Tinh Hoa

Mãnh chiến viking: Chiến binh hung tợn hay kẻ nghiện thuốc?

(Shutterstock*)

Ngày nay, cụm từ “berserk” (nổi quậy) được sử dụng để miêu tả bất kỳ ai trong một trạng thái tâm lý vô lý trí, đang bị kích động mà không thể kiểm soát hành vi của bản thân. Nghĩa của từ này bắt nguồn từ những mãnh chiến Viking, những chiến binh hung tợn được biết đến với khả năng chiến đấu trong cơn thịnh nộ xuất thần không thể kiểm soát, và được cho là có một sức mạnh siêu thường.

Trong văn học dân gian và quá trình lịch sử của nước Đức và Na Uy thời Trung Cổ, những mãnh chiến được miêu tả là các thành viên của một nhóm chiến binh bất kham. Nhóm chiến binh này tôn thờ thần Odin, vị thần tối cao của Bắc Âu, và được các giới quý tộc và hoàng gia phân làm lính gác và trở thành các ‘đạo quân đột biến’, những kẻ sẽ reo rắc nỗi sợ hãi cho bất kỳ ai dám đối đầu với họ. Để làm tăng sự tàn bạo và để làm kẻ địch khiếp sợ, họ thường để râu và khoác lên mình tấm da thú khi chiến đấu, từ đó họ được đặt tên là Berserker, nghĩa là “áo choàng gấu” theo ngôn ngữ Na Uy cổ.

Cơn thịnh nộ của những mãnh chiến bắt đầu với các cơn rùng mình và hai hàm răng nghiến vào nhau, khiến cho khuôn mặt của họ tím tái lại. Khi đã trở nên ‘bốc hỏa’, họ sẽ tiến nhập vào trạng thái của cơn thịnh nộ không thể kiểm soát, theo sau đó là những tiếng gầm rú. Họ cắn vào tấm khiêng bảo vệ và gặm nhấm da thịt của bản thân, sau đó họ càn quét bất cứ thứ gì trên đường đi mà họ gặp.

Với niên đại từ thế kỷ thứ chín, những mãnh chiến Na Uy được cho là có khả năng làm những việc mà người thường không thể. Theo truyền thuyết cổ đại, những mãnh chiến này là bất khả chiến bại, và không một thứ vũ khí nào có thể làm họ thoát khỏi trạng thái xuất thần. Họ được miêu tả là những người mình đồng da sắt, đao thương bất nhập, có thể xung phong trận mạc bất chấp thương tích trên thân. Nhà sử học kiêm nhà thơ người Iceland Snorri Sturluson (1179–1241 TCN) đã miêu tả về những mãnh chiến như sau trong cuốn Ynglinga:

“Những người đàn ông của ngài (thần Odin) tiến về phía trước mà không mặc áo giáp, điên dại như chó săn hoặc sói, cắn áo giáp, và khỏe như gấu hay bò rừng, và hạ gục bất cứ ai chỉ với một cú chém, nhưng không một ngọn lửa hay thứ kim loại nào có thể ngăn họ lại”.

Mãnh chiến Viking

Người ta tin rằng những dòng miêu tả này cũng có một phần đúng và rằng trạng thái xuất thần thực ra sẽ giúp họ không cảm thấy đau đớn cho tới khi kết thúc cuộc chiến.

Trong khi một số nhà nghiên cứu tin rằng những mãnh chiến này chỉ đơn giản tự làm bản thân chìm vào loại cảm giác hưng phấn tự phát trước cuộc chiến. Những người khác lại khẳng định rằng đó là tà thuật, hay trạng thái do phê thuốc phiện hoặc rượu. Thậm chí có người cho rằng họ bị bệnh tâm thần. Ví như chứng điên khùng hoặc chứng căng thẳng sau chấn thương là nguyên nhân biểu hiện của họ. Một số nhà thực vật học cho rằng biểu hiện của mãnh chiến này có thể gây ra do ăn phải một loại thực vật tên là bụi cây mia đầm lầy (bog myrtle), một trong những loại gia vị chính trong đồ uống có cồn của người Bắc Âu thời xưa.

Một số thuyết bí truyền khác lại xoay quanh lĩnh vực tâm linh. Lấy ví dụ, một số học giả đã tuyên bố rằng người Viking tin vào việc nhập hồn và những mãnh chiến có thể đã bị hồn ma, sói hay gấu chiếm lấy thân thể. Theo một số nhà lý luận, các mãnh chiến biết cách làm cho linh hồn động vật chiếm lấy thân thể của họ trước khi bắt đầu một trận chiến (một ví dụ của tín ngưỡng Tô Rem động vật), trong đó cũng bao gồm việc uống máu loài động vật mà họ muốn được nhập hồn.

Vào năm 1015, quý tộc Eiríkr Hákonarson của nước Na-Uy đã coi những mãnh chiến là bất hợp pháp, và Grágás, bộ luật ở Iceland thời Trung Cổ, đã ra phán quyết kết tội những mãnh chiến. Cho tới thế kỷ thứ 12, những nhóm mãnh chiến có tổ chức đã hoàn toàn bị phân rã.

Theo Đại Kỷ Nguyên