Tinh Hoa

Chuyện Tế Công chuyển gỗ

Làm cách nào ông chuyển được 100 cây gỗ chỉ trong 3 ngày?

Giếng nước nơi gỗ mọc lên trong truyền thuyết.

Tế Công tên thật là Lý Tâm Viễn, là một nhà sư nổi tiếng triều đại Nam Tống. Người ta nói ông thường mặc một tấm áo cà sa và một chiếc mũ tăng rách rưới, cầm trong tay một cái quạt nan tả tơi. Ông trông không giống như người thường cũng không giống người tu luyện, như thể ngốc nghếch điên rồ. Nhưng ông lại có quyền phép cao thâm. Những câu chuyện Tế Công cứu giúp những người gặp hoạn nạn khó khăn được truyền từ đời này sang đời khác. Tế Công làm sư tại chùa Linh Ẩn, Hàng Châu. Sau đó, ông bị buộc phải bỏ chùa bởi vì trụ trì ghen tị với quyền năng của ông.

Thế là Tế Công chuyển đến chùa Tịnh Từ. Một ngày nọ, ngôi chùa bị cháy và Chánh Điện bị thiêu rụi. Vị trụ trì già rất lo lắng, trong khi Tế Công xem như chẳng có chuyện gì xảy ra và vẫn vui vẻ tươi cười.

Trụ trì gọi ông đến và mắng: “Chùa gặp tai họa như thế, sao ngươi chẳng biết buồn gì cả vậy?”

Tế Công đáp: “Buồn cũng vô ích thôi. Chúng ta chỉ cần xây lại một cái chùa mới là xong”.

Trụ trì nói: “Nói lúc nào cũng dễ hơn làm. Ngươi có biết chúng ta cần bao nhiêu cây gỗ để xây dựng chánh điện mới không hả? Chúng ta có thể xin những của bố thí đó ở đâu đây?”

Tế Công cười nói: “Sư Phụ không cần lo. Để tôi làm cho”.

Trụ trì già không tin lắm. “Thế thì ta lệnh cho ngươi đi xin bố thí vậy”, ông ta nói.

“Được rồi, nhưng con đói bụng rồi”. Tế Công trả lời

Trụ trì thở dài: “Chỉ cần ngươi xin được đủ gỗ, ta có thể cho ngươi ăn bất cứ thứ gì ngươi thích”. Thế là Tế Công liền xin một mâm rượu thịt.

Ăn xong Tế Công nói: “Được rồi, tôi đi đây. Trong vòng 3 ngày tôi sẽ trở về. Sư phụ hãy đợi tôi”. Ông lộn mình nhảy vào bầu rượu và biến mất.


Tượng Tế Công trong Chùa Tịnh Từ

Tế Công sau đó nhanh chóng xuất hiện tại núi Nga Mi ở Tứ Xuyên. Ông đến trước cửa nhà của một địa chủ trong vùng và bắt đầu gõ mõ liên hồi. Lãnh chúa nghe thấy tiếng gõ bèn ra hỏi: “Ông từ đâu tới?”.

Tế Công trả lời: “Bần tăng từ chùa Tịnh Từ ở Hàng Châu tới”.

Địa chủ hỏi tiếp: “Ông đã đi một chặng đường dài. Tại sao ông gõ mõ trước cửa nhà tôi?”.

Tế Công cho biết: “Chùa của chúng tôi bị cháy. Bần tăng biết thí chủ là người giàu có. Thí chủ có rất nhiều gỗ. Bần tăng đi xa đến đây xin thí chủ bố thí”.

Địa chủ lại hỏi: “Ông muốn bao nhiêu cây gỗ?”. Tế Công trả lời “Không nhiều hơn cũng chẳng ít hơn, chỉ xin những gì mà tấm áo cà sa của bần tăng có thể phủ lên được”.

Địa chủ nhìn tấm áo cà sa rách rưới của Tế Công và cười thầm: “Đúng là một nhà sư điên! Tấm áo cà sa này thậm chí không thể phủ được một cành cây”. Vì thế, ông ta đã đồng ý.

Tế Công cảm ơn rồi cởi áo cà sa ném lên một ngọn núi. Trong thoáng chốc, tấm áo cà sa đã mở rộng ra, che phủ toàn bộ ngọn núi. Địa chủ kinh ngạc không nói nên lời, không thể ngờ nhà sư này thần thông quảng đại như thế. Ông cũng không thể rút lại lời hứa của mình.

Tế Công chọn 100 cây lớn và đốn hạ chúng. Tiếp theo, ông thả chúng xuôi theo dòng Trường Giang. Tuy nhiên, những cây gỗ ấy đã bị chặn lại tại một trạm gác. Một quan binh ra đòi tiền thuế.

Tế Công hỏi: “Dòng sông này không phải của riêng ông. Tại sao bần tăng phải nộp thuế?”. Quan binh đáp: “Tất cả giang sơn đều là của hoàng thượng. Mọi hàng hoá vận chuyển trên mặt nước đều phải chịu thuế”.

Tế Công cười đáp: “Bần tăng hiểu rồi. Điều đó cũng có nghĩa là hàng hóa được vận chuyển dưới mặt nước sẽ không phải đóng thuế phải không?”

Quan binh cười vang và trả lời: “Gỗ chỉ có thể thả nổi mà thôi. Nếu ông có pháp lực làm cho những cây gỗ này di chuyển dưới nước tôi sẽ cho phép ông qua”.

Vừa dứt lời, Tế Công liền dẫm lên cái bè gỗ một cái, ngay lập tức chìm xuống nước cùng với số gỗ đó. Thấy vậy, quan binh sợ hãi bỏ chạy.

Ở chùa, trụ trì bắt đầu lo lắng sau khi chờ đợi hơn 2 ngày. Đến trưa ngày thứ 3, Tế Công bất ngờ chạy vào trong và la lớn: “Gỗ đây rồi! Gỗ đây rồi!”.

Trụ trì vội vã chạy ra nhưng không thấy gì cả. Tế Công cầm tay trụ trì và nói: “Sư Phụ, đến đây với tôi”.

Họ bước nhanh đến cái giếng phía trước nhà bếp. Trụ trì nhìn thấy gỗ trồi lên từ bên trong giếng. Thế là họ kéo lên khoảng 60 cây gỗ dài. Khi trụ trì cảm thấy đã lấy đủ số gỗ rồi, thì không có cây gỗ nào trồi lên nữa.

Ngày nay, tại chùa Tịnh Từ, mọi người vẫn có thể trông thấy cái giếng huyền thoại ấy.

Tác giả: Sofia và Brad

Nguồn: Kan Zhong Guo/Tin 180