Một hành tinh mới dạng khối thể vừa được tìm thấy ngoài rìa của Hệ Mặt Trời. Thiên thể này được đặt tên là 2012VP113 là thiên thể thứ hai được tìm thấy từ sau khi xác định được một hành tinh lùn Sedna vào năm 2003. Thành viên mới này sẽ gia nhập câu lạc bộ đặc biệt dành cho những vật thể lạ trong Hệ Mặt Trời
Hệ Mặt Trời quan sát được có thể được chia thành ba vùng: hành tinh đá bao gồm Trái đất và các hành tinh của Hệ Mặt Trời bên trong (sao Thủy, sao Kim và sao Hỏa), vùng hành tinh khí khổng lồ và cuối cùng là những thiên thể trong vành đai băng Kuiper trong đó có Diêm Vương tinh. Vành đai Kuiper [1] trải dài từ bên ngoài Hải Vương tinh ở vị trí từ 30 đến 50AU (AU – Astronomical Unit là đơn vị thiên văn, được tính theo khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt trời)
Sedna và 2012VP113 là những thiên thể kì lạ, vì nó trú ngụ tại một khu vực lẽ ra không có gì cả nếu chiếu theo những lý thuyết về sự hình thành Hệ Mặt Trời. Quỹ đạo của chúng vượt quá xa Hải Vương tinh, một hành tinh được phát hiện gần đây nhất của Hệ Mặt Trời, thậm chí còn vượt hơn cả Diêm Vương tinh vốn là hành tinh khác biệt với các hành tinh khác vì kích thước của nó cùng quỹ đạo [2] và thành phần bất thường. (Diêm Vương tinh, khi được nhìn nhận là một hành tinh thì người ta xem nó như là vật thể đi đầu trong nhóm khối thể được gọi là vật thể plutino [3])
Sedna, đường kính 1000 km, ở vị trí gần Mặt trời nhất là khoảng 76AU còn 2012VP113 thì có đường kính khoảng 450 km, khoảng cách là 80AU, quỹ đạo của nó cũng có xu hướng lạ lùng hơn so với hầu hết các thiên thể khác trong Hệ Mặt Trời.
Kết quả của phát hiện này được đăng trên tạp chí Nature. Chadwick Trujillo thuộc Đài Quan Sát Gemini tại Hawaii, người đóng góp trong việc phát hiện ra Sedna, và Scott Shepherd của Viện Khoa học Carnegie, người phát hiện ra 2012VP113 cùng với Trujillo, đề xuất rằng những thiên thể này là thành viên của đám mây tinh vân Oort bên trong.
Đám mây tinh vân Oort là một vùng giả định được cho là trải dài hướng ra phía ngoài khỏi vành đai Kuiper. Trải dài ra phía ngoài khoảng 5000AU, đám mây tinh vân OOrt trải rộng ra thành quả cầu mà trung tâm là mặt trời. Chúng ta không có bằng chứng trực tiếp về sự tồn tại của đám mây tinh vân Oort, nhưng lại có bằng chứng gián tiếp thông qua hình thức của các sao chổi với quỹ đạo cực kì dài.
Stephen Lowry của Đại học Kent nói rằng: “Tính chất quỹ đạo của hai thiên thể này hết sức khác biệt so với những thiên thể khác trong vành đai Kuiper, do đó có thể sai lầm khi đề xuất rằng nó có thể là một phần của đám mây tinh vân Oort bên trong.”
Thực tế thì sự tồn tại của những thiên thể này rất đáng chú ý, vì chúng tồn tại trong một vùng mà chất liệu hình thành chúng tập trung rất thưa thớt. Quan điểm hiện nay cho rằng chúng được hình thành trong vùng hành tinh khổng lồ mà quỹ đạo hiện tại của chúng có thể là kết quả từ một tác động nào đó khiến chúng phân tán đến một khoảng cách như vậy. Người ta hy vọng rằng khám phá này sẽ đưa đến những nỗ lực nhằm tìm kiếm các thiên thể khác.
David Rothery của Đại học Open nói: “Đây là một khám phá đáng lưu tâm, nhưng cũng không ngạc nhiên cho lắm, vì khi họ đã tìm ra được Sedna, thì sẽ có hy vọng tìm ra một thiên thể khác trong vùng đó.”
Nhưng thực ra, Trujillo, người có liên quan đến đội hình ban đầu trong việc phát hiện ra Sedna, đã phải mất hơn 10 năm mới tìm ra được người hàng xóm của Sedna, nói về những thử thách trong khám phá này: “Càng bị đẩy ra xa khỏi Mặt trời, thì càng ít ánh sáng chiếu rọi lên những thiên thể này, điều đó khiến cho việc định vị khó khăn hơn,” Lowry nói.
“Tệ hơn nữa,” Lowry tiếp tục, “Quỹ đạo lệch tâm của những thiên thể này đồng nghĩa rằng chúng ta có rất ít cơ hội để quan sát được chúng ngay cả khi dùng thiết bị quan sát tối tân nhất từ Trái Đất. Điều cần thiết để tìm ra được một vật thể vụ trụ không phải là công nghệ mà là sự kiên trì.” Ví dụ, Sedna tại điểm gần Mặt trời nhất là 76AU, nhưng điểm xa mặt trời nhất lên đến 1000AU. Chu kì đi hết quỹ đạo của nó là 11400 năm, nghĩa là phải ngốn rất nhiều thời gian và khoảng cách cũng quá xa để vật thể được phát hiện
Trong khi 2012VP113 và Sedna cung cấp vài thông tin về Đám mây tinh vân Oort, thì để nói nhiều hơn, các nhà khoa học cần đến nhiều hơn hai điểm dữ liệu. Thiết bị thế hệ mới như Kính Viễn Vọng Subaru ở Hawaii và Kính viễn vọng Quan sát bao quát cự đại ( Large Synoptic Survey Telescope) ở Chile có thể đang nắm giữ các câu trả lời.
Bài gốc được đăng trên The Conversation. Đọc bản gốc tại đây.
Chú thích của người dịch:
(1) Vành đai Kuiper còn gọi là vành đai Edgeworth–Kuiper, chứa các khối thể nhỏ và tàn tích từ quá trình hình thành hệ Măt trời, với quỹ đạo gần với mặt phẳng Hoàng Đạo. Một vài hành tinh trong vành đai này có thành phần kim loại và đá, còn phần lớn là hợp phần của băng (khí đóng băng dễ bốc hơi như: Mê-tan, a-mô-ni-ắc,..). Vành đai Kuiper nguyên thủy có 3 vật thể chính là Diêm Vương tinh, hành tinh lùn Haumea và hành tinh lùn Makemake. Ngoài ta một số vệ tinh của Hệ Mặt Trời như Triton của Hải Vương tinh, Phoebe của Sao Thổ đều được cho là có nguồn gốc từ vành đai này. Xem thêm tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Kuiper_belt và đây)
(2) Quỹ đạo của Sao Diêm Vương khác với các hành tinh khác do có độ nghiêng quỹ đạo >17° so với mặt phẳng Hoàng Đạo, điểm cận nhật và điểm viễn nhật chênh lệch lớn. (Xem thêm tại đây)
(3) Vật thể Plutino là những vật thể thuộc vành đai Kuiper, những vật thể này chịu cộng hưởng quỹ đạo 2:3 với Hải Vương tinh (Xem thêm tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Plutino và đây)
(4) Đám mây Oort là một đám mây bụi khí, sao chổi và vẩn thạch khổng lồ, có tên chính xác là Đám mây tinh vân Oort, bao quanh Hệ Mặt Trời với đường kính 1 năm ánh sáng. Nó gồm có hai phần: đám mây phía trong và đám mây phía ngoài cách mặt trời khoảng 30.000 đến 50.000 đơn vị thiên văn. Theo giả thuyết, cácsao chổi được hình thành tại đây, và 50% số sao chổi trong Hệ Mặt Trời được tạo thành từ đám mây phía trong…(xem thêm tại đây)
Dịch Việt ngữ bởi: Việt Nguyên
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.