Tinh Hoa

“Người tiền sử” và những bức tranh bí ẩn trong hang đá

Cũng như nhiều nhà nghiên cứu dũng cảm khác, Tiến sỹ Rappenglueck tin rằng nhiều kỳ quan khảo cổ học của thế giới đã bị che đậy vì những nguyên do “bí ẩn”.

Hang Altamira, Tây Ban Nha

Marcelino Sanz de Sautuola (1831 – 1888) là một quý tộc Tây Ban Nha, một nhà luật học đồng thời là một nhà khảo cổ học nghiệp dư. Ông sở hữu một vùng đất rộng lớn gần thành phố Santander, và mảnh đất lắm đồi núi này có tên gọi là Altamira (có nghĩa là “quang cảnh trên cao”) ở miền bắc Tây Ban Nha.



 

Marcelino Sanz de Sautuola và con gái Maria

Vào năm 1868, một người thợ săn tên là Modesto Peres cùng với con chó của mình đã khám phá ra một khe nứt dưới chân một ngọn đồi thuộc khu đất của nhà Sanz de Sautuola. Sau đó, người thợ săn phát hiện ra rằng khe nứt ấy thực ra là một cái miệng hang bị bít bởi đất và cây dại. Modesto báo cáo việc này với Marcelino. Marcelino ban đầu không để ý quan tâm lắm, bởi vì vùng núi phía bắc Tây Ban Nha cũng đã có nhiều hang động rồi. Cho đến năm 1875, Marcelino mới dọn dẹp lối vào hang và bắt đầu thám hiểm.



Bích họa bò rừng bison, hang Altamira, chứng tỏ óc thẩm mỹ và kỹ năng vẽ cực kỳ điêu luyện của những “người tiền sử”. Màu vẽ gồm 4 loại, làm từ khoáng chất, không bị phai, khiến bức tranh vẫn tươi sáng dù đã trải qua 16.000 năm. Màu vẽ chứa sắt dùng làm màu đỏ, vàng và nâu, còn màu đen là MgO2. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng để vẽ nên các tác phẩm ấy, người họa sỹ thượng cổ phải có dụng cụ vẽ đặc thù và tiên tiến

Vào năm 1879, cô bé Maria – năm ấy mới 9 tuổi – đã tình cờ phát hiện thấy trên trần hang này có hình ảnh của những con bò rừng bison. Cô bé kể cho cha nghe về phát hiện của mình. Marcelino nhận thấy những hình vẽ trong hang rất đẹp và có trình độ thẩm mỹ rất cao, nhưng ông lại tin rằng chúng hết sức cổ xưa. Do đó ông đã nhờ một nhà khảo cổ học – giáo sư Juan Vilanova y Piera thuộc trường Đại học Madrid giúp đỡ khám phá và nghiên cứu những hình vẽ bí ẩn này.

Vào năm 1880, Marcelino cùng với giáo sư Juan đã công bố những kết quả nghiên cứu của họ vào năm 1880. Nhưng, giới khoa học chủ lưu thời đó không muốn tin rằng những hình vẽ có kỹ năng cao như thế lại là của những người tiền sử từ hàng chục ngàn năm trước, nên đã không chấp nhận. Hầu như tất cả các nhà khoa học thời đó đều kịch liệt phản đối công trình của Marcelino và Juan, thậm chí nhạo báng họ không tiếc lời tại Hội nghị Tiền sử học 1880 ở Lisbon. Do trình độ nghệ thuật cao siêu và trạng thái bảo tồn cực tốt của những hình vẽ ấy, Sautuola thậm chí còn bị cáo buộc là giả mạo.

Mãi đến năm 1902, tức là 13 năm sau khi Marcelino qua đời, sau khi nhiều bích họa tiền sử khác lần lượt được khám phá, người ta mới bắt đầu nhìn nhận lại khám phá của ông. Năm ấy, nhà khảo cổ học danh tiếng lẫy lừng nước Pháp là Emile Cartailhac, người từng phê phán Marcelino mạnh mẽ nhất, đã công khai thừa nhận sai lầm của mình trong bài báo nổi tiếng “Sai lầm của một kẻ hoài nghi” trên tờ báo Nhân chủng học. Kể từ đó, những hình vẽ Altamira mới bắt đầu được công nhận rộng rãi.

Ngày nay, các kỹ thuật ước định niên đại đã cho thấy: những bích họa hang Altamira đã được vẽ từ khoảng 15.000 năm trước đây.

Hang La Marche, khu vực Lussac-les-Châteaux, miền Tây nước Pháp

Léon Péricard – một nhà khoa học nghiệp dư đã khám phá ra những bích họa La Marche trong các hang đá ở vùng Lussac-les-Châteaux miền tây nước Pháp vào tháng 11/1937. Péricard và bạn là Stephane Lwoff – một nhà cổ sinh vật học đã nghiên cứu những hang này trong 5 năm từ 1937 đến 1942, và tìm thấy nhiều hình chạm khắc trên hơn 1.500 phiến đá vôi lót nền của các hang động này. Vào năm 1938, họ trình bày khám phá của mình tới Hội Tiền sử học Pháp, nhưng nhiều người nghi ngờ giá trị của những khám phá đó. Khi đó các khoa học gia Hội Tiền sử học Pháp đã nói: “Thứ nghệ thuật này quá hiện đại, quá phức tạp, quá tốt… Không thể nào nghệ thuật như thế lại là tác phẩm của người tiền sử!” và quay ra cáo buộc Lwoff lừa đảo mặc dù họ không có bằng chứng.

Tuy nhiên đến năm 1941, sau khi tiến hành nghiên cứu, Hội Tiền sử học Pháp đã xác nhận các phát hiện tại La Marche. Báo cáo chính thức từ Hội Tiền sử học Pháp phát biểu rõ rằng thành quả của Péricard và Stephane Lwoff là hoàn toàn xác thực. Tuy nhiên, phát biểu đó vẫn chưa đủ thuyết phục những người hoài nghi trong giới khảo cổ học và sử học.



Tu sỹ Henri Breuil, và Tiến sỹ Michael Rappenglueck

Những hang động này được tu sỹ đồng thời là nhà khảo cổ học người Pháp Henri Breuil nghiên cứu lại một lần nữa vào những năm 1938 – 1939. Các kết quả mà vị tu sỹ thu được cũng xác nhận khám phá của Péricard, và báo cáo của ông công bố vào năm 1942 đã khiến sự hoài nghi giảm bớt nhiều. Tuy nhiên kể từ đó, La Marche bị bỏ rơi không được nghiên cứu sâu thêm, mãi cho tới gần đây.

Vào năm 2002, các phát hiện của Péricard đã được tiến sỹ Michael Rappenglueck thuộc trường Đại học Munich nước Đức nghiên cứu và thẩm định lại. Tiến sỹ Rappenglueck đã tuyên bố trên BBC News Online: “Giới khoa học hiện đại đã hoàn toàn phớt lờ chúng,… Chúng đã được đề cập trong một vài quyển sách nhiều thập niên trước đây và đã bị bỏ qua như là đồ giả mạo – và từ đó trở đi thế là xong”. Ông nói giờ đã đến lúc phải đánh giá lại những bức tranh này.

Tiến sỹ Rappenglueck nói những hiện vật Péricard tìm thấy là thật, và tiến hành nghiên cứu sâu hơn về những hang đá La Marche. Ông cũng cho biết thêm rằng nhiều hình vẽ đã bị hư mất trong những lần khai quật của Péricard. Khi cố kiểm tra những bức tường, Péricard đã hoàn toàn không để ý đến mặt sàn hang vốn có thể có nhiều hình vẽ và hình chạm khắc trên đó, do đó vô tình phá hỏng chúng. Ông cho biết rất có thể những hình chạm khắc vô giá tương tự trong nhiều hang động khác cũng đã vô tình (hoặc hữu ý) bị phá hỏng trong những lần khai quật, bởi vì người ta hầu như không chú ý đến những gì nằm trên nền hang mà chỉ quan tâm các bức tường trong hang động.

Các ước định niên đại cho thấy những hình chạm khắc La Marche đã có từ khoảng 15.000 năm trước.

Trong hơn 20 năm qua, số hiện vật thu được từ hang này đã tăng lên nhiều. Thêm 1.512 mảnh hiện vật đã được phát hiện và đánh số, 386 cái được cho là hình ảnh phức hợp. Nội dung của những hình chạm khắc này gồm có các loài động vật như bò rừng, sư tử, gấu, linh dương… Có 155 hình khắc họa mô tả người, có nhiều hình ảnh người đội mũ, mặc áo choàng và mang giày, mỗi cái đều có khuôn mặt rất riêng.



Những khuôn mặt được khắc họa trên những phiến đá vôi rất sinh động và phức tạp, mặc dù hết sức cổ xưa

Những hình chạm khắc của La Marche không giống kiểu những hình vẽ đơn giản có niên đại tương tự. Chúng rất sinh động, hiện thực, phức tạp và có chất lượng cao hơn hình vẽ trong các hang động khác. Nhiều hình ảnh được khắc chồng lên trên các hình ảnh khác, khiến người ta khó phân tách và giải mã chúng.



La Marche. Hình chạm khắc khuôn mặt một người đàn ông đội mũ



La Marche. Hình chạm khắc 2 khuôn mặt khác, bên trái là hình ảnh một người phụ nữ đội mũ

Khía cạnh đáng kinh ngạc nhất của những bức chân dung này là trông họ không quá khác so với con người ngày nay. Khám phá này là đối lập hẳn với hình ảnh tưởng tượng của chúng ta về những “người tiền sử” hoang dại. Người đàn ông trong bức bích họa đá mặc trang phục tương tự người phương Tây cận đại. Cũng chính vì thế mặc dù đã được Hội Tiền sử học Pháp công nhận từ rất lâu nhưng nhiều người trong giới khảo cổ học và sử học chủ lưu vẫn hoài nghi kéo dài, bởi La Marche cũng như rất nhiều tàn tích khảo cổ học khác không có lợi cho thuyết tiến hóa – con gà đẻ trứng vàng mà họ nuôi lớn hàng trăm năm qua.

Cũng như nhiều nhà nghiên cứu dũng cảm khác, Tiến sỹ Rappenglueck tin rằng nhiều kỳ quan khảo cổ học của thế giới đã bị che đậy vì những nguyên do “bí ẩn”.



Hình ảnh này nằm trên một phiến đá chạm khắc được tìm thấy trong hang đá La Marche, niên đại khoảng 16.000 năm trước. Ngay từ cái nhìn ban đầu, Stéphane Lwoff đã cho rằng nó mô tả “một nghệ sĩ vi-ô-lông đang nhảy múa”. Người này đội mũ và mặc áo khoác, cổ đeo trang sức. Lwoff vô cùng kinh ngạc khi nhận thấy một đồ vật giống như khẩu súng nằm trên bắp đùi của ông ta



Một hình chạm khắc khác, mô tả một người đang ngồi, mang ủng, đội mũ, có thắt lưng… Niên đại khoảng 15.000 năm trước

Hang Trois Freres, Pháp

Trong hang đá ở Les Trois Freres, Ariège, Tây Nam nước Pháp, người ta cũng tìm được những hình phức hợp tương tự. Chúng cũng có niên đại khoảng 15.000 năm.



Hình ảnh phức hợp khắc họa cảnh bầy thú rừng thời thượng cổ, hang Les Trois Freres, Ariege, nước Pháp

Trong số các hình chạm khắc ấy, có những cái rất kỳ lạ. Ví dụ ở tác phẩm bên dưới có rất nhiều hình ảnh của ngựa và các động vật khác chồng lên nhau thành nhiều lớp. Người ta đã phân tích hình vẽ này, và phát hiện ra hình ảnh một người mặc trang phục, lưng đeo nịt rộng, chân đi ủng, mái tóc dài như đang tung bay…



Người đàn ông cưỡi ngựa, hang Trois Freres, Pháp (Ảnh: Jiri Mruzek)

“Mọi chân lý đều đi qua 3 bước:

Đầu tiên, nó bị nhạo báng,

Sau đó, nó bị phản đối kịch liệt,

Cuối cùng, người ta chấp nhận nó như một sự thật hiển nhiên”.

Những bước chân ấy có thể chậm mà cũng có thể mau. Điều đó có lẽ phụ thuộc nhiều vào lòng can đảm của chúng ta.

 

Minh Trí

(tổng hợp)/Tin 180