“Sái kinh thạch”, tảng đá phơi kinh Phật huyền thoại. Ngoài những mẫu tự cổ được khắc trên bề mặt, thì điều đặc biệt nhất là mặt trời chỉ chiếu lên tảng đá này 60 năm một lần.
Tương truyền, khi hòa thượng Huyền Trang (602 – 664 SCN), thời nhà Đường, đang trên đường trở về kinh thành Trường An, sau khi thỉnh kinh Phật từ Ấn Độ, ông đã phơi kinh thư trên tảng đá này sau khi chúng bị rơi xuống sông.
Báo Thông tin Vân Nam đưa tin rằng tảng đá cao gần 11 mét và rộng khoảng vài mét, với cây cỏ mọc rậm rạp xung quanh. Điều khác thường là khi mặt trời mọc ở trên cao, chiếu ánh nắng tới mọi ngõ ngách trong thung lũng, thì tảng đá này không nhận được một tia nắng nào.
Ở mặt trước của tảng đá, có vẻ như có các mẫu tự cổ được chạm khắc trên một bề mặt nhẵn khoảng 2,7 x 1,8 mét. Có tám dòng mẫu tự, mỗi dòng có khoảng 12 mẫu tự được chạm khắc. Những mẫu tự có hình dạng xoắn trông giống như các ký tự tượng hình hay các mẫu tự trước đời nhà Tần, mà ngày nay vẫn được sử dụng trên các dấu triện.
Trải qua năm tháng, những mẫu tự trở nên khó nhận biết. Bên cạnh tám dòng mẫu tự lớn, còn có nhiều mẫu tự được chạm khắc rất đẹp nhưng không thể đọc được.
Ông Cao, một học giả nghiên cứu lịch sử, văn hóa và địa lý Trung Quốc nói: “Mặt trời chỉ chiếu lên tảng đá này 60 năm một lần. Nó xảy ra sau hoàng hôn, khi mặt trời mọc lên lần nữa từ phía sau dãy núi vào cùng chiều tối hôm đó”.
Ông Cao biết được từ những người già ở một ngôi làng gần đó rằng có một người tiều phu vào rừng kiếm củi hàng ngày. Khi hoàng hôn buông xuống, anh ta thường đi ngang qua tảng đá trên đường về nhà với hai bó củi trên lưng. Một buổi chiều tối, khi đi ngang qua tảng đá, người tiều phu nhìn thấy mặt trời mọc lên lần nữa sau hoàng hôn cùng ngày hôm đó. Ánh sáng rực rỡ chiếu rọi lên tảng đá. Quá đỗi kinh ngạc, anh ta đánh rơi bó củi và chạy về làng kể lại câu chuyện với mọi người.
“Ánh nắng chiếu rọi khắp Phật đường”
Một hòa thượng ở chùa Pháp Hoa nói rằng: “Nó xảy ra vào khoảng 6 giờ chiều vào một ngày mùa xuân năm 2005 (ngày 20/3/2005). Tôi nhìn thấy mặt trời chiếu sáng lên tảng đá trong khoảng nửa giờ”.
Ông là hòa thượng đã ở trong ngôi chùa này nhiều năm, nhưng đó là lần duy nhất ông nhìn thấy mặt trời chiếu sáng lên tảng đá.
Theo những tài liệu lưu trữ của quận An Ninh, “Suốt mùa mưa, ngôi chùa âm u hơn bình thường. Đột nhiên, ánh nắng chiếu rọi khắp Phật đường. Bộ râu và tóc trên các bức chân dung các vị Phật trên tường bỗng trở nên vô cùng chói lọi. Một lát sau, ánh mặt trời biến mất, và mọi thứ lại trở nên âm u”.
Điều này được đưa tin vào năm 1921. Truyền thuyết địa phương nói rằng vào ngày sau xuân phân, cứ 60 năm một lần, mặt trời lại mọc lên lần nữa sau hoàng hôn trong cùng một buổi chiều tối. Ánh nắng chiếu rọi lên các đỉnh núi và thung lũng, và chiếu lên tảng đá. Các khu rừng trở nên rực rỡ sắc màu, các bức chân dung các vị Phật lấp lánh ánh vàng kim, và Phật đường chan hòa trong ánh sáng rực rỡ.
Người ta nói rằng hòa thượng Huyền Trang đã làm rơi kinh Phật xuống sông Sa Hà khi ông gặp một con thủy quái trong lúc đang vượt sông, trên đường trở về Trường An từ Ấn Độ. Ông đã vớt các kinh thư từ dòng nước lên và phơi khô chúng.
Vị hòa thượng và các đồ đệ của mình mở các cuốn kinh thư ra và phơi chúng lên một tảng đá, rồi đốt lửa để hong khô, nhưng đột nhiên mặt trời mọc lên mặc dù lúc đó trời đã sẩm tối. Ánh mặt trời thắp sáng bầu trời đêm, chiếu rọi lên tảng đá và hong khô các cuốn kinh thư.
Khi vị hòa thượng tập hợp lại các cuốn kinh thư, các dòng chữ tiếng Phạn từ cuốn kinh thư đã in lên tảng đá. Từ đó mới có cái tên “Sái kinh thạch”.
Theo Tindachieu