Rải rác khắp thế giới có nhiều công trình cổ đại ban đầu được cho là được xây bằng đá tự nhiên, nhưng gần đây người ta phát giác chúng đã được xây dựng bằng bê tông hoặc đá nhân tạo tiền sử.
Bê tông dưới nước thời La Mã cổ đại
Giáo sư Robert Hohlfelder đứng trên cột trụ xây theo công thức bê tông dưới nước mà Vitruvius nhắc đến
Nhà khảo cổ học nổi tiếng quốc tế, Giáo sư Robert Hohlfelder thuộc trường Đại học Colorado tại Boulder và các đồng nghiệp đã xây dựng một cầu tàu bê tông dưới nước theo cách của những người ở vùng biển Địa Trung Hải 2000 năm trước đây, căn cứ theo một cổ thư của nhà bác học Vitruvius thời La Mã cổ đại.
Giáo sư Robert Hohlfelder cho biết từ lâu các học giả đã kinh ngạc trước các kỳ công kỹ thuật của những người thời kỳ đầu đế quốc La Mã. Ông nói: “Các tác phẩm của Vitruvius tiết lộ kỹ thuật của người La Mã cổ đại. Nhưng chúng tôi vẫn có một số câu hỏi về việc sử dụng bê tông dưới nước cổ đại, và cảm thấy cách duy nhất để trả lời chúng là cố gắng xây dựng công trình của riêng mình dựa trên những gì người xưa đã làm và các vật liệu mà họ đã sử dụng”.
“Vitruvius giải thích làm thế nào để xây dựng các khuôn gỗ cho các công trình xây dựng bằng bê tông dưới nước, nhưng ông đã không chỉ rõ chúng đã được neo vào đáy biển bằng cách nào, vữa đã được đổ như thế nào, các vật liệu tổng hợp giống như các khối đá đã được thêm vào như thế nào, hoặc là mất bao lâu để bê tông khô đi”.
Các nhà nghiên cứu đã thành lập Nhóm nghiên cứu Công trình kiến trúc bằng bê tông hàng hải La Mã (ROMACONS) vào năm 2002, rồi bắt đầu thu thập và kiểm tra các lõi bê tông dưới nước từ các công trình xây dựng La Mã quanh vùng Địa Trung Hải.
Năm 2004, ROMACONS đã xây một cột bê tông đơn lẻ tại bến cảng Brindisi, Italy. Họ đã thiết kế cây trụ vuông này với các cạnh khoảng 2m và chiều cao 2m – vượt hơn mặt nước một chút. Vào 9/2004 đội đã đóng những tấm ván gỗ xuống nền biển để tạo khuôn rồi gia cố và tạo thành hình hộp của kiến trúc này. Cột trụ đã hoàn thành sau khi sử dụng 13 tấn vật liệu thô và 273 giờ công lao động. Hohlfelder nói:“Chúng tôi tin rằng đây là kiến trúc đầu tiên được xây dựng bằng các vật liệu và kỹ thuật này trong ít nhất 1.600 năm qua”.
Họ đã sử dụng công thức bê tông do Vitruvius truyền lại. Nó bao gồm nước biển, vôi và cát (pozzolana) và những khối đá núi lửa lấy từ Vịnh Naples. Vôi bột kết hợp với cát và nước tạo thành vữa liên kết cốt liệu thành một khối bê tông rắn chắc. Họ đãdùng dụng cụ cầm tay để đầm chặt cốt liệu vào trong vữa theo cách làm được mô tả trong các văn bản cổ xưa.
Vitruvius đã xuất bản 10 cuốn sách về kiến trúc vào khoảng năm 25 Trước công nguyên, mô tả các phương pháp và kỹ thuật xây dựng trong thời Đế chế La Mã, bao gồm cả kiến thức xây dựng các bến cảng cổ đại.
Điều đáng quan tâm ở đây là chúng ta hầu như không hề biết gì về lai lịch của Vitruvius, thậm chí tên của ông cũng đang bị tranh cãi. Kiến thức khoa học nói chung và kiến thức về bê tông dưới nước nói riêng của ông bắt nguồn từ đâu? Vitruvius không chỉ biết phương pháp tạo ra bê tông dưới nước, mà còn biết tỉ lệ vàng bí ẩn 1,618 của tự nhiên. Ông cũng đã mô tả về động cơ hơi nước cổ đại gọi là aeolipile 17 thế kỷ trước khi động cơ hơi nước đầu tiên của chúng ta ra đời.
Sợi tóc nằm trong đá – Kim tự tháp Lớn, Giza, Ai Cập
Giáo sư Tiến sĩ Joseph Davidovits của Học viện Geopolymer nước Pháp đã phát hiện một sợi tóc nằm trong một tảng đá của kim tự tháp Lớn ở Giza. Ông kết luận rằng sợi tóc lớn tuổi hơn phần đá xung quanh nó, và khối đá này là nhân tạo. Cả 2 luận điểm trên đều rất đáng kinh ngạc.
Mối nối trùng khít giữa đá bazan và nền đá vôi bên dưới chứng tỏ ít nhất phần đá basalt màu đen là đá nhân tạo
Kiểm tra các tảng đá được sử dụng trong việc xây dựng kim tự tháp người ta thấy hàm lượng nước cao bất thường (một hiện tượng thường thấy ở bê tông).
Hình ảnh trên là từ vỉa hè xung quanh các kim tự tháp ở Giza. Vỉa hè này bằng phẳng với độ chênh chỉ khoảng 1,25cm trên toàn thể khu vực, là một thành tựu ngoạn mục của kỹ thuật nề thời cổ đại mà kỹ thuật hiện nay cũng khó đạt nổi. Tuy nhiên, có một chi tiết đáng kinh ngạc là mảng đá vôi trắng còn lại bên dưới khối đá bazan đen.
Người đưa ra giả thuyết đá nhân tạo này là Giáo sư Tiến sĩ Joseph Davidovits. Báo cáo lần đầu trong năm 1980 của ông đã bị chế nhạo, nhưng giờ đây, sau khi trải qua những phân tích nghiêm ngặt, thuyết này đã được chứng minh và tỏ ra hợp lý. Vào năm 2006 tờ báo khoa học uy tín thế giới ScienceDaily đã có bài viết ủng hộ thuyết này của ông.
Nguyên văn bài viết như sau:
Để giải quyết phần nào một bí ẩn đã làm đau đầu các nhà khảo cổ học trong nhiều thế kỷ, một giáo sư trường Đại học Drexel đã xác định rằng Kim tự tháp Giza đã được xây dựng với sự kết hợp của không chỉ những tảng đá được đẽo gọt mà cả những khối bê tông đúc bằng đá vôi bởi một nền văn minh nào đó.
Lâu nay người ta vẫn luôn tin rằng các kim tự tháp được xây dựng với các khối đá vôi đã được cắt gọt tạo hình ở các mỏ đá ở gần đó bằng cách sử dụng các công cụ bằng đồng, được vận chuyển đến chỗ các kim tự tháp, được kéo lên các dốc và đặt vào vị trí với sự giúp đỡ của nêm và các đòn bẩy. Barsoum lập luận rằng mặc dù thực tế phần lớn các tảng đá được đẽo gọt và đặt vào vị trí, nhưng các bộ phận quan trọng thì không. Các nhà xây dựng cổ đúc các khối vỏ bọc bên ngoài và bên trong, và nhiều khả năng, cả phần phía trên của kim tự tháp bằng một loại bê tông đá vôi, được gọi là geopolymer.
Loại bê tông mà các nhà xây dựng kim tự tháp sử dụng có thể làm giảm ô nhiễm và có tuổi thọ lâu hơn xi măng Poclan, loại xi măng hiện đại phổ biến nhất hiện nay. Xi măng Poclan thải ra một lượng lớn carbon dioxide vào bầu khí quyển và có tuổi thọ khoảng 150 năm. Nếu được sử dụng rộng rãi, một loại geopolymer như thứ được sử dụng trong việc xây dựng các kim tự tháp có thể làm giảm ô nhiễm tới 90 phần trăm và bền hơn nhiều. Các nguyên liệu dùng để sản xuất loại bê tông được sử dụng trong các kim tự tháp – là vôi, đá vôi và đất diatomit – có thể tìm thấy trên khắp thế giới và có giá cả đủ phải chăng để là một vật liệu xây dựng quan trọng dành cho các nước đang phát triển.
(Theo ScienceDaily)
Đá nhân tạo của Kim tự tháp Bosnia
Đại học Bách khoa Turin, Italia
Kết quả phân tích của trường Đại học Bách khoa Turin, Italia (viết tắt POLITO) chứng tỏ Kim tự tháp Mặt trời của Bosnia được làm bằng bê tông nhân tạo.
Các kết quả phân tích các mẫu đá sa thạch và đá cuội kết lấy từ Kim tự tháp Mặt trời Bosnia đã được chứng minh là bê tông tiền sử, được làm từ các cốt liệu nhân tạo.
Trong phân tích mới đây của khoa Hóa học của POLITO, cả phân tích hóa học và phân tích nhiễu xạ đều đã xác nhận loại bê tông này có nhiều điểm tương tự như bê tông La Mã cổ đại.
Những khối đá nhân tạo rất lớn lát mặt ngoài kim tự tháp Bosnia của người tiền sử
Báo cáo còn cho biết các cốt liệu liên kết của loại bê tông này (gồm lớp vỏ sa thạch bọc ngoài) có thể được làm từ đất sét nung ở nhiệt độ cao (kaolinite và muscovite) và các vật liệu đá vôi (dolomite và calcite).
Dấu giày săng-đan in trên vật liệu bê tông của kim tự tháp Bosnia. Điều đáng kinh ngạc là các kết quả nghiên cứu cho thấy kim tự tháp Bosnia đã được xây dựng từ ít nhất 12.000 năm trước
Học viện Kemal Kapetanovic thuộc trường Đại học Zenica và Học viện Geopolymer nước Pháp dẫn đầu bởi Giáo sư tiến sỹ Joseph Davidovits đều đã xác nhận rằng các kim tự tháp Bosnia bí ẩn đã được xây dựng từ một số loại bê tông nhân tạo hoặc đá nhân tạo khác nhau.
Thành viên của Trại hè Quốc tế dành cho các Tình nguyện viên đang khai quật tại Kim tự tháp Mặt Trăng vào tháng 7 và 8 năm 2010
Tại khu khai quật các kim tự tháp Bosinia có mặt các tình nguyện viên nam nữ già trẻ thuộc đủ trình độ học vấn, trong một nỗ lực chung sức viết lại lịch sử nhân loại. Trong ảnh là các tình nguyện viên Italy, Croatia, Bangladesh, Serbia, Canada, Bosnia-Herzegovina, Đan Mạch và Anh quốc, dẫn đầu bởi Ricardo – nhà khảo cổ học người Italia tại địa điểm khai quật “Sonda số 20” thuộc khu tàn tích các kim tự tháp Bosnia
Từ nền văn minh Thung lũng Indus-Saraswati
Tác phẩm làm bằng đá nhân tạo khai quật được ở Harappa, Pakistan, ít nhất 4.500 tuổi
Bê tông Malta cổ đại
Các ngôi đền ở Malta nằm trong số những ngôi đền cổ xưa nhất trên thế giới. Các nhà khảo cổ học Malta cho rằng người thượng cổ từ 6.000 năm trước đã tạo ra một loại vật liệu giống như đá, bền chắc ngang với loại bê tông tốt nhất và khỏe nhất của chúng ta hiện nay.
Tham khảo:
http://www.bosnianpyramid.com
http://www.sciencedaily.com/releases/2006/12/061209122918.htm
Minh Trí/Tin 180
(tổng hợp)
Tin liên quan :
Mưa cá và ếch: Truyền thuyết hay Lịch sử?
‘Siêu linh kỳ bí’ làm các nhà khoa học bó tay