Tinh Hoa

“Khẩu mật phúc kiếm” – Miệng mật ngọt dạ gươm đao

Thành ngữ “Khẩu mật phúc kiếm” – Miệng mật ngọt dạ gươm đao, dựa trên một câu chuyện được chép lại trong cuốn Tư trị thông giám được biên soạn bởi Tư Mã Quang (1019 – 1086) triều nhà Tống.

Vào triều vua Đường Huyền Tông (685-762), Lý Lâm Phủ là một vị quan Binh bộ Thượng thư kiêm Trung thư lệnh (tương đương với chức vị Tể tướng), tuy là một người có tài năng về thư pháp và hội họa, nhưng lại rất nổi tiếng về sự hiểm trá giảo hoạt phi thường.

Để xu nịnh nhà vua, ông ta mua chuộc những người hầu cận, hòng biết được tâm ý của hoàng đế. Thế là Đường Huyền Tông càng ngày càng sủng ái và tín nhiệm Lý.

Đối với quan viên trong triều, Lý Lâm Phủ dùng những lời lẽ nhẹ nhàng ngon ngọt, nhằm tạo ra hảo cảm và thân thiện đối với mọi người. Nhiều người đã bị mê hoặc bởi những biểu hiện ngụy thiện của Lý và bị Lý hãm hại sau lưng.

Một lần, có một vị quan đã bất chấp lời của Lý Lâm Phủ mà can gián vua Huyền Tông. Bề ngoài thì Lý chẳng có biểu hiện gì, nhưng lại âm thầm bày mưu hãm hại.

Ngày kia, Lý giả vờ thành khẩn nói với vị đồng liêu kia rằng Hoa Sơn có một mỏ vàng sản lượng lớn, nếu khai thác được thì có thể tăng thêm tài sản cho nước nhà. Vị quan kia lại tưởng rằng đây là lời thực lòng, bèn ngay lập tức kiến nghị hoàng thượng mau khai thác.

Huyền Tông vừa nghe rất vui mừng, bèn ngay lập tức tìm Lý để bàn bạc. Lý lại lộ vẻ lo lắng tâu rằng Hoa Sơn là nơi tập trung phong thủy của Đế Vương, làm sao có thể khai thác tùy tiện được. Ông ta hỏi: “Ai đã đề xuất chuyện gây tổn hại đến bệ hạ vậy?”

Huyền Tông đã tin lời Lý Lâm Phủ, còn cho rằng ông ta là thần tử trung quân ái quốc, ngược lại sau đó đã thuyên chuyển vị quan kia đến một vùng hẻo lánh xa xôi. Dựa vào bản lĩnh đặc thù này mà Lý Lâm Phủ đã làm Tể tướng trong suốt 19 năm.

Sau này, Tư Mã Quang đã bình luận Lý Lâm Phủ là “khẩu mật phúc kiếm”, quả thật rất xác đáng. Thành ngữ này cùng với ‘khẩu phật tâm xà’, ‘khẩu thị tâm phi’, ‘tâm trực khẩu khoái’, ‘tâm khẩu như nhất’ được dùng để mô tả một cá nhân ngoài miệng thì nói những lời mật ngọt, nhưng trong lòng thì mang đầy mưu mô xảo trá.

Dân gian Việt Nam cũng có những câu thành ngữ tương tự, chẳng hạn như ‘miệng nam mô, bụng bồ dao găm’ hay ‘miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm’. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mô tả nhân vật Hoạn Thư là

“Bề ngoài thơn thớt nói cười

Mà trong nham hiểm giết người không dao”
 

Dịch Việt ngữ bởi: Nam Hoàng
Theo Đại Kỷ Nguyên