Hệ thống lưu trữ thông tin bằng đất sét của đế chế Assyrian từ thời cổ đại mới được phát hiện ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, tiết lộ nguồn gốc chữ viết từ thời cổ đại.
Bức ảnh cho thấy một phiến đất sét, trên đó khắc thể chữ tượng hình, được cho là đến từ nền văn minh Assyrian. (Shutterstock*). Rất nhiều những đồ tạo tác như vậy đã được tìm thấy ở Ziyaret Tepe, Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo vốn hiểu biết thông thường, một hệ thống lưu trữ kiểu token (vật tượng trưng) thời cổ đại như đã trở nên rất lỗi thời khi chữ viết ra đời. Nhưng hiện nay, các cuộc khai quật gần đây nhất đã cho thấy rằng, trên thực tế, cả thiên niên kỷ sau khi hệ thống này được cho là đã biến mất, những token này lại xuất hiện như một phần không thể tách rời trong cơ chế điều hành trên khắp đế chế Assyrian.
Một cuộc khai quật ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ đã khám phá ra một lượng lớn các token bằng đất sét, có lẽ đã được sử dụng để ghi chép các thương vụ buôn bán cho tới khi chữ viết ra đời.
Nhưng token được phát hiện gần đây lại có niên đại từ một thời kỳ khi chữ viết đã trở nên vô cùng thịnh hành – cả nghìn năm sau khi công nghệ token trở nên lạc hậu. Các nhà nghiên cứu so sánh hiện tượng này với việc chúng ta vẫn sử dụng bút máy trong thời đại đã xuất hiện công cụ soạn thảo văn bản điện tử (máy tính…).
Token là các mảnh đất sét nhỏ với các hình dạng đơn giản khác nhau, được cho là đã được sử dụng như một hệ thống sổ sách kế toán thô sơ vào thời cổ đại.
Một lý thuyết cho rằng, các loại token khác nhau đại diện cho các loại hàng hóa khác nhau như gia súc hoặc thóc lúa. Những loại hàng hóa này sẽ được trao đổi và sau đó được đóng dấu trên đất sét như một hồ sơ vĩnh viễn của thương vụ mua bán này, và có lẽ đây chính là bản hợp đồng đầu tiên trên thế giới.
Hệ thống này được sử dụng cho đến khoảng năm 3000 TCN, tại thời điểm đó trên các phiến đất sét có các hình tượng được vẽ bằng các cây sậy đầu tam giác bắt đầu xuất hiện. Và nó đánh dấu sự ra đời của chữ viết, cùng với đó là sự ghi chép lịch sử.
Theo di tích khảo cổ học thì từ giai đoạn này trở đi, các token xuất hiện ít dần và sau đó biến mất hẳn, dẫn tới giả thiết cho rằng chữ viết đã nhanh chóng thế chỗ hệ thống token.
Tuy nhiên, các cuộc khảo cổ gần đây tại Ziyaret Tepe, khu vực di chỉ thành phố cổ đại Tušhan, một thành phố cấp tỉnh của Đế quốc Tân Assyrian, lại khai quật được một lượng lớn các token có niên đại từ thiên niên kỷ thứ nhất TCN, tức là hai nghìn năm sau khi ‘chữ tượng hình’ – loại hình chữ viết sớm nhất – từng xuất hiện trên các phiến đất sét.
“Hệ chữ viết phức tạp không thể ngăn cản việc sử dụng bàn tính, cũng như kỷ nguyên số không thể làm phai mờ vai trò của bút chì và bút mực”- Tiến sĩ John MacGinnis nói. Ông làm ở Viện Nghiên cứu Khảo cổ MacDonald thuộc Trường Đại học Cambridge, và là người đứng đầu nghiên cứu này. Trên thực tế, trong một xã hội trí thức sẽ có rất nhiều phương pháp ghi chép thông tin có thể bổ trợ cho nhau. Trong trường hợp này, cả các token đất sét và chữ viết tượng hình đều được sử dụng đồng thời.
Các token đã được phát hiện ở tòa thị chính ở thị trấn thấp hơn của Tušhan, kèm theo rất nhiều phiến đất sét khắc chữ tượng hình cũng như các quả cân và con dấu bằng đất sét. Hơn 300 token đã được tìm thấy trong hai căn phòng ở mặt sau tòa nhà, mà trong miêu tả của MacGinnis, nó có các đặc điểm của một ‘khu vực giao hàng’, có lẽ là một trạm bốc dỡ hàng hóa thời cổ đại.
“Chúng tôi nghĩ có hai khả năng xảy ra ở đây. Hoặc là bạn sẽ có được thông tin về đàn gia súc thông qua nơi này, hoặc có thể nhờ vào chính bản thân đàn động vật đó. Mỗi nông dân và người chăn nuôi sẽ có một túi token đại diện cho bầy gia súc của họ”- MacGinnis nói. Thông tin được trao đổi qua lại trong những căn phòng này dưới dạng token, rồi cuối cùng được khắc lên các phiến chữ tượng hình bên dưới dòng chữ.
Các nhà khảo cổ nói rằng, dù rằng dạng chữ tượng hình là một công cụ giải thích tiên tiến hơn, nhưng bằng cách kết hợp nó với tính linh hoạt của những token, người Assyrian cổ đại đã tạo ra một hệ thống ghi chép tinh vi hơn nữa. Các token đã cung cấp một hệ thống các con số có thể di động, cho phép gia súc di chuyển và các khoản tiền được sửa đổi và cập nhật mà không cần phụ thuộc vào chữ viết; một hệ thống không yêu cầu tất cả người tham gia phải biết chữ.
MacGinnis tin rằng, bằng chứng mới chỉ ra rằng các token thời tiền sử được sử dụng cùng với các chữ tượng hình như một hệ thống ‘quản lý’ của đế chế rộng lớn trải dài khắp một khu vực bao gồm các nước ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq. Vào thời gian đó, khoảng 900 đến 600 TCN, đế chế Assyrian thuộc hàng lớn nhất thế giới.
Các loại token là rất đa dạng, từ những khối cầu, đĩa và tam giác đơn giản cho đến những token phức tạp hơn như da bò và đầu bò.
Trong khi đa số các phiến đá chữ tượng hình được tìm thấy cùng với các token đều sử dụng trong việc buôn bán thóc lúa, thì hiện vẫn chưa biết các token đa dạng đó đại diện cho điều gì. Nhóm nghiên cứu nói rằng, một số token có lẽ đại biểu cho thóc lúa, cũng như các loại gia súc khác nhau (như dê và trâu bò), nhưng khi chúng được sử dụng vào thời kỳ đỉnh cao của đế chế này, các token có thể được sử dụng để biểu thị các loại hàng hóa như dầu, len và rượu.
“Một trong những giấc mơ của tôi, là một ngày nào đó chúng tôi sẽ có thể khai quật được một phiến đá của một người ghi chép đang kê khai hàng hóa một cách tỉ mỉ, và chúng tôi sẽ có thể giải mã hệ thống token này”- MacGinnis nói.
“Các phát minh ra hệ thống ghi chép là những cột mốc quan trọng trong hành trình của nhân loại, và bất cứ phát hiện nào có thể giúp hiểu thêm về nguồn gốc xuất hiện của chúng đều sẽ tạo nền tảng nhằm vẽ nên sự phát triển của nhân loại”- ông nói.
Theo Đại Kỷ Nguyên