Tinh Hoa

Chất gây ảo giác – Một phần trong nghi lễ mai táng của người tiền sử

Bức chạm nổi cổ đại mô tả hình ảnh sử dụng thuốc

Không giống như con người hiện đại, người dân thời tiền sử châu Âu không sử dụng chất kích thích tâm trí đơn giản chỉ vì những khoái lạc. Họ kiểm soát  tốt việc sử dụng rượu và cây thuốc, như thuốc phiện và nấm gây ảo giác, đồng thời nó cũng liên quan chặt chẽ với hệ thống tín ngưỡng và nghi lễ chôn cất thiêng liêng của xã hội tiền công nghiệp. Elisa Guerra-Doce của Đại học Valladolid ở Tây Ban Nha cho rằng việc sử dụng rượu và cây thuốc là một phần không thể thiếu trong tín ngưỡng thời tiền sử, đồng thời các chất này được cho là góp phần hỗ trợ việc liên hệ với thế giới tâm linh. Nghiên cứu của Guerra-Doce xuất hiện trong Tạp chí của Springer Archaeological Method and Theory.

Mặc dù, trên thực tế, việc tiêu thụ các chất này đã tồn tại cùng xã hội loài người lúc bấy giờ, nhưng gần đây các nhà nghiên cứu mới bắt đầu tìm hiểu bối cảnh lịch sử và văn hóa của việc sử dụng các chất này ở châu Âu. Tài liệu nghiên cứu của Guerra – Doce đã đóng góp vào phần tư liệu về nhân chủng học nhiễm độc trong xã hội châu Âu tiền sử, giúp cung cấp cái nhìn có hệ thống về tầm quan trọng của văn hóa trong việc tiêu thụ chất gây nghiện.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã kiểm tra  bốn loại tư liệu khảo cổ học khác nhau đó là: đại hóa thạch còn lại của lá; trái cây hoặc hạt giống của cây có tác dụng với tâm trí; phần đồ uống có cồn và các alkaloid (một trong các nhóm chất chứa ni-tơ) còn sót lại của trong các tạo tác khảo cổ và mẩu xương thời tiền sử; những tác phẩm nghệ thuật miêu tả loài thực vật có tác dụng lên trí não, và những cảnh uống rượu. Những dấu tích còn lại gồm có mẩu thuốc phiện trong răng của một nam giới trưởng thành tại một điểm khai quật có dấu tích thời kì đồ đá mới ở Tây Ban Nha, những hạt giống cần sa cháy thành than trong những chiếc bát được tìm thấy ở Romania, còn có dấu vết của bia làm từ lúa mạch trên một số bình gốm đã được phát hiện ra ở Iberia, và những thiết kế trừu tượng trên dãy Alps ở Ý miêu tả nghi thức sử dụng nấm gây ảo giác.

Do Guerra – Doce tìm thấy dấu vết của các chất gây tác động lên tâm trí này chủ yếu trong những ngôi mộ và những nơi thực hiện nghi lễ nên bà tin rằng các chất này có liên kết chặt chẽ với các lễ nghi cổ xưa. Chúng được sử dụng để thay đổi trạng thái bình thường của ý thức, thậm chí đạt đến trạng thái thôi miên. Các chi tiết về các nghi lễ vẫn chưa rõ ràng; tuy nhiên, có giả thuyết rằng các chất được sử dụng trong quá trình thực hiện nghi thức tang lễ với mục đích cung cấp thức ăn, thức uống nuôi dưỡng những người đã chết trong cuộc hành trình về thế giới bên kia của họ, cũng có thể đó là đồ cống nạp cho các vị thần ở cõi âm.

Bên cạnh đó, bà cho rằng quyền sử dụng các chất này có thể được kiểm soát tốt bởi vì chúng là một phương tiện kết nối với thế giới tâm linh. Do đó, chúng đóng vai trò thiêng liêng đối với xã hội tiền sử châu Âu.

Guerra – Doce cho rằng: “Khác với tiêu thụ với mục đích của chủ nghĩa khoái lạc, cây thuốc và đồ uống có cồn đóng vai trò thiêng liêng đối với xã hội tiền sử. Không có gì  ngạc nhiên khi hầu hết các bằng chứng có được từ những hình thức mai táng kì công và các địa điểm thực hiện nghi lễ đều cho thấy khả năng tiêu thụ chất kích thích tâm trí có kiểm soát và mang tính xã hội trong thời tiền sử châu Âu. “

Guerra – Doce , E. ( 2014). Những nguồn gốc của tình trạng say: Bằng chứng Khảo cổ học về Việc tiêu thụ đồ uống lên men và Thuốc trong thời Eurasia tiền sử . Tạp chí Archaeological Method and Theory.


Cho phép tái xuất bản từ Ancient Origins (Những nguồn gốc cổ đại)

Theo Đại Kỷ Nguyên