Tinh Hoa

Pháp: Phát hiện chiếc răng giả 2300 tuổi cổ nhất châu Âu

Một chiếc răng cấy ghép bằng sắt 2.300 năm tuổi được phát hiện tại Pháp có thể là răng giả cổ nhất từng được tìm thấy ở Tây Âu. 

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Antiquity, các nhà khảo cổ đã phát hiện chiếc răng giả của một người phụ nữ Xentơ (Celt) từ thời kỳ đồ sắt, ở phía Bắc nước Pháp. Tờ The Guardian cho biết, đây là chiếc răng giả cổ nhất được phát hiện ở Tây Âu.

Chiếc răng giả được tìm thấy trong một ngôi mổ cổ 2.300 tuổi được chôn cất với nhiều vật dụng xa hoa tại Le Chêne, Pháp. Chiếc răng giả có cùng kích thước và hình dạng với răng cửa hàm trên và được tìm thấy cùng với nhiều chiếc răng khác của người đã khuất. Các nhà khảo cổ tin rằng chiếc chân răng bằng kim loại được bọc gỗ hoặc ngà voi.

Hình ảnh chiếc răng cổ được khai quật; chiếc răng giả bằng kim loại nằm bên trái. 

 

Guillaume Seguin, người tham gia khai quật cho biết: “Bộ răng trong tình trạng đã qua giải phẫu, có các răng hàm, răng tiền hàm, răng nanh, và răng cửa. Và có cả mẩu kim loại này. Phản ứng đầu tiên của tôi là: Cái quái gì thế này?”

Tiến hành nghiên cứu kỹ hơn về bộ răng, người ta phát hiện rằng người phụ nữ này chỉ có 31, chứ không phải 32 chiếc răng. Mẩu kim loại được đặt tại vị trí chiếc răng đã mất.

Một hàm rằng đã khiến các nhà khảo cổ kinh ngạc khi chúng được tìm thấy trên một xác ướp 4.000 tuổi. Hai răng giữa là răng được hiến tặng.

Dù chưa chắc chắn nhưng những người khai quật tin rằng chiếc răng giả được trồng sau khi người phụ nữ này qua đời để bà trông đẹp hơn khi tuẫn táng bởi nếu đặt kim loại vào hàm răng của người đang sống sẽ vô cùng đau đớn và có thể gây nhiễm trùng chết người.

Theo lịch sử khảo cổ, ngành nha khoa đã xuất hiện ít nhất từ 9.000 năm trước, mặc dù nhổ răng và điều trị các bệnh về răng có lẽ đã có từ trước đó rất lâu. Trong những năm qua, đã có nhiều nghiên cứu từ các di tích và hài cốt cổ đại trên khắp thế giới. Các cuộc khai quật cho thấy mức độ tinh xảo và khéo léo trong phẫu thuật và nha khoa thẩm mỹ từ nhiều thiên niên kỷ trước.

Nền văn minh thung lũng sông Ấn đã để lại nhiều bằng chứng về hình thức nha khoa cổ xưa nhất dưới dạng khoan cung từ 7.000 năm trước Công nguyên.


Cổ vật chứng tỏ nguồn gốc cổ nhất của ngành nha được tìm thấy tại thung lũng sông Ấn, liên quan đến việc chữa trị bệnh răng miệng. Thợ thủ công có tay nghề cao. Lỗ sâu trên răng khoảng 3,5 mm xuất hiện các rãnh đồng tâm cho thấy công cụ khoan đã được sử dụng. Chiếc răng được ước tính khoảng 9000 năm tuổi. 

Tại Ai Cập cổ, các thầy thuốc của Pharaon không lạ gì với việc trồng răng giả. Người ta đã phát hiện 3 trường hợp “nối” răng: một hoặc nhiều chiếc răng bị mất đã được nối với những răng xung quanh bằng dây vàng hoặc dây bạc. Trong một số trường hợp, việc “nối” răng được thực hiện với chiếc răng hiến tặng. 

Tuy nhiên, cũng giống như trong khám phá mới đây nhất, chưa thể xác định việc làm này được thực hiện khi bệnh nhân còn sống hay sau khi qua đời. Có thể mục đích là giúp người khuất có đầy đủ các bộ phận trước khi được chôn cất.

Theo Đại Kỷ Nguyên