1. Quần thể đài quan sát Tiwanacu, Bolivia
Toàn cảnh quần thể di tích Tiwanacu.
Bằng phương pháp đặc biệt, các nhà khoa học đã xác định được quần thể đài quan sát Tiwanacu xuất hiện vào khoảng năm 1500 TCN. Đây là địa điểm khảo cổ lâu đời với kiến trúc đặc biệt gồm năm cấu trúc chính, bao gồm các Kim tự tháp Akapana và đền thờ Kalasasaya. Các công trình được xây theo hình chữ nhật, rộng 75m và dài 125m, tạo thành một đường chân trời “có răng” với khoảng cách đều. Nhờ quần thể đài quan sát này, người ta có thể tính toán được ngày tháng và các mùa trong năm.
Đây là phần còn sót lại của Kim tự tháp Akapana – nơi trước đây từng là đài quan sát của người Inca.
Chân dung thần Viracocha trong đền thờ thuộc quần thể di tích.
Trong tín ngưỡng văn hóa Inca, Viracocha là một trong những vị thần quan trọng nhất. Hình ảnh của Viracocha xuất hiện trong các đền thờ và câu chuyện thần thoại vùng Andes (Nam Mỹ) như một vị thần sáng tạo ra tất cả, có liên quan mật thiết với biển. Thần Viracocha tạo ra Vũ Trụ, Mặt Trời, Mặt Trăng, các ngôi sao và cả thời gian.
Viracocha được tôn thờ như thần Mặt Trời và các cơn bão của người Inca, với hình ảnh đại diện là một người đội vương miện có 24 nhánh, tay cầm quyền trượng hình dạng tia sét và nước mắt rơi như những hạt mưa.
Cổng Mặt Trời nằm trơ trọi giữa đồng.
Cổng Mặt Trời (Puerta del sol) ở Tiwanacu cũng là một trong những địa điểm thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ. Chiếc cổng này cao 2,75m, dài 4m, trọng lượng vào khoảng 10 tấn và được tạo ra từ một phiến đá duy nhất. Phần phía trên cổng được trang trí bằng những nét chạm khắc rất tinh xảo so với trình độ thời kỳ đó.
Ở giữa của cổng là bức tượng thần Viracocha, bao xung quanh là 48 hình vuông tượng trưng cho 48 nhân vật có cánh. Trong số 48 ô vuông này, một số nhân vật có khuôn mặt của con người, số còn lại có đầu kền kền khoang cổ Nam Mỹ hoặc mèo. Cả 48 nhân vật đều quay đầu hướng về phía tượng thần Viracocha.
Các gương mặt được chạm khắc tinh xảo trên đá.
Tuy vậy, thật đáng tiếc khi phần chạm khắc trên Cổng Mặt Trời không còn nguyên vẹn do một vết nứt xuất hiện trước khi các nhà thám hiểm phát hiện ra, nhiều khả năng là do điều kiện tự nhiên tác động. Nhờ vào Cổng Mặt Trời (Puerta del sol) mà người cổ đại đã có thể tính toán gần chính xác thời gian của một năm theo loại lịch đặc biệt: Một năm chia thành 20 chu kỳ và mỗi chu kỳ kéo dài 18 ngày.
Một góc khu di tích.
2. Các phiến đá Stonehenge, Anh
Các nhà khảo cổ cho rằng tượng đài bằng đá này được dựng vào khoảng năm 3000 – 2500 TCN. Stonehenge là một quần thể đá đặt trên đồng bằng Salisbury miền Nam nước Anh, bao gồm 30 tấm đá thẳng đứng, mỗi tấm đá dài hơn 6m và nặng 26 tấn. Tất cả các tấm đá liên kết với nhau thành một vòng tròn, bên cạnh là 30 viên đá nhỏ khác (nặng khoảng 6 tấn) xếp theo chiều ngang trên đỉnh.
Toàn cảnh Stonehenge khi nhìn từ trên cao.
Có rất nhiều giả thiết được đưa ra về mục đích xây dựng Stonehenge. Theo nhiều nhà khảo khổ, Stonehenge là một trong những đài thiên văn cổ xưa nhất thế giới được dựng bởi các thầy tế. Vào mùa hè, trục quay của Stonehenge nằm trùng khớp với góc Mặt Trời mọc. Tuy nhiên, có người cho rằng đó là một cơ quan phòng thủ. Nhưng khi nhìn vào Stonehenge, ta lập tức nhận ra điểm vô lý của nhận định trên bởi khoảng cách giữa các tảng đá quá xa, chẳng ai có thể ẩn nấp sau đó để trốn tránh kẻ thù.
Số khác thì cho rằng đó là bia tưởng niệm các chiến sĩ đã tử trận, song cũng không thiếu ý kiến cho rằng Stonehenge được tạo ra bởi những người ngoài hành tinh.
Stonehenge trông càng huyền bí hơn trong buổi chiều tà.
Stonehenge hiện là một trong những nơi bí ẩn nhất mà khoa học chưa tìm ra lời giải.
3. Những phiến đá đứng Nabta, Ai Cập
Những phiến đá đứng (Standing Stone) Nabta nằm trong sa mạc Nubian (khu vực phía Đông của sa mạc Sahara). Theo các nhà khoa học, khu vực này xuất hiện vào khoảng năm 6400 đến 4900 TCN, đồng nghĩa với việc những phiến đá Nabta xuất hiện trước cả Stonehenge và những di tích đá thiên văn khác ở Châu Âu.
Ở Nabta, những phiến đá được sắp xếp tạo thành 6 hàng, mở rộng dần trên các lớp trầm tích. Mỗi hàng có tổng cộng 24 phiến đá. Những hàng đá này được sắp xếp theo một cấu trúc phức tạp, giống như các nan hoa trên các bánh xe đạp.
Các phiến đá ở Nabta được sắp xếp theo một quy luật phức tạp.
Cho đến nay, Nabta được xem là di tích đá thiên văn lâu đời nhất được tìm thấy trên thế giới. Với “tuổi đời” lớn hơn Stonehenge gần 1000 năm, khu di tích này được xây dựng dọc theo bờ của một hồ nước đã khô cạn từ rất lâu. Điều gây ngạc nhiên cho rất nhiều nhà khoa học là từ 6000 năm trước, những phiến đá cao 3m đã được di chuyển trên những quãng đường dài để tạo ra khu vực này.
4. Đài quan sát Mặt Trời Chankillo, Peru
Có thể coi đây là đài quan sát Mặt Trời cổ nhất được tìm ra ở châu Mỹ, cho thấy sự phát triển rực rỡ của nền văn minh thổ dân. Đài quan sát này bao gồm một nhóm 13 ngọn đã 2300 năm tuổi, được tìm thấy tại Chankillo, Peru. Từ các tòa tháp, ta có thể tính toán và thiết lập vòng cung hàng năm của Mặt Trời, cung cấp một “bộ” lịch đầy đủ để đánh dấu ngày đặc biệt.
Cận cảnh 1 trong 13 tháp quan sát.
Trải dài 230m từ Đông sang Tây dọc theo đường chân trời, 13 tháp quan sát này là một địa điểm lý tưởng để theo dõi đường đi của Mặt Trời, đặc biệt là ở hai tháp hai đầu cánh. Ví dụ, nếu bạn đứng ở điểm quan sát phía Tây, bạn sẽ thấy Mặt Trời buổi sang mọc bên trái của tháp đầu tiên cùng cánh. Sự việc tương tự với tháp quan sát phía Đông.
Chankillo nhìn từ xa.