[Chanhkien.org] Năm 590, đời vua Tùy Văn Đế, quan Thị Lang bộ Giá tên là Tân Công Nghĩa được bổ nhiệm làm Thứ sử châu Mân. Khi ấy người dân châu Mân đều rất sợ bệnh tật, nghĩ rằng tất cả bệnh tật đều truyền nhiễm, cho nên người nào mắc bệnh đều bị cách ly, ngay cả người nhà cũng xa lánh.
Rất nhiều người bệnh vì không được chăm sóc mà phải chết. Quan hệ giữa người với người rất lạnh lùng, đã thành tập quán. Sau khi Tân Công Nghĩa đến nhậm chức, ông quyết dùng lòng nhân ái để cảm hóa lòng dân, cải biến tập quán xấu này.
Mùa hè năm đó, lại có nhiều người lâm bệnh. Tân Công Nghĩa đặt nhiều chiếc giường ngay trong đại sảnh nhà mình, tiếp đón tất cả người bệnh tới cứu chữa. Từ trong đại sảnh cho tới tận ngoài hành lang đều chật cứng bệnh nhân. Tân Công Nghĩa dùng tiền của bản thân cho người bệnh khám bệnh mua thuốc, sớm tối chăm lo cho khắp lượt các bệnh nhân. Rất nhanh chóng, lần lượt từng người bệnh đều thuyên giảm. Tân Công Nghĩa cho người tới gọi thân nhân của người bệnh đến đón về, bảo họ: “Các vị xem, nào đâu có bệnh truyền nhiễm chứ? Chẳng phải tôi vẫn rất khỏe mạnh đây sao?”.
Thân nhân của những người bệnh vừa cảm động vừa hổ thẹn, sau khi trở về đều kể chuyện Tân Công Nghĩa ân đức cho nhau nghe. Một truyền mười, mười truyền trăm, ai nấy mắc bệnh đều đi tìm Tân Công Nghĩa, thân thích của người bệnh cũng đều ở lại chăm sóc cho họ. Kể từ đó, người người hòa thuận thương yêu nhau, tập quán lạnh lùng vô cảm năm xưa đã tiêu tan hoàn toàn.
(Chuyện trong sách “Tư trì thông giám”)
Dịch từ:
http://big5.zhengjian.org/articles/2006/2/11/35645.html
http://www.pureinsight.org/pi/index.php?news=3816