Những tưởng chiến thắng đã nằm trong tay đế chế Inca với chênh lệch lực lượng lên tới hơn 40 lần. Nhưng thật bất ngờ khí chính họ mới là bên thua trận.
Đế chế Inca
Inca là tộc người da đỏ sống tại miền Nam châu Mỹ. Thời kỳ cực thịnh của họ bắt đầu từ thế kỷ 13 đến 16. Khi đó, họ đã làm chủ một vùng đất vô cùng rộng lớn, trải dài từ Ecuador ngày nay cho đến tận Chile và Argentina, không những thế, đó còn là 1 đế chế có mức độ tổ chức cao.
Ngày nay chúng ta biết nhiều đến đế chế Inca bởi những công trình kiến trúc vĩ đại nhưng đầy bí ẩn. Thậm chí vào thời đó, những người da đỏ này đã xây dựng được hệ thống đường sá khổng lồ, có tổng chiều dài lên tới 40.000km hay chiếc cầu treo được làm bằng cỏ dài gần 70m vắt ngang sông Río Apurímac.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là dù hệ thống đường phát triển như thế nhưng người Inca lại không phát minh ra bánh xe, mọi di chuyển đều thực hiện bằng 2 chân.
Từ 1 bộ tộc nhỏ, những người Inca đã vươn lên và dần dần thống trị 1 vùng rộng lớn ở phía Nam châu Mỹ. Trước đây, khi bắt đầu đến Cuzco, kinh đô sau này của họ, những người da đỏ này đã tấn công những bộ lạc khác sống lâu năm tại đây như Gualla và Sauasera, trong đó Gualla thất bại nặng nề và chịu cảnh diệt tộc.
Không lâu sau, họ dễ dàng nắm kiểm soát khu vực màu mỡ giữa 2 con sông Huatanay và Tullumayo bằng cách đô hộ những người Alcabiza và Culunchima. Từ đó, bằng cả những cách mềm dẻo như liên minh hay bạo lực như xâm lược, người Inca đã thâu tóm được vô vàn các vùng đất ở Nam Mỹ.
Cuộc chiến với Tây Ban Nha và thất bại không tưởng
Tháng 4/1532, Francisco Pizarro, một nhà thám hiểm và cũng là thực dân của Tây Ban Nha đã đặt chân tới Peru, vùng đất của những người Inca cổ xưa.
Lúc này, đế chế Inca đang chìm trong 2 cơn khủng hoảng lớn. Một là đại dịch chưa từng xuất hiện trong lịch sử của họ, theo nhiều nhà nghiên cứu đó là đậu mùa và sởi. Còn cơn khủng hoảng thứ 2 chính là cuộc chiến tranh giành ngôi vị giữa hai anh em Atahualpa và Húascar. Chính những điều này đã khiến 1 đế chế hùng cường suốt 3 thế kỷ bước vào thời kỳ suy thoái, xuống dốc.
Dịch bệnh và nội chiến đã khiến Inca trở thành vương quốc của sự bất bình, đổ nát, nhân dân ngày càng lầm than. Và đó đúng là lúc mà các đế quốc thực dân nhắm tới.
Khi đến đây, Pizarro yêu cầu hoàng đế hoàng đế Atahualpa, người chiến thắng trong cuộc nội chiến ngôi vị, phải cùng với toàn bộ đế chế Inca cải đạo thành Ki-tô. Tất nhiên, Atahualpa không thể chấp nhận yêu cầu vô lý đó, ông liền cầm quyển Kinh Thánh và ném xuống nền nhà.
Đây được coi như hành động tuyên chiến và cũng là ngòi nổ cho cuộc tấn công từ quân Tây Ban Nha.
Đáng tiếc cho Atahualpa là ông đã đánh giá quá thấp Pizarro cùng 168 tùy tùng. Tuy chỉ với quân số ít ỏi hơn rất nhiều so với đội quân 8.000 người Inca nhưng họ lại được trang bị súng trường, thần công và bộc phá.
Hơn thế nữa, những người da đỏ Inca thường giải quyết xung đột bằng những chiến thuật đơn giản, họ không hề biết đến những trận mai phục, cũng không có cách nào để đối phó lại với sức công phá khủng khiếp từ súng thần công hay những vết thương chí tử từ súng trường.
Chính những thứ vũ khí hiện đại đến từ châu Âu đã xóa bỏ chênh lệch về quân số. 168 người Tây Ban Nha nhanh chóng đập tan lực lương hơn 8000 quân Inca, bắt giữ vua của người da đỏ, Atahualpa.
Kết quả, khoảng 2000-3000 chiến binh Inca tử trận, 5000 người bị bắt trong đó có cả nhà vua, tuy nhiên cũng có tài liệu cho rằng, con số thương vong nếu tính cả người dân thì sẽ lên đến gần 20.000 người. Một con số khổng lồ nếu so với 168 lính Tây Ban Nha.
Sau khi bị bắt sống, vị hoàng đế này đã trưng dụng hầu hết mọi kho báu, của cải trong vương quốc với giá trị ước tính lên tới 250 triệu USD để chuộc lại tự do cho mình. Nhưng ngay khi nhận được tiền, người Tây Ban Nha lại nuốt lời để có thể kiếm thêm nhiều nữa.
Cho đến tháng 8/1533, khi vua Atahualpa trở nên hết giá trị lợi dụng, ông bị giết ngay tại nơi giam giữ. Một tù trưởng có tên Manco Cápac II được chọn làm người kế vị nhưng thực ra cũng đóng vai trò như 1 bù nhìn.
Bên cạnh đó, sự phản kháng trên toàn đất nước Inca ngày một giảm bởi những bộ tộc trước đây bị xâm chiếm cũng hy vọng sẽ thoát khỏi sự thống trị của đế chế da đỏ này.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, thực chất, nguyên nhân dẫn tới chiến tranh cũng như chiến thắng của Pizarro đều là tiền đề cho sự xâm lược các vùng đất Nam Mỹ của hàng loạt nước châu Âu sau này.
Theo Soha