Sức mạnh cơ bắp của mỗi người là có hạn nhưng ở người có ý chí sắt đá thì nghị lực là vô hạn. Không thể phủ nhận rằng, sức mạnh ý chí rất quan trọng. Những người có ý chí thường sẽ kiên định với lựa chọn của mình và thành công trong lĩnh vực mà họ theo đuổi.
Tuy nhiên, cần biết rằng ý chí, nghị lực không hẳn đã có sẵn ngay từ khi sinh ra mà còn có thể tích lũy qua rèn luyện. Những người thành công chưa chắc đã có ý chí hơn những người bình thường mà là họ biết cách tích lũy và sử dụng chúng như thế nào.
Hãy cùng đến với những thói quen rèn luyện có thể giúp bạn củng cố nghị lực của bản thân, theo tổng hợp từ trang Business Insider.
1. Giữ các phương án lựa chọn ít nhất có thể
Thông thường, trước khi làm việc gì đó con người ta thường có khá nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, mỗi người chỉ có một lượng hữu hạn năng lượng tinh thần dành cho các hoạt động của não bộ và theo các nhà tâm lý học, càng nhiều lựa chọn phải đắn đo, não bộ càng phải hoạt động nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc năng lượng tinh thần tiêu hao nhanh hơn.
Khi não bộ bắt đầu quá tải, con người ta thường có suy nghĩ “buông xuôi”, hay nói cách khác nghị lực, ý chí bị sụt giảm nên dẫn đến những quyết định sai lầm.
Điều này chứng tỏ, với càng ít phương án, khả năng đưa ra những lựa chọn thông minh sẽ tăng lên. Lời khuyên của các chuyên gia đó là hãy mạnh tay loại bỏ càng nhiều lựa chọn càng tốt.
Ví dụ như khi ăn kiêng, thay vì phải đắn đo uống nước khoáng và nước ngọt, hãy đặt nước ở những vị trí dễ lấy nhất. Hay khi muốn tiết kiệm chi tiêu, hãy giữ tiền trong thẻ, hoặc không mang thẻ tín dụng theo người, tránh trường hợp đắn đo mua – không mua.
Sự đắn đo lựa chọn chính là kẻ thù của nghị lực. Càng nhiều lựa chọn sẽ bòn rút ý chí và cuối cùng đập tan nghị lực, khiến con người ta đưa ra những quyết định sai lầm.
2. Đưa ra lựa chọn từ tối hôm trước
Theo các chuyên gia, việc đưa ra quyết định đúng sẽ trở nên dễ dàng hơn khi thời hạn quyết định chưa “sát nút”. Hãy đưa ra lựa chọn từ tối hôm trước, thay vì phải đắn đo và làm những điều chắc chắn sẽ bòn rút năng lượng tinh thần vào ngày hôm sau. Ví dụ như lựa chọn sẵn bộ quần áo định mặc, hay chuẩn bị sẵn nguyên liệu cho bữa sáng, bữa trưa ngày hôm sau…
Việc đưa ra càng nhiều các quyết định vào buổi tối hôm trước sẽ cho phép não bộ của bạn tập trung năng lượng tinh thần cho các quyết định “gai góc” của ngày hôm sau. Khi đã hình thành thói quen, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống dễ dàng hơn khá nhiều.
3. Thực hiện việc khó nhất trước
Nghe có vẻ phản khoa học, khi rõ ràng việc phải đối đầu với những vấn đề khó khăn ngay từ đầu sẽ khiến bạn nản lòng. Tuy nhiên, các khoa học gia cho biết, con người ta có được nguồn năng lượng tinh thần lớn nhất vào buổi sáng sớm. Đây chính là thời điểm thuận lợi đương đầu với các thử thách khó nhằn nhất.
Theo một nghiên cứu của Học viên khoa học Quốc gia (Mỹ), các thẩm phán thường đưa ra các phán quyết thuận lợi vào phiên xử sáng sớm, trong khi tỉ lệ giảm xuống gần bằng 0 chỉ ngay trước bữa trưa.
Giải thích cho điều này, các khoa học gia cho biết, quyết định xét xử đã ít nhiều chịu ảnh hưởng từ sự mệt mỏi của não bộ. Chỉ sau một buổi sáng, não bộ sẽ trở nên mệt mỏi nên các chuyên gia đưa ra lời khuyên:thời điểm tốt nhất để đương đầu với các lựa chọn khó khăn chính là vào sáng sớm. Hãy đối đầu với những việc “gai góc” nhất, khi não bộ và ý chí còn sáng suốt.
4. Nạp năng lượng thường xuyên
Việc đối đầu với các quyết định khó khăn ngay từ sáng sớm không có nghĩa cả ngày hôm đó chỉ toàn quyết định sai lầm. Cũng trong nghiên cứu trên, tỉ lệ phán quyết thuận lợi được tăng vọt sau bữa trưa và giảm dần theo thời gian.
Các chuyên gia lý giải rằng, bữa trưa chính là khoảng thời gian cho não bộ nghỉ ngơi và nạp năng lượng. Nghiên cứu cũng cho ra kết quả tương tự đối với các ca nghỉ giữa buổi sáng và chiều.
Cụ thể hơn, đường glucose đóng vai trò quan trọng đối với ý chí, nghị lực của chúng ta. Dù khi lượng glucose thấp, não bộ vẫn hoạt động nhưng theo hướng tiêu cực: phản ứng mạnh hơn, khả năng tập trung kém hơn… dẫn đến tỉ lệ lựa chọn sai tăng lên.
Vậy nên theo các chuyên gia, hãy nạp năng lượng thường xuyên cho não bộ bằng những bữa ăn lành mạnh. Điều này không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn giúp bạn tập trung ý chí để đưa ra các quyết định đúng đắn.
5. Nhắc nhở về những mục tiêu dài hạn
Theo các chuyên gia tâm lý, việc tinh thần mệt mỏi sẽ làm giảm sút khả năng đưa ra các lựa chọn lý trí. Khi tinh thần mệt mỏi, con người ta thường đưa ra những lựa chọn dễ dãi, dù là sai lầm.
Bạn muốn kiếm được nhiều tiền nhưng khi tinh thần mệt mỏi, bạn không thể cố hết sức mình. Hay như bạn muốn bắt đầu ăn kiêng nhưng tinh thần mệt mỏi sẽ khiến bạn chỉ muốn… bắt đầu vào ngày hôm sau.
Tuy nhiên theo một số nghiên cứu, việc tạo ra các ghi chú nhắc nhở dễ thấy có thể kéo bạn trở lại con đường… “chính đạo”. Một anh chàng thừa cân có thể dán bức ảnh của chính mình lên tủ lạnh để nhắc nhở rằng, đó là một hình mẫu không mong muốn. Hay như một người để ảnh gia đình, những người yêu thương nhất trong ngăn kéo bàn làm việc để tự nhắc nhở khi xao nhãng rằng, tất cả những gì đang làm chỉ để củng cố hạnh phúc gia đình.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên đơn giản hơn, đó là sắp xếp lại góc làm việc, loại bỏ những gì có thể gây xao nhãng như đăng xuất khỏi các trang mạng xã hội, hoặc nếu có thể hãy tắt hẳn internet đi. Khi không còn trở ngại, bạn cũng không lo bị bòn rút ý chí, đồng nghĩa với việc não bộ được nghỉ ngơi và làm việc hiệu quả hơn.
(Theo khoahoc.com.vn)