Xã hội hiện đại, rất nhiều phụ nữ lấy tiền bạc làm thước đo giá trị của một con người. Kỳ thực, đàn ông có tu dưỡng và phẩm chất đạo đức cao đẹp thì mới xứng đáng là “bảo vật” quý giá nhất…
Câu chuyện thứ nhất
Một cô gái từng có một trải nghiệm như sau: Một buổi tối nọ, cô về nhà sau khi tăng ca, khi đang ở tầng một đợi thang máy thì phía sau có 2 người đàn ông đi đến, cả người họ đầy mùi rượu, cô gái cảm thấy hơi sợ, sợ rằng họ say rượu sẽ chọc ghẹo mình.
Một lúc sau, thang máy xuống đến, cô bước vào thì thấy 2 người đàn ông nọ vẫn đứng yên, bèn hỏi: “Các anh không vào à?”.
Một trong hai người trả lời: “Chúng tôi đầy mùi rượu, sợ làm cô khó chịu và sợ hãi, nên chúng tôi đợi chuyến sau, cô lên trước đi”.
Đối với phụ nữ, một người đàn ông có đạo đức, từng cử chỉ hành động và lời nói của họ đều có thể khiến người bên cạnh cảm thấy thoải mái.
Câu chuyện thứ 2
Có một nhóm bạn đại học ra ngoài chơi, ở bãi xe có giăng một sợi dây thừng khá cao, các bạn nữ mặc váy không tiện leo qua, lúc này hai bạn nam không ai bảo ai mà cùng kéo sợi dây thừng xuống thấp đến khi các bạn nữ đi qua rồi họ mới đi.
Có người nhìn thấy thì nói rằng: “Thật biết làm con gái vui lòng” hoặc “Các cậu trai trẻ này rất biết vận dụng lý thuyết đấy, khi nào rỗi dạy anh em vài chiêu đi” v.v… Hai bạn nam nọ cũng chỉ cười cười cho qua.
Một người đàn ông có đạo đức không phải là luôn thể hiện những điều “được viết trong sách vở” với các cô gái, mà là sự chu đáo, quan tâm rất tự nhiên xuất phát từ nội tâm dành cho những người phụ nữ bên cạnh mình trong những việc nhỏ nhặt.
Câu chuyện thứ 3
Có một cô bé mặc váy ngắn bị lỏng dây giày nên buộc lại rất bất tiện, một người đàn ông nhìn thấy, anh lập tức nhấc chân để cô bé đặt chân lên rồi buộc dây giày, nhờ vậy đã giải vây cho cô bé.
Anh có một trái tim ấm áp, biết suy nghĩ cho người khác thì mới có thể làm được một việc dịu dàng và lịch sự như thế.
Nam giới có đạo đức không phải là gặp ai cũng ấm áp như máy điều hòa, cũng không phải là học được sự khôn khéo sau thời gian dài lăn lộn trong xã hội, mà là sự tôn trọng đối với nữ giới xuất phát từ tấm lòng.
Câu chuyện thứ 4
Có một bà mẹ trẻ bắt xe về quê. Trên đường đi, con của cô ấy cứ khóc không ngừng, dỗ mấy cũng không được. Tài xế thấy thế thì lái xe vào khu dịch vụ và nói “Cô cho con bú đi”, rồi xuống xe.
Thật ra người mẹ này mặc áo cho con bú nên sẽ không bị lộ và ngồi ở ghế sau nên sẽ không ảnh hưởng đến tài xế ở phía trước. Thế nhưng, người tài xế này vẫn chịu phơi nắng bên ngoài xe nửa tiếng đồng hồ để bảo vệ sự riêng tư của cô.
Nhà văn Haruki Murakami nói rằng, lịch sự không hẳn là làm những việc mình muốn làm, mà là việc mình nên làm.
Câu chuyện thứ 5
Chịu để mình chịu khổ, chịu mệt nhưng vẫn suy nghĩ cho người khác, tôn trọng mọi người để họ được thoải mái, đây chính là đạo đức. Trong tình cảm lứa đôi, nam giới có đạo đức hay không rất quan trọng.
Trong lớp đại học có một bạn nam thích bạn nữ lớp bên đã lâu, hai người thật sự rất xứng đôi, chơi với nhau cũng rất vui, mọi người bắt đầu cổ vũ anh này “tỏ tình dưới ánh nến”, nhưng anh lại từ chối: “Nếu ép cô ấy bằng dư luận, tôi sợ cô ấy sẽ mất đi quyền được từ chối, như vậy là không công bằng với cô ấy”.
Nam giới có đạo đức, biết chừng mực thì dù yêu mà không có được hay sau khi chia tay cũng sẽ không áp đặt suy nghĩ và sự ham muốn của mình lên người phụ nữ, họ hiểu rằng bình đẳng và tôn trọng luôn là tiền đề của tình yêu.
Câu chuyện thứ 6
Trên chiếc xe buýt, một cậu thanh niên đang chơi game thì có một cô gái ngồi xe lăn đi vào, cậu giơ tay ra nắm lấy chiếc xe lăn rồi đặt chân bên dưới bánh xe để cố định chiếc xe, động tác của cậu rất tự nhiên và cậu vẫn nắm lấy chiếc xe lăn qua suốt mấy trạm.
Có câu nói rằng:
“Đạo đức có thể bám rất chặt giống như mạch máu, khi đã ăn sâu vào máu thịt thì sẽ không thể tách rời được nữa”.
Đạo đức là phẩm chất quan trọng nhất của một người đàn ông, không phải chỉ là biểu hiện qua việc ăn mặc gọn gàng chỉnh tề và hành động có vẻ lễ độ, mà là luôn quân tử đối với phụ nữ bất kể giàu nghèo xấu đẹp, luôn dang tay giúp đỡ kẻ yếu dù là nam hay nữ, người già hay trẻ em.
Theo Trithucvn