Nói đến võ thuật Trung Hoa, chúng ta không thể không nhắc đến võ thuật Tạng là sự kết hợp diệu kỳ giữa ưu điểm của Khương thuật và quyền pháp thô dã dũng mãnh, đậm chất du mục của dân tộc Tạng.
Trên cao nguyên Tây Tạng – nơi được mệnh danh là “nóc nhà thế giới” có dân tộc Tạng sống theo kiểu du mục. Mảnh đất này cũng được coi là nơi chứa nhiều điều huyền bí nhất thế giới và dân tộc Tạng cũng chứa đựng nhiều nét văn hóa độc đáo thu hút sự tò mò của nhân loại qua bao thế kỷ. Võ thuật dân tộc Tạng cũng không nằm ngoài yếu tố ấy.
Lão võ sư người Tạng biểu diễn kiếm thuật. Nguồn: China-culture.cn
Ngược dòng lịch sử, xưa từ thời Tần, Hán đã có người dân tộc Khương sinh sống trên cao nguyên Tây Tạng, trong cuộc sống săn bắn họ đã dần dà hình thành một loại quyền thuật riêng biệt của cư dân du mục có tên gọi “Khương thuật” (võ thuật của người Khương).
Năm 112 TCN (khoảng đời Hán Võ đế Lưu Triệt, niên hiệu Nguyên Đỉnh, làm vua từ năm 140 đến năm 88 TCN) người Hung Nô liên kết với người Khương tiến công chiếm trại Lệnh Cư. Hán Võ đế sai Lý Tức dẫn mười vạn binh sang đánh trả, quân Khương thua chạy đến vùng đất phía tây hồ Thanh Hải. Quân Hán đổi địa danh Nhạc Đô thành huyện Phá Khương, Hoàng Nguyên thành huyện Lâm Khương, lập chức “Hộ Khương hiệu úy” để cai trị vùng biên tái.
Võ sinh luyện tập tại Trường võ thuật Tây Tạng. Nguồn: Sherpaworld.com.
Khoảng năm 136 đến 165 SCN (đời Hán Thuận đế Lưu bảo, làm vua từ năm 126 đến 144) vương triều Hán lại đánh nhau với người Khương kéo dài mười mấy năm. Chính vì những cuộc chiến tranh liên miên đó đã đưa “Khương thuật” phát triển mạnh mẽ.
Võ sư Tây Tạng
Sách “Đào châu vệ” thời Đường chép: “Thổ Cốc Hồn tính nết cương cường, lấy sữa làm lương ăn, giỏi đánh bằng ngựa, săn bắn kiếm sống”. Qua đó thấy rằng nghệ thuật chiến đấu trên lưng ngựa của người dân tộc nơi đây đã đạt đến mức cao thâm.
Tới đời Đường, vương triều Thổ phiên ở phía bắc (triều đình phong kiếnTrung Quốc thường gọi các nước nhỏ thần phục gọi là “phiên”, tức phên giậu cho triều đình) phát triển cường thịnh, thôn tính luôn Thổ Cốc Hồn, đồng hóa Khương -Tạng, thống trị toàn bộ vùng đại Tây Bắc Trung Quốc đồng thời kết thông gia với vua Đường. Công chúa Văn Thành sang Tạng mang theo nhiều tùy tùng võ sĩ nên đã giúp đẩy mạnh sự phát triển của võ thuật dân tộc Tạng.
Trang bị của chiến binh Tây Tạng xưa. Nguồn: Tanienthnic.com.
Theo yêu cầu của cuộc sống quân sự, người Tạng đã kết hợp ưu điểm của “Khương thuật” với những quyền pháp thô dã nhưng dũng mãnh của dân tộc mình phát triển thành võ thuật dân tộc Tạng giàu sắc thái du mục. Có thể coi từ đời Đường, võ thuật dân tộc Tạng được định hình và phát triển mạnh mẽ.
Tiếng Tạng gọi võ thuật là “xén pa” (còn gọi là “té lấu”). Trong cung đình vương triều Tạng cổ xưa, trong những ngày lễ lạt, yến tiệc không chỉ có biểu diễn ca múa mà còn có các giáp sĩ đấu võ thuật.
Theo sách kinh điển tiếng Tạng “Nhu nãi nạp ổ” đã kể: Trong “Tra long” có “Mỹ công ba” và “Long công ba”. Mỹ công ba chỉ luyện hỏa công, cởi trần trùng trục luyện khí đan điền. Sau khi luyện đến thành công thì “thân mình phát sáng, mùa đông không thấy lạnh, không sợ nước lửa, đao thương khó đâm thủng”. Còn Long công ba là thuật thổ nạp, ngồi trên chiếu, miệng niệm kinh thần, trần mình vọt nhảy, tay đấm chân đá… Luyện thành công phu thì “mình như chim én, có thể ẩn thân phòng hộ, lộ thân ra quyền”.
Kiếm Tạng. Nguồn: Tumblr.com.
Tết “Vọng quả” của dân tộc Tạng có lịch sử lâu đời, căn cứ “vua chim” đại nhạn (ngỗng trời) bay về Nam tránh rét thì cử hành các hoạt động mừng được mùa, các võ sĩ giơ cao cây gậy gỗ có buộc các “há tá” là các giải vải lụa đi quanh một vòng xong tiến hành đấu võ, đấu kiếm… Người thắng được thưởng một “há tá”, ba vuông gấm vóc.
Theo “Tây Tạng chí”, vào Rằm tháng Giêng, dân tộc Tạng cử hành nghi thức tôn giáo xong thì tiến hành đua ngựa, đấu vật, biểu diễn võ thuật, đeo mặt nạ nhảy múa để cầu tốt lành. Khi nhảy múa “tuần hành ruộng lúa”, “trời hạn cầu mưa” hoặc lễ tế “Ưa púa”, trên thảo nguyên giăng lều trại quanh mấy chục dặm đến độ “nghe tiếng ốc mà tới”, cử hành các nghi lễ tôn giáo thần bí xong là tiến hành đua ngựa, bắn tên, đấu vật, đấu võ… đồng thời thổi “địch Khương” (một loại sáo thổi dọc), đánh trống nhảy múa.
“Thổ Phiên vương” (vua Tây Tạng) lệnh cho các võ sĩ dân tộc Tạng chế ra cầu lông, bóng lông để đá nhằm luyện cước thuật, có thể vừa cưỡi ngựa vừa đá cầu, đá bóng hay chế đá củ đậu (tua sơ khô) làm vũ khí để luyện ném. Thời Tống, ở Tây Tạng xuất hiện khắp nơi những người bảo tiêu (câu su pa – người bảo vệ, áp tải hàng hóa thuê). Họ rất giỏi võ Tạng, thường là các đại cao thủ trong việc sử dụng đao Tạng, cung tên, ném đá, tiêu xích – đây cũng là những vũ khí nổi tiếng của võ thuật Tạng.
Trong ngôn ngữ dân tộc Tạng có những danh từ liên quan đến võ thuật, khí giới như “Củ lang” (ngựa Tạng), “ta sơ chi hâu” (roi côn), “la trư” (đoản kiếm), “tua sơ chi hâu” (xích sắt), “chớ su mu tung” (soa ba mũi), “tua chi quây” (chùy xích), “tung” (mâu), “ta y” (cung tên), “ai sơ xia” (ném đá), “tua ra chê” (chày ma thuật)…
Do thiếu văn tự ghi chép, dù có lịch sử từ rất xa xưa nhưng quá trình hình thành và phát triển của võ thuật Tạng, Khương được biết đến rất ít và tới nay cũng đã thất truyền rất nhiều, duy chỉ có những kỹ thuật chiến đấu trên lưng ngựa, vốn là phong cách sống du mục ngàn đời của dân tộc Tạng vẫn còn giữ được phần nào.
Tham khảo Kienthuc, National geographic