaster kết hôn với con gái của Công tước xứ York. Và sau khi hai người kết hôn, hai dòng họ hợp nhất thành một và lập ra Vương triều Tudor.

Những cuộc chiến tranh thời kì Trung cổ ở phương Tây cũng khá giống với những cuộc chiến trong thời kì Xuân Thu của Trung Quốc. Trên chiến trường là kẻ địch nhưng rời chiến trường thì vẫn là bạn hữu. Và cũng có rất nhiều cuộc chiến thời Trung cổ giống như những cuộc chơi của trẻ nhỏ ngày nay.

Một số chính trị gia châu Âu có truyền thống đặc biệt – một vị vua, dù đã bị lật đổ, vẫn luôn được đối xử một cách lịch sự đàng hoàng. Điều này đã phản ánh phong cách hiệp sỹ của người châu Âu. Đó cũng là lý do vì sao trong những cuộc đấu tranh giành quyền lực ở châu Âu rất hiếm khi xảy ra việc tuyệt diệt kẻ thù – vốn thường xuyên xảy ra trong những cuộc chiến tại Trung Quốc.

(Theo The Epoch Times)