Tinh Hoa

Cá ăn thịt biết… nói

 

Pihanha, loài cá ăn thịt người hung hãn nhất thế giới, sẽ “gắt lên” khi tranh giành thức ăn hay chuẩn bị gây chiến và cắn xé kẻ địch.

Nghiên cứu mới nhất cho thấy, loài cá đáng sợ này không chỉ có những cú cắn chết người. Theo The Guardian, nhờ hệ thống mic tí hon đặt trong bể cá, các nhà khoa học đã thu được một tổ hợp âm thanh hết sức ấn tượng gồm những âm thanh nghe như tiếng trống, tiếng “sủa gắt” và cả tiếng “rên rỉ”. Họ phát hiện, mỗi một âm thanh này lại hàm chứa một thông điệp khác nhau.

 

Nữ diễn viên Kelly Brooks và những con cá hung thần Piranha trong bộ phim “Piranha 3D”. Ảnh: Daily Mail

Dù hầu hết thời gian, cá piranha di chuyển và săn mồi trong im lặng, nhưng khi đánh hơi thấy rắc rối (chẳng hạn như giành thức ăn với con khác hay khi bị các nhà khoa học vớt lên để nghiên cứu), chúng sẽ phát ra tiếng sủa gắt.

Từ lâu, khoa học đã biết cá sử dụng sóng âm để giao tiếp và hấp dẫn bạn tình, nhưng con người hoàn toàn không hay biết về khả năng tạo âm phong phú của cá, cũng như không hiểu được ý nghĩa từ những âm thanh này.

Những tư liệu video quay được trong bể đã giúp Tiến sĩ Eric Parmentier, Đại học Liege, Bỉ “phiên dịch” giúp loài cá hung thần này. “Chúng sủa lên như để cảnh báo về trận chiến sắp nổ ra. Chúng gây ra tiếng động dồn dập như tiếng trống khi đuổi theo con khác và rên rỉ khi cắn một con piranha đồng loại”, Tiến sĩ Parmentier giải thích trên BBC.

Cũng theo tiết lộ của tiến sĩ Parmentier thì nghiên cứu loài cá hung thần piranha có lẽ là một trong những nghiên cứu nguy hiểm nhất. “Chúng tôi thường xuyên phải vào viện vì bị cá cắn. Ngón tay của một đồng nghiệp còn suýt chút nữa bị cắn đứt lìa”.

Cũng giống như một số loài cá khác, piranha phát ra âm thanh bằng cách siết nhanh các cơ xung quanh bong bong. Chúng thay đổi tông và cao độ của âm thanh bằng cách thay đổi tần suất co cơ.

Một con cá piranha trưởng thành có thể dài tới 30 cm và có hàm răng cực sắc. Cú ngoạm của chúng có thể xé đứt thịt một cách hiệu quả bởi chúng có hình dạng giống như lưỡi dao.

Tiến sĩ Parmentier dự định trong giai đoạn sau của cuộc nghiên cứu, nhóm của ông sẽ “nghe lén” các cuộc trò chuyện của cá piranha trong đầm bởi quy mô của bể cá khá nhỏ và có thể môi trường sống tự nhiên sẽ khiến cá piranha tích cực “giao tiếp” hơn.

Trọng Cầm/Vietnamnet