Hoa sen là biểu tượng của Phật giáo. Đèn lồng hoa sen thường được sử dụng chủ đạo, phổ biến vừa để trang trí, vừa để thể hiện sự sùng kính Phật. Vậy mà hiện nay, nó đang bị thay thế bởi những đèn chùm mang văn hóa phương Tây.
Biểu tượng Phật pháp
Hoa sen trong Phật giáo là biểu tượng của sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên. Đối với Phật giáo, hoa sen hiển hiện khắp nơi, từ trong kinh điển cho đến các sản phẩm thờ cúng, tư thế ngồi thiền, cách chấp tay… Hầu như ở đâu có Phật giáo, người ta sẽ tìm thấy ở đó có hoa sen. Hoa sen chính là biểu tượng trong tín ngưỡng Phật giáo, luôn được sử dụng rất phổ biến, vừa nguyên bản vừa cách điệu. Hình tượng hoa sen dày đặc trong các phù điêu, đá tảng kê chân cột, đầu cột, trụ, mái, ngói, bệ tượng Phật, đến các dáng gốm và họa tiết trang trí, đèn lồng hoa sen… đặc biệt ở trong các đền chùa bởi hoa sen đã quá đỗi gần gũi. Trên mái lợp của chùa cũng có hoa sen, gạch lót nền, những phù điêu trên vách, những chạm trổ trên cửa đều có hoa sen, thậm chí thông gió cũng là hình hoa sen…
Người ta bắt gặp ở đây rất nhiều từ trong chân đèn, lư hương, bình hoa, tách trà, đĩa bày trái cây, hộp đựng trầm… hầu như đều được thiết kế theo những kiểu thức, hình dáng hoa sen, hoặc ít ra cũng được vẽ hay chạm trổ ở trên nó. Đây là điều vừa tạo nên yếu tố thẩm mỹ, vừa mang ý nghĩa thanh sạch. Có thể thấy, hễ đâu có điều kiện thích hợp là dùng ngay hoa sen để trang trí. Đặc biệt các công trình liên quan đến Phật giáo thì đề tài hoa sen càng được sử dụng nhiều.
Ở Chùa Bút Tháp có cả mộ tháp Cửu phẩm liên hoa, là một tổ hợp kết cấu gỗ dạng tháp quay chín tầng chồng lên nhau. Mỗi tầng có một đài sen rộng chừng 2 m, cao 50 cm. Cả tháp cao 7 đến 8 m. Phía ngoài tháp các cánh sen bằng gỗ sơn đỏ tạo thành tầng tầng lớp lớp so le nhau. Tầng một đến tầng chín biểu hiện cho những nấc thang của sự tinh tiến trong đạo Phật.
Theo truyền thuyết chùa Một Cột hình thành từ một giấc mộng của vua Lý Thái Tông. Vào một đêm mùa xuân năm Kỷ Sửu (1049), vua nằm mộng thấy Phật Quan Âm ngồi trên đài hoa sen, dẫn vua lên đài. Khi tỉnh dậy, vua nói chuyện lại với triều thần, có người cho là điềm xấu, nhưng thiền sư Thiền Tuệ thì khuyên vua nên xây chùa, dựng cột đá giữa hồ, xây đài hoa sen có tượng Phật Quan Âm ở trên, đúng như hình ảnh đã thấy trong mộng. Các nhà sư chạy đàn xung quanh, tụng kinh cầu sống lâu và đặt tên là chùa Diên Hựu.
Bị thất sủng
Đã có một thời, du khách đến thăm chùa Một Cột sẽ được ngắm hồ sen rất đẹp ở đây. Nhưng không biết hồ sen biến mất từ khi nào mà cũng không thấy được trồng lại, thay vào đó hiện nay, du khách lại được chiêm ngưỡng những bông hoa súng đang lan khắp hồ. Vừa qua, du khách còn được thấy cặp sư tử đá ở ngay trước cửa chùa, đang bị dư luận phản đối vì không thuộc tín ngưỡng phật Việt, lại mang nét văn hóa Trung Quốc.
Cũng từ những ý nghĩa biểu tượng đó mà đèn lồng hoa sen được sử dụng rất nhiều trong các đền chùa. Vừa qua, hàng nghìn chiếc đèn lồng hoa sen đã được rước trong ngày lễ Phật đản 2011. Vậy mà không biết vì lý do gì, hiện nay, đèn chùm đang được thay thế, lấn chỗ đèn hoa sen ở nhiều đền chùa. Điển hình là đèn chùm được treo ở ngay giữa chùa Một Cột. Còn bên trong chùa Diên Hựu cạnh đó thì rất nhiều đèn chùm lớn nhỏ không biết được treo từ khi nào.
Rất nhiều đèn chùm được treo trong chùa Diên Hựu
Chúng ta đều biết, đèn chùm là sản phẩm của văn hóa phương Tây, thường được dùng trang trí trong các nhà thờ hoặc các cơ quan, dinh thự. Nó không hề mang ý nghĩa biểu trưng trong Phật giáo. Vậy mà hiện nay nó lại đang được thay thế đèn hoa sen thì quả là vô lý. Hoặc giả hoa sen không là biểu tượng của Phật giáo, nhưng từ xưa, hoa sen đã đi vào tâm thức người Việt là sự thuần khiết, thanh tao. Hơn nữa, sen lại đang được coi là quốc hoa, vậy tại sao lại không được quảng bá ở đây? Chùa Một Cột được coi là điển hình của tín ngưỡng Phật giáo ở Việt Nam, lại nằm trong khu trung tâm văn hóa Ba Đình, nơi có hàng nghìn du khách trong và ngoài nước thăm quan mỗi ngày. Vậy mà lại có những sự kệch cỡm như sư tử đá, hoa súng, đèn chùm thì quả là điều đáng tiếc và có thể ảnh hưởng đến nhiều vùng khác trong nước. Thiết nghĩ các cơ qua chức năng có thẩm quyền cần phải có biện pháp chỉnh đốn để tránh có thêm những sự kệch cỡm đáng tiếc.
http://blog.yume.vn
Đức Hiển Trần (