Với nhiều người, Hoàng đế là người có quyền lực tối cao với những đặc quyền đặc lợi: Ở trong cung vàng điện ngọc, ăn sơn hào hải vị, vợ đều là những mỹ nữ xinh đẹp nhất trong thiên hạ,… Thế nhưng để có thể ngồi vững trên ngai vàng để tận hưởng tất cả những vinh hoa phú quý ấy thì không hề dễ.
Nếu tính theo các phương pháp thống kê hiện đại thì Hoàng đế là “nghề” nguy hiểm bậc nhất tự cổ chí kim, bởi lẽ tỉ lệ tử vong trong “nghề” này là cực kỳ cao. Tỉ lệ tử vong cao nên cách thức mà các Hoàng đế chết cũng đa sắc đa dạng, trong đó có không ít những cái chết mà cho tới tận ngày nay nó vẫn khiến người ta cười ra nước mắt…
1. Ngày nay, không còn mấy ai xa lạ với những vị Hoàng đế đang hàng ngày hàng giờ xuất hiện nhan nhản trên màn ảnh từ nhỏ tới lớn. Vì vậy, có lẽ ai cũng thấy rằng, là Hoàng đế thì quyền lực tột cùng, sung sướng vô hạn: Mỹ nữ bạt ngàn, vàng bạc, ngọc ngà châu báu dùng cả đời cũng không hết, đó là chưa kể mỗi sáng sớm lại được cả trăm quan cúi rạp đầu tung hô: “Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế”.
Tuy nhiên thực tế thì đằng sau ánh hào quang quyền lực và giàu có của các vị Hoàng đế cũng ẩn chứa không ít những nguy hiểm. Mặc dù họ ngồi trên ngai vàng uy nghi bệ vệ như vậy, song chẳng bao giờ có cảm giác an toàn. Ngoài việc lo lắng kẻ khác sẽ cướp ngôi báu, bất cứ lúc nào cũng có thể bị mất tính mạng như chơi.
Nếu tính từ Tần Thủy Hoàng, người tự cho mình là Hoàng đế đầu tiên cho tới chế độ quân chủ phong kiến kết thúc ở đầu thế kỷ XX, ở Trung Quốc có tổng cộng 171 Hoàng đế chính thống (Hoàng đế của những triều đại lớn).
Con đường để leo lên được ngai vàng của 171 vị Hoàng đế này hoàn toàn không giống nhau. 12 người giành được ngai vàng từ những cuộc loạn chiến, dùng chiến tranh để giành thiên hạ, 59 người dùng chính biến để lên ngôi, đa phần là những cuộc chính biến đẫm máu, 11 người lên ngôi một cách ngẫu nhiên khi quốc gia gặp nạn, 89 người lên ngôi theo cách truyền thống, nghĩa là theo kiểu “cha truyền con nối”, tuy nhiên trong quá trình truyền ngôi ấy cũng không thể thiếu những cuộc “giao tranh” quyền lực, chém giết vô số.
Hoàng đế cuối cùng của triều đình nhà Tấn là Tưu Mã Đức Văn là một Hoàng đế có thể nói là thông minh và biết điều. Khi đối thủ của ông ta là Lưu Dụ chuẩn bị cướp ngôi, các quan đại thần trong triều đình đứng ra xin Tư Mã Đức Văn thoái vị, còn viết sẵn một bản chiếu thư thoái vị, yêu cầu ông ta chỉ cần chép lại một lượt rồi đóng ấn vào là mọi việc xong xuôi. Tư Mã Đức Văn biết rằng, lúc này thiên hạ là của tôi, lúc khác thiên hạ lại thuộc về anh vì vậy không hề cố gắng níu kéo hay cầu xin bất cứ lời nào, cầm bút lên viết một mạch xong bản chiếu thư thoái vị. Mục đích của Tưu Mã Đức Văn nhằm nói rằng, bản thân mình là một ông vua “biết điều” mà mình không có ý định tranh chấp quyền lực gì với Lưu Dục, mong Lưu Dục có thể yên tâm mà tha cho ông ta một con đường sống.
Khi chiếu thư được công bố, Lưu Dục giả bộ là người khiêm nhường, kiên quyết không nhận. Rồi làm như bị Tư Mã Đức Văn và các đại thần ép buộc mới phải lên ngôi, “thay trời hành hóa”.
Cũng vì cố tạo ra cái vẻ ngoài “hiền đức” ấy, Lưu Dục đối xử rất tốt với “người tiền nhiệm” của mình, phong cho Tư Mã Đức Văn là Linh Lăng Vương. Tuy nhiên, Tư Mã Đức Văn cũng hạnh phúc chẳng được bao lâu. Có lẽ cũng vì Lưu Dục không mấy yên tâm khi để Tư Mã Đức Văn sống sót, nên chỉ mới lên ngôi một năm, Lưu Dục đã ra lệnh giết chết ông vua đã chọn ông để gửi gắm cả thiên hạ.
Khi ra lệnh giết Tư Mã Đức Văn, Dục nói, một núi không thể có hai hổ. Tuy nhiên, Lưu Dụ đã có thể coi là người khoan dung và rộng lượng, để cho Tư Mã Đức Văn sống tới hơn một năm. Như Hoàng đế cuối cùng của triều Lưu Tống Lưu Chuẩn nhường ngôi lại cho Tiêu Đạo Thành vào tháng 4 thì đến tháng 5 đã bị họ Tiêu xử tử.
Khi đó, Lưu Chuẩn chỉ mới tròn 10 tuổi. Hoàng đế cuối cùng cùng của vương triều nhà Tề do Tiêu Đạo Thành lập nên số phận còn thê thảm hơn. Sau khi nhường ngôi chỉ sống vỏn vẹn 3 ngày. Người cướp ngôi là một ông vua rất sùng đạo là Phật Tiêu Diễn, ông vua sáng lập nhà Lương. Đến khi Trần Bá Tiên cướp thiên hạ nhà Lương, số phận con cháu của Tiêu Diễn cũng chẳng mấy khá hơn. Vị Hoàng đế cuối cùng của triều Lương cũng chỉ sống thêm được 7 tháng với thân phận Giang Âm Vương.
Trong văn hóa chính trị của người Trung Quốc, một núi không thể có hai hổ, một nước không thể có hai vua. Vì vậy, những Hoàng đế đã bị đẩy xuống khỏi ngai vàng thì chắc chắn vợ con, họ hàng của họ cũng không thể sống sót, đến một đứa tr
ẻ cũng không thể tha. Dù cho những người này hoàn toàn không có ý định hay âm mưu trở lại ngai vàng, nhưng đã là phần tử có nguy cơ thì chắc chắn không thể bỏ sót. Người ta gọi đây là “trừ cỏ phải trừ tật gốc”.
Như chuyện Lã hoàng hậu, vợ của Hán Cao Tổ Lưu Bang chuyên quyền sau khi Hán Huệ Đế qua đời. Lã Hậu giết Lưu Cung, lập Lưu Hoằng lên ngôi. Sau khi Lã hậu chết, các quan đại thần diệt trừ các thế lực của họ Lã. Hoàng đế Lưu Hoằng tuổi còn rất nhỏ cũng bị giết, người được đưa lên thay Lưu Hoàng là Lưu Hằng, con trai của Lưu Bang. Tuy nhiên, mọi chuyện đến đó chưa phải đã kết thúc. Ba người em trai của Lưu Hoằng, người vừa bị tước đoạt ngôi báu cũng bị đem xử tử.
Hán Huệ Đế Lưu Doanh vốn không có con trai, những đứa trẻ này không biết Lã hậu “nhặt” từ đâu về. Do vậy, trên thực tế thì chúng là những đứa trẻ hoàn toàn vô tội. Tuy nhiên, do đã mang danh là em trai của Lưu Hoằng nên không ai có thể thoát khỏi cái chết. Đây gọi là giết nhầm một ngàn người còn hơn là bỏ sót một người. Lưu Bang có tất cả 8 đứa con trai, ngoại trừ hai người lên ngôi Hoàng đế là Lưu Doanh và Lưu Hằng chết vì bệnh còn lại thì đều vì tranh đoạt ngai báu mà chết thảm. Cứ theo đó thì ngôi Hoàng đế quả thực không dễ ngồi một chút nào.
Đường Cao Tông Lý Trị cũng có 8 người con trai, trong đó có 4 người không phải là do Võ Tắc Thiên sinh ra. Trong số 4 người này thì ngoại trừ một người chết sớm còn lại 3 người đều bị Võ Tắc Thiên chính tay sát hại. Thảm khốc nhất có lẽ là Hứa Vương Lý Tố Tiết. Lý Tố Tiết là người hiếu học, tự lập, rất được Đường Cao Tông yêu quý.
Tuy nhiên cũng vì thế mà Tố Tiết lại bị Võ Tắc Thiết ghét ra mặt. Ban đầu nữ hoàng họ Võ tìm cớ đày Lý Tố Tiết ra vùng biên ải, cả đời không được phép về kinh đô. Tuy nhiên, sau đó, Võ Tắc Thiên vẫn không chịu tha, lệnh giải Tố Tiết về kinh và xử tội chết.
Cuộc tranh đấu giành giật ngai vàng từ thời những ngày đầu tiên đã cực kỳ tàn khốc, việc anh em, cha con đụng dao kiếm sát hại lẫn nhau trở thành chuyện rất thường tình. Vì vậy, không chỉ làm Hoàng đế khó mà đến ngay cả chuyện làm con của Hoàng đế cũng không phải là chuyện dễ dàng gì. Cứ theo đó mà suy ra thì Hoàng đế thậm chí là những người trong hoàng thất là “chủng” người có “nguy cơ tử vong cao”.
Theo thống kê chưa hoàn tất của các sử gia, trong số hơn 400 vị Hoàng đế có tên có họ trong lịch sử Trung Quốc thì có tới vài chục vị là chết một cách oan ức. Những vị Hoàng đế của các vương triều tồn tại rất ngắn ngủi như Nam Lương, Bắc Liêu,… đều là những người chết một cách không bình thường. Tỉ lệ tử vong cao, nên cách thức các vị Hoàng đế cổ đại Trung Quốc về “đoàn tụ” với tổ tiên của mình cũng đa sắc, đa dạng, trong đó có không ít những cái chết cực kỳ ngớ ngẩn và hài hước.
2. Ông vua có cái chết kỳ lạ và hài hước bậc nhất trong lịch sử hàng ngàn năm của chế độ phong kiến Trung Hoa ấy là Hiếu Vũ Đế Tư Mã Diệu của triều Đông Tấn. Cha của Tư Mã Diệu là Triển Văn Đế có rất nhiều con trai, tuy nhiên, tất cả đều chết sớm. Sau đó, các vị mỹ nữ trong hậu cung nhà Đông Tấn cứ như trúng tà, chẳng ai chịu sinh con nữa.
Trong tình thế cấp bách ấy, một vị quan trong triều mới vì xã tắc Đông Tấn mà gieo một quẻ. Trong quẻ nói, sẽ có một cung nữ, thân phận thấp kém nhưng có thể sinh cho Hoàng đế 3 trai một gái và khác với những người khác có thể nuôi chúng trưởng thành mà không chết yểu như những người khác.
Nghe theo quẻ bói của vị quan nọ, Hoàng đế lập tức cho gọi tất cả các cung nữ trong cung tập trung lại rồi tự mình chọn một người có khả năng sinh con trai kế vị cho mình. Sau khi chọn đi rồi chọn lại, cuối cùng, không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào Hoàng đế lại chọn một cung nữ có tên là Côn Luân, làm chức dệt vải trong cung. Côn Luân suốt ngày làm việc bên ngoài nên làn da đen sạm, tướng mạo lại không lấy gì làm xinh đẹp cho lắm. Tuy nhiên, vì sự kế thừa cơ nghiệp của tổ tông, vì sự trường tồn của vương triều Đông Tấn, Hoàng đế chỉ đành nhắm mắt nạp cô cung nữ dệt vải này làm phi. Và chính người cung nữ xấu xí có làn da đen sạm này đã sinh ra Tư Mã Diệu, người kế vị ngôi báu triều Đông Tấn.
Sau khi Triển Văn Đế băng hà, Tư Mã Diệu khi đó mới 10 tuổi được đưa lên ngôi báu kế nghiệp cha mình. Đừng xem Tư Mã Diệu còn nhỏ mà xem thường, mới 10 tuổi, nhưng Tư Mã Diệu đã thấu hiểu về đạo lý sinh tử như một cao tăng đắc đạo. Vị Hoàng đế trẻ tuổi tỏ ra là người không hề coi trọng sự sống chết.
Trước cái chết của Triển Văn Đế, cha mình, Tư Mã Diệu tỏ ra vô cùng trấn tĩnh. Các đại thần hỏi vì sao Tư Mã Diệu không khóc? Câu trả lời của Tư Mã Diệu khiến cả trăm quan phải dựng tóc gáy: “Con người thường chỉ khóc khi gặp chuyện đau khổ tột cùng.
Th
eo như thế thì nếu ta khóc sẽ là đi ngược lại với quy luật bình thường vậy”. Ý của Tư Mã Diệu thì ai cũng hiểu, vì với cậu bé mới 10 tuổi này, việc cha cậu chết thì tới phiên cậu được lên ngôi báu, chuyện đó là chuyện “đại hỷ”, sao lại phải khóc?
Mặc dù là kẻ “ngộ đạo” từ khi còn rất nhỏ, thế nhưng vị Hoàng đế này cuối cùng lại chết vì một câu nói đùa rất ngớ ngẩn. Đó là chuyện xảy ra vào một đêm năm 396. Đêm ấy, Tư Mã Diệu giống như những đêm bình thường khác, cùng uống rượu vui đùa với người thiếp được sủng ái nhất của mình là Trương Quý nhân. Trương Quý nhân được Tư Mã Diệu sủng ái đã nhiều năm, công việc chính của nàng là cùng Hoàng đế trải qua những cuộc vui thâu đêm suốt sáng.
Hôm đó, khi rượu vào đã tới lúc ngà ngà say, Tư Mã Diệu mới nhìn những người cung nữ đang đứng hầu rượu bên cạnh rồi không kiềm chế được lòng mình mới đùa với Trương Quý nhân rằng: “Cứ so với những cung nữ kia thì độ tuổi của nàng đã đến lúc bị phế rồi!”.
Theo lệ thường, một câu nói đùa như vậy chẳng mấy ai để ý, nhất là khi nó vuột ra từ miệng một người say. Tuy nhiên, người nói thì “vô tình” nhưng người nghe thì “hữu ý” và lại, ai cũng biết rằng, Hoàng đế thì không bao giờ nói đùa vì vậy, câu nói của Tư Mã Diệu vô tình làm tổn thương Trương Quý nhân khiến người phụ nữ này cảm thấy vô cùng sợ hãi. Sợ vì một ngày kia, câu nói đùa của Tư Mã Diệu sẽ trở thành sự thực, nàng ta không còn được sủng hạnh nữa thì tất cả cuộc sống vui vẻ, xa hoa và được cưng chiều hiện tại sẽ mất hết, thay vào đó sẽ là lãnh cung tối tăm với cảnh chăn đơn gối chiếc và sự khinh rẻ. Chính nỗi sợ hãi ấy đã khiến Trương Quý nhân hạ quyết tâm giết chết Tư Mã Diệu. Sau khi chuốc cho Hoàng đế say mềm, Trương Quý nhân lệnh cho cung nữ mang chăn đến rồi tự mình lấy chăn trùm kín đầu Tư Mã Diệu cho tới khi vị Hoàng đế tắt thở mà chết.
Hoàng đế Tư Mã Diệu |
Giết Hoàng đế là tội tru di cửu tộc, Trương Quý nhân dám dùng chăn giết Hoàng đế thì phải nói là gan to bằng trời. Tuy nhiên, Trương Quý nhân không chỉ gan mà thần kinh cũng vào loại vững vàng. Ngày hôm sau, Trương Quý nhân nói với mọi người: “Tối qua Hoàng thượng ngủ bị ‘bóng đè’ mà chết!”.
Rất đơn giản, Hoàng đế cứ ngủ rồi chết lúc nào không hay. Mà Hoàng đế chết ở trên giường ngủ thì nào ai có thể làm chứng? Thêm nữa, các vị đại thần có dã tâm từ trước tới nay đều muốn Tư Mã Diệu noi theo cha mình chết cho sớm. Vì vậy, mặc dù phạm tội giết Hoàng đế thế nhưng Trương Quý Nhân vẫn yên lành vượt qua kiếp nạn “tru di cửu tộc”. Trong lịch sử, đây có lẽ là câu chuyện giết Hoàng đế hiếm hoi và hài hước bậc nhất.
3. Một trong những kiểu chết khá kỳ lạ của các Hoàng đế cổ đại Trung Hoa theo các sử gia là chết đói. Hoàng đế chết đói, điều này có lẽ là một sự phi lý với rất nhiều người. Là vị chúa tể của cả thiên hạ, ở thì ở cung vàng điện ngọc, ăn thì ăn sơn hào hải vị, ngay cả đến tấc đất, ngọn rau trong khắp thiên hạ không có nơi nào không thuộc về Hoàng đế vì vậy làm sao có chuyện Hoàng đế lại chết vì đói được. Thế nhưng, thực tế vốn phức tạp và đa dạng hơn những gì người ta vẫn thường nghĩ và tưởng tượng. Trong lịch sử Trung Quốc, con số những Hoàng đế chết vì đói hoàn toàn theo nghĩa đen không chỉ có một người.
Ông vua chết vì đói vào loại sớm nhất trong lịch sử ấy là Tề Hoàn Công. Vị này không mấy ai xa lạ gì. Ông là người đứng đầu trong “Xuân Thu Ngũ Bá” (5 nước hùng mạnh thời kỳ Xuân Thu), một nhà chính trị vào loại xuất sắc và tài ba. Thế nhưng chính vị quân chủ đầy bản lĩnh trên chính trường ấy đã chết vì bị đói.
Tề Hoàn Công có ba người vợ song chẳng ai sinh được con trai để kế thừa sự nghiệp lẫy lừng của ông. Vì vậy, Tề Hoàn Công quyết định lấy vợ bé và để chắc chắn, Tề Hoàn Công quyết định một lúc lấy 6 bà. Kết quả, ông trời không phụ lòng người chân thành, một trong 6 người thiếp của Tề Hoàn Công đã sinh cho ông rất nhiều hoàng tử. Tuy nhiên, hoàng tử nhiều quá sự việc cũng đâm ra phiền phức.
Số là Tề Hoàn Công dự định sẽ lập hoàng tử do Trịnh Cơ sinh ra làm thái tử. Tuy nhiên, một người thiếp khác là Trương Vệ Cơ không cam tâm vì vậy đã câu kết với hai người thiếp khác của Hoàn Công là Thụ Điếu và Dịch Nha để tìm cách thuyết phục Hoàn Công thay đổi chủ ý. Sau đó, Tề Hoàn Công bệnh nặng, các hoàng tử bắt đầu cuộc chiến tranh giành ngôi báu.
|
Tề Hoàn Công |
Lúc này, một Hoàng đế nằm liệt giường như Tề Hoàn Công không còn chút giá trị nào nữa. Hai vị thiếp yêu của Tề Hoàn Công là Thụ Điếu và Dịch Nha lúc này mới mượn cơ Tề Hoàn Công phải yên tĩnh dưỡng bệnh đem nhốt ông vua lừng lẫy một thời vào một căn phòng nhỏ, không có bất cứ ai được tới thăm, cũng không cho cơm ăn nước uống.
Vốn quen sơn hào hải vị, một ngày không có món ngon vật lạ đã thấy khó ở, nay trong lúc bệnh nặng lại không được ăn uống cũng chẳng có người chăm sóc, một thân một mình lủi thủi trong căn phòng tối nên chỉ vài ngày sau Tề Hoàn Công đã chết. Các sử gia nói rằng, nếu như Tề Hoàn Công không chết vì đói khát thì cũng chết vì tinh thần suy kiệt. Số phận một vị vua lừng lẫy đã kết thúc một cách bi thảm pha chút chua cay.
Không nổi tiếng lừng lẫy như Tề Hoàn Công, tuy nhiên, cái chết của Lương Vũ Đế thời Nam Bắc Triều thì thê thảm hơn Tề Hoàn Công rất nhiều. Lương Vũ Đế vốn tên thật là Tiêu Diễn, ông vua khai quốc nhà Lương thời Nam Bắc Triều. Trước khi cướp ngôi nhà Nam Tề, Tiêu Diễn là một trí thức lớn của triều đại này. Họ Tiêu học rộng tài cao, tinh thông âm nhạc, thư pháp,… vì vậy đương thời được rất nhiều người nể trọng.
Lương Vũ Đế |
Và cũng chính vì thế, Tiêu Diễn ngày càng leo cao rồi cướp luôn ngôi báu của nhà Nam Tề. Sau khi lên ngôi Hoàng đế, Tiêu Diễn cũng nỗ lực để xây dựng nhà Lương ổn định và phồn thịnh. Ông vua cần cù và chăm chỉ này cho tới tận 82 tuổi vẫn cầm quân ra trận. Theo lý thường, một vị Hoàng đế giàu thành tích như vậy phải có một cái chết oanh liệt hay ít nhất phải là một cái chết bình yên. Thế nhưng, Lương Vũ Đế Tiêu Diễn cuối cùng lại chết vì đói.
Vũ Đế khi còn sống rất sùng bái đạo Phật, tự xưng mình là “Bồ tát Hoàng đế”, cả ngày dâng hương bái Phật. Tuy nhiên cũng vì thế, vị Hoàng đế triều Lương bỏ bê dần việc triều chính. Tiêu Diễn không có con trai nên quyết định nhận đứa cháu là Tiêu Chính Đức làm con nuôi rồi phong làm thái tử. Thế nhưng, sau đó Tiêu Diễn lại may mắn sinh con trai vì vậy, đổi Tiêu Chính Đức làm Tây Phong hầu.
Tiêu Chính Đức không cam lòng, vì vậy âm mưu đoạt lại ngôi vị thái tử. Sau khi chiếm lại được địa vị thái tử, Tiêu Chính Đức cấu kết với những người họ ngoại tìm cách lật đổ Vũ Đế, cuối cùng đem Vũ Đế nhốt vào hầm tối. Vũ Đế tuổi tác đã cao, giờ lại bị nhốt trong hầm, không được cho ăn uống nên chẳng chịu được mấy ngày đã từ giã cõi trần.
Một ông vua khác cũng chết vì đói là Vũ Linh Vương nhà Triệu. Sau khi thống nhất miền bắc Trung Quốc, Vũ Linh Vương vẫn không thỏa mãn mục tiêu phấn đấu ban đầu của mình vì vậy chuyển mục tiêu xuống vùng Trung Nguyên rộng lớn và màu mỡ, nhằm thống nhất toàn bộ Trung Quốc. Để có thể thực hiện mục tiêu mở rộng lãnh thổ của mình, Vũ Linh Vương quyết định sẽ truyền ngôi vương lại cho con thứ là Triệu Hà, rồi tự xưng là “Chủ phụ”, dẫn toàn bộ đội kỵ binh thiện chiến của mình vượt sông kéo xuống phía nam. Nếu như kế hoạch của Vũ Linh Vương thành công có lẽ lịch sử Trung Quốc đã phải viết lại rất nhiều.
Tuy nhiên khi Vũ Linh Vương còn chưa kịp dẫn quân đi thì nội bộ nước Triệu xảy ra chính biến. Nguyên nhân là do từ khi Vũ Linh Vương còn tại vị thì chuyện ai là người kế vị đã gây ra rất nhiều xung đột và mâu thuẫn giữa con cả của Vũ Linh Vương là Triệu Chương và người con thứ là Triệu Hà. Tuy nhiên, khi biết được ý của Vũ Linh Vương là sẽ truyền ngôi cho con thứ là Triệu Hà thì Triệu Chương đã quyết định làm loạn. Trong tình thế hỗn loạn đó, hai người là Lý Thành và Lý Đoái khởi binh đánh dẹp hoàng tử Triệu Chương.
Triệu Chương bại trận chạy tới đầu hàng Vũ Linh Vương. Vũ Linh Vương chấp nhận nhưng Lý Thành và Lý Đoái không chịu vì vậy họ đem quân tới bao vây Sa Khâu cung nơi ở của Vũ Linh Vương. Bị sức ép, Vũ Linh Vương buộc phải đưa Triệu Chương ra chịu tội. Sau khi giết Triệu Chương, Lý Thành và Lý Đoái sợ có ngày Vũ Linh Vương sẽ trị tội mình vì vậy quyết định giết luôn cả vị quân chủ này.
Hai người họ Lý đem Vũ Linh Vương nhốt vào trong hậu cung, không cho phép ra ngoài cũng không cung cấp lương thực. Vũ Linh Vương cả đời xông pha trận mạc, nay chỉ đành tìm bắt chim sẻ làm thức ăn để sống qua ngày. Tuy nhiên, số chim sẻ trong cung cũng chỉ có hạn nên chỉ sống được hơn 3 tháng, Vũ Linh Vương đã chết trong sự đói khát tột cùng.