Với tư tưởng quân sự linh hoạt và nghệ thuật tác chiến cao siêu của mình, Thành Cát Tư Hãn Thiết Mộc Chân, người sáng lập ra đế quốc Mông Cổ đã trở thành nhà lãnh đạo lỗi lạc bậc nhất của lịch sử thế giới.
1. Trận Dã Hồ Lãnh
Năm 1211, Thành Cát Tư Hãn đưa quân tấn công vùng Dã Hồ Lãnh (nước Kim). Chủ soái quân sự của nhà Kim lúc này là Hoàn Nhan Thừa Dụ. Cậy mình có lợi thế phòng ngự quân sự là địa thế núi non hiểm trở và có Trường Thành che chắn bảo vệ, Hoàn Nhan cho rải binh lực khắp nơi ở Dã Hồ còn mình trấn giữa. Chính điều này đã khiến cho binh lực bị phân tán.
Đối phó với kế sách này, Thành Cát Tư Hãn dùng chiến thuật tập trung đột phá, dồn toàn bộ lực lượng đánh thẳng vào đại bản doanh của Hoàn Nhan khiến cho Hoàn Nhan không kịp trở tay và bại trận.
2. Trận chiến thành Ngột Lạt Hải
Trong trận chiến thành Ngột Lạt Hải, Thành Cát Tư Hãn đã điều động 20 quan thiên hộ và đội cận vệ đặc biệt của mình để huấn luyện quân đội tấn công, đồng thời phái các tổ trinh sát nhỏ tách khỏi quân chủ lực vài chục dặm đi thu thập tin tức tình báo. Sau một tháng, đội quân của ông như thần binh thiên tướng, áp sát thành Ngột Lạt Hải (nước Tây Hạ).
Không chỉ rèn luyện quân đội, ông còn đánh vào “tâm lý” và điều này đã giúp ông giữ được nhiều sinh mạng. Cụ thể, trước đó, ông đã thả một người chăn dê người Tây Hạ chạy được vào thành tung tin: Sau khi công phá được thành, quân của Thành Cát Tư Hãn sẽ giết chết tất cả những người ngoan cố bảo vệ thành trì không chịu đầu hàng.
3. Trận đánh đầu tiên với Vua Ba Tư, Ma Kha Mạt
Trận đánh với Ma Kha Mạt, Thành Cát Tư Hãn đã phân tích lực lượng của địch và biết được cánh quân tả có lực lượng yếu nhất.
Khi vào trận, kèn hiệu lệnh vừa vang lên, Tốc Bất Đài (danh tướng của Thành Cát Tư Hãn) dẫn quân đánh thẳng vào trung quân, thu hút sự chú ý của Ma Kha Mạt. Còn quân chủ lực do Thành Cát Tư Hãn thống lĩnh phát huy khả năng tốc chiến, tấn công bất ngờ vào cánh tả khiến chúng lập tức tan rã.
Lúc này, Ma Kha Mạt vội chia quân đi cứu cánh tả. Sau khi quân chủ lực đánh vào cánh tả, lại vòng về sau lưng, tấn công thọc mạnh vào trung quân của Ma Kha Mạt. Khiến đội quân này rối loạn, nhà vua phải bỏ chạy về chỗ con trai.
4. Trận chiến ở Sa Đà
Trong trận chiến ở Sa Đà, thực lực của Thiết Mộc Chân kém xa so với Vương Hãn và Trát Mộc Hợp.
Vương Hãn dốc toàn bộ lực lượng kéo đến, mũi tiến công chia thành 4 thê đội, từng thê đội lần lượt ra trận, sau khi ép sát địch vào một địa điểm, trung quân sẽ phân thành 4 lộ bao vây 4 hướng, tiêu diệt địch.
Thiết Mộc Chân quyết định dốc toàn lực ngăn chặn thê đội 1 và 2, tấn công thê đội 3. Thê đội 3 giỏi tiến công theo kiểu dàn hàng ngang, kiểu tiến công này rất dễ bị chọc thủng, một khi đã phá thủng được, sẽ dốc sức tiến về phía trước đánh vào thê đội 4, chỉ cần phá được đội quân bảo vệ Vương Hãn, sẽ khiến chúng mất hết sĩ khí, tất sẽ đại thắng.
Theo Ngày Nay Online