Trong văn hóa Trung Hoa truyền thống, rồng chiếm một vị trí nổi bật và được coi là một biểu tượng tốt lành. Các học viên Pháp Luân Công đang biểu diễn một tiết mục múa rồng tại thủ đô Washington ngày 4 tháng Bảy năm 2013. (Epoch Times)
Theo truyền thống, vào ngày thứ hai của tháng Hai âm lịch người ta lại tổ chức Lễ hội Trung Hòa, hay còn gọi là ngày “Rồng ngẩng đầu” (Long đài đầu).
Phong tục của người Trung Hoa cho rằng hàng năm cứ vào ngày này, Long Vương lại ngẩng đầu, cho mưa xuống và gọi mùa xuân về.
Trong văn hóa cổ Trung Hoa, rồng chiếm một vị trí nổi bật và được coi là một biểu tượng tốt lành. Người ta coi rồng là vị thần cai quản việc mưa và gió. Rồng ngẩng đầu có nghĩa là trời sẽ có mây, và mưa sẽ đến. Nếu rồng không ngẩng đầu, kết quả là sẽ không có trận mưa nào.
Côn trùng thức giấc
Ngày long đài đầu thường trùng với một ngày dương lịch gọi là ngày “Côn trùng thức giấc”. Khi mặt đất ấm dần lên, các loài côn trùng tỉnh dậy khỏi giấc ngủ đông, cũng là thời điểm mà bệnh tật có thể phát tán.
Theo truyền thống xưa, người ta nên “cấy cày vào ngày này vì đây là lúc địa khí bắt đầu khai thông và tiết Xuân phân tràn về.”
Để khuyến khích quần chúng nhanh chóng tham gia cày cấy dịp xuân, các hoàng đế vào thời khai thủy của triều nhà Thanh và nhà Minh thường hay tự tay cày đất.
Bức họa nổi tiếng có tên “Hoàng đế đi cày” mô tả quang cảnh hoàng đế bận rộn với việc cày cấy, bên cạnh là vị thừa tướng mang theo chiếc giỏ và hạt giống cây. Vị quan huyện đang dắt một con bò và ở phía xa là Hoàng hậu cùng các nữ quan mang thực phẩm đến.
Từ thời cổ đại, rồng đã được coi là vua của các loài côn trùng có vảy. Khi rồng đi lại, mọi loài côn trùng phải lẩn trốn. Do đó mà người dân thờ phụng thần rồng, dâng đồ cúng tế, cầu mưa, xua đuổi sâu bệnh và mong một mùa màng tốt tươi.
Chòm sao Thanh Long
Vào đêm thứ hai của tháng Hai âm lịch hàng năm, chòm sao Thương Long hay còn gọi là chòm Thanh Long bắt đầu xuất hiện ở chân trời phía Đông, hiện ra chiếc sừng rồng.
Khoảng một giờ sau, chòm sao nhích lên khỏi chân trời, lộ ra chiếc cổ rồng.
Đến nửa đêm, móng vuốt rồng xuất hiện.
Đây là trình tự diễn ra hàng năm trên bầu trời đêm vào ngày “Rồng ngẩng đầu.”
Cùng lúc đó, mùa xuân khai mở, mặt đất chuyển màu xanh tươi, và vụ mùa cày cấy bắt đầu.
Hạt đậu vàng
Theo truyền thuyết, khi Hoàng đế Võ Tắc Thiên đoạt ngai vàng, Ngọc Hoàng Thượng đế đã rất phẫn nộ. Để trừng phạt, ông cấm bốn vị Long Vương không được cho mưa xuống trong vòng ba năm.
Tuy nhiên, một trong số họ là Ngọc Long, nghe tin dân chúng đang chết đói, ông đã từ chối thi hành mệnh lệnh và lén cho trận mưa lớn. Sau khi biết chuyện, Ngọc Hoàng trục xuất Ngọc Long khỏi thiên giới và đày ông xuống một ngọn núi lớn. Một tấm bia đã được dựng ở dưới chân núi viết rằng: “Không trở lại thiên đình cho tới khi đậu vàng nở hoa.”
Để cứu Ngọc Long, người dân tìm kiếm hoa đậu vàng khắp nơi. Vào ngày thứ hai của tháng Hai âm lịch năm sau, trong khi người dân phơi hạt ngô, họ nhận thấy chúng trông giống như hạt đậu vàng. Thế là các gia đình cùng làm bỏng ngô và thắp hương ở sân để trình cho Ngọc Long và Ngọc Hoàng chứng kiến hạt đậu vàng đã nở hoa.
Ngọc Hoàng triệu hồi Ngọc Long trở về thiên thượng, từ đó mỗi năm, cứ vào ngày này, người dân ăn bỏng ngô để tưởng nhớ lại sự kiện.
Lễ hội
Ở các vùng khác nhau, mọi người chuẩn bị các loại thực phẩm khác nhau liên quan tới các loại rồng và tổ chức Lễ hội Trung Hòa với bạn bè người thân.
Bên cạnh thờ phụng rồng thần, một loạt các nghi lễ – bao gồm điệu long vũ trên phố – được biểu diễn nhằm xua đuổi ma quỷ, cầu may, và mời gọi một mùa màng bội thu.
Những mảnh vải sặc sỡ được cắt thành những ô vuông hoặc ô tròn nhỏ để ghép vào những vòng hoa trang trí cho mũ và quần áo của trẻ em. Chúng được gọi là “phục trang áo đuôi rồng,” nhằm xua đuổi điềm xấu và tà linh.
Bài viết tiếng Anh bởi Christine Ford và Gisela Sommer.
Dịch Việt ngữ bởi: Việt Nguyên
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.