Đi đây đi đó ở một nơi mới mẻ là một điều thách thức, bất kể là nơi nào trên thế giới. Thế nhưng, có một số thành phố giúp cho bạn bắt nhịp vào cuộc sống hàng ngày dễ dàng hơn nhiều so với những nơi khác.
Những “thành phố đáng sống nhất” này được Economist Intelligence Unit xếp hạng hàng năm.
Bảng xếp hạng quy tụ 140 thành phố lớn nhất thế giới và xếp hạng chúng dựa theo hơn 30 yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sống, bao gồm an ninh, chăm sóc y tế, chất lượng thực phẩm, các loại đồ uống, giáo dục và chất lượng đường sá, giao thông.
Có những thành phố đầu bảng hàng năm luôn được công chúng chú ý (Vienna qua mặt Melbourne giành vị trí đứng đầu trong năm 2018).
Tuy nhiên, bài viết này tập trung vào những thành phố thăng tiến nhiều trong bảng xếp hạng suốt thời gian một thập niên qua. Điều gì đã khiến những nơi này có tiến bộ vượt bậc như vậy, và người dân ở đó nói gì về việc thành phố của họ trở nên đáng sống?
Honolulu, Hoa Kỳ
Thủ phủ của Hawaii đã có bước nhảy vọt về mức độ đáng sống trong vòng 10 năm qua. Hiện giờ, nơi đây được xếp hạng là thành phố đáng sống nhất nước Mỹ nhờ vào điểm cao về giáo dục và văn hóa.
>>> Thần chú Aloha – Di sản văn hóa giúp người Hawaii vượt sóng gió
Người dân ở đây nói tiến bộ này có thể là nhờ vào mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sự tập trung vào phát triển một cuộc sống mang tính đô thị nhiều hơn, mà từ trước tới giờ không hề có ở Hawaii.
“Cuối cùng thì chính phủ, các doanh nghiệp và công chúng cũng nhìn nhận ra rằng cần phải xây dựng một đô thị cốt lõi“, ông Todd Apo, cư dân lâu năm của Hawaii và là phó chủ tịch cấp cao phụ trách phát triển cộng đồng của tập đoàn bất động sản The Howard Hughes, nói.
“Ở một nơi là đảo cách biệt, bạn cần phải có tất cả các mảnh ghép vào đúng vị trí và đó là nỗ lực dài hạn của rất nhiều người“.
Là một phần của những sáng kiến này, Honolulu đã xây dựng những cộng đồng dân cư thân thiện với người đi bộ, như làng Ward, nơi kết hợp giữa không gian sinh sống và cửa hàng bán lẻ; cũng như đầu tư rất nhiều vào hệ thống đường sắt HART. Đây là mạng lưới đường sắt đầu tiên của Honolulu, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trước năm 2020 và sau này sẽ nối trung tâm Honolulu đến Kualaka’i nằm cách 20 dặm về phía Tây.
Với người dân từ khắp các nơi trên thế giới chuyển đến đây, nhất là từ Nhật Bản và các nước châu Á khác, Honolulu là nồi lẩu thập cẩm chào đón mọi sắc dân và mọi nền văn hóa.
Budapest, Hungary
Thủ đô và thành phố lớn nhất của Hungary đã có những bước tiến về cơ sở hạ tầng và phát triển khu dân cư trong vòng 10 năm qua, và người dân ở đây nhận thức rõ điều này.
“Tôi đã sống ở Budapest được tám năm, và thành phố này đã có bước phát triển vượt bậc”, Wiktoria Skiba, người sáng lập tạp chí The Spoiled Queen của Budapest, nói.
“Có nhiều hơn rất nhiều những con đường để đạp xe và những tuyến xe buýt và xe điện hoạt động 24 giờ, và nhiều khu vực của thành phố đã được tân trang, chẳng hạn như Quận 8 vốn trước giờ vẫn là nơi kém phát triển”.
Hungary là vùng chuyên làm rượu vang kể từ Thế kỷ 5 tới nay, nhưng ngành nấu bia ở đây hiện giờ đang bùng nổ cùng với một làn sóng mới các loại thức ăn đường phố và các quán cà phê.
Việc này kéo theo làn sóng các công ty quốc tế chuyển đến Hungary nhằm tìm cách đặt chân tại EU mà chỉ phải trả mức lương vừa phải. Điều này đã dẫn đến tăng trưởng cơ hội việc làm cho người ngoại quốc không biết tiếng Hungary.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng này không phải là lúc nào cũng tốt. “Do có nhiều quán rượu bình dân vừa mới khai trương, nhất là ở Quận 8, khu vực này của thành phố đã trở nên quá đông đúc và tấp nập du khách”, Skiba nói và lưu ý rằng, sự tăng trưởng số du khách và khách ngoại quốc khiến cho giá thuê phòng tăng lên.
Thành phố Kuwait, Kuwait
Mặc dù nếu xét về mức độ đáng sống thì Kuwait chỉ xếp vào nhóm giữa, nhưng thành phố này tiếp tục có những bước tiến dài trong số điểm bằng cách trở nên cởi mở hơn về văn hóa và đạt được những tiến bộ lớn trong hệ thống đường cao tốc.
Nằm lọt thỏm giữa Ả-rập Saudi, Iraq và Vịnh Ba Tư, thành phố Kuwait từ lâu đã là một hải cảng quan trọng trong giao thương quốc tế và ảnh hưởng toàn cầu đó đã bắt đầu xuất hiện trong đời sống hàng ngày ở đây.
“Đã từng có những quy định khắt khe hơn nhiều về việc chơi nhạc nơi công cộng, về rạp hát và rạp chiếu bóng, và mọi thứ đó đều đang thay đổi“, ông Aaqib Usman, người sáng lập hãng truyền thông đa phương tiện Midwest Immersive cho biết.
“Khi tôi lớn lên thì những buổi trình diễn nhạc pop gần như là không nghe thấy nói đến. Buổi diễn ca nhạc đầu tiên mà tôi từng đi xem trong đời là ở Ấn Độ chứ không phải ở Kuwait. Giờ đây có rất nhiều buổi ca nhạc diễn ra ở đó, và điều đó khiến tôi ngạc nhiên. Và điều đó đã xảy ra trong vòng năm năm qua“.
Usman cho rằng, thay đổi đó là nhờ toàn cầu hóa và Internet cũng thúc đẩy sự quan tâm mãnh liệt đối với ẩm thực quốc tế.
Mặc dù Kuwait đã trở thành một thành phố toàn cầu với tự do tài chính và tuổi thọ đạt mức cao kỷ lục, người ngoại quốc cần phải ý thức được những thách thức để sống ở đó lâu dài.
Chỉ có công dân Kuwait mới có quyền sở hữu đất đai và người nước ngoài muốn mở doanh nghiệp cần phải có đối tác Kuwait sở hữu 51% cổ phần.
Tuy nhiên, do không có thuế bán hàng và thuế thu nhập, thành phố này có thể là một nơi tuyệt vời để làm việc và tiết kiệm tiền trong vài năm, Usman nói.
Auckland, New Zealand
>>> Melbourne: thành phố đáng sống nhất thế giới của Úc
Liên tục là một đô thị hàng đầu trong chỉ số đáng sống toàn cầu, thành phố phía Bắc New Zealand này có chỉ số đáng sống nhích lên dần trong thập niên qua.
Với điểm số đặc biệt cao trong hạng mục văn hóa, đó chính là sự khác biệt.
Ảnh hưởng của nền văn hóa Pasifika bản địa cùng văn hóa châu Á và văn hóa phương Tây, và thậm chí là văn hóa Nam Mỹ gần đây, đã dẫn tới sự bùng nổ các nhà hàng đa dạng và có thêm lễ hội văn hóa nhiều hơn bất cứ thời điểm nào trước đây, trong đó có Tết Âm lịch và lễ Diwali của người Hindu.
Auckland cũng có những bước tiến về y tế và giáo dục trong những năm qua. Các đại học và các trường thương mại vẫn là những trường học hàng đầu. Tuy nhiên, thành phố này vẫn còn những điểm để cải tiến, nhất là về cơ sở hạ tầng. Và, sống ở bất cứ nơi nào ở Auckland đều không hề rẻ.
Mới đây, thành phố này được xếp hạng tư về thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới và chính quyền đang có những bước đi để cấm người nước ngoài mua nhà ở có sẵn.
Đài Bắc, Đài Loan
Thành phố Đông Á này tiếp tục thăng tiến trên bảng xếp hạng về độ đáng sống, nhất là khi chính quyền thành phố tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng và y tế.
>>> Những khung cảnh tuyệt đẹp trên hòn đảo ngọc Đài Loan
Xe điện ngầm trải dài đến gần như mọi ngóc ngách của thành phố, bao gồm đến phi trường quốc tế.
Người dân rất hài lòng về y tế và giáo dục ở đây, điều đó thậm chí là tuyệt vời cho cả người ngoại quốc.
“Hệ thống chăm sóc y tế rất tuyệt vời, và nếu như bạn đến từ đất nước Canada với hệ thống y tế phổ quát thì điều này có ý nghĩa nào đó“, Shannon Watson, tư vấn doanh nghiệp đến từ Ottawa, nói.
“Là người ngoại quốc, chúng tôi có thể nhận được thẻ y tế với quyền lợi bình đẳng như công dân nước này một khi chúng tôi nhận được tư cách ‘thường trú nhân nước ngoài (thông qua công việc, gia đình hay học hành)”.
“Thẻ y tế này có thể được dùng để đi khám bác sỹ Tây hay lương y Trung y, cũng như nha sỹ và thường bao gồm cả chi phí chữa trị và thuốc men mà bệnh nhân chỉ phải trả một chi phí rất nhỏ“.
Cô Judy Tsuei, đến từ Mỹ và là người sáng lập công ty tư vấn truyền thông Wild Hearted Words, đã tìm được một trường học phù hợp cho con gái cô.
Toàn bộ cộng đồng đều rất quan tâm đến trẻ em, khiến Đài Loan trở thành nơi lý tưởng cho các gia đình trẻ.
“Bạn có thể lên một chiếc xe điện đông nghẹt người và mọi người sẽ nhường ghế nếu họ thấy có trẻ em lên tàu“.
Mặc dù một chút khả năng tiếng Quan thoại là điều quan trọng để tìm việc ở đây, nhưng người dân Đài Bắc rất thân thiện và sẵn lòng giúp đỡ người nước ngoài, ngay cả khi có hàng rào ngôn ngữ, Tsuei cho biết.
Theo BBC