Tinh Hoa

Các phong tục trong Lễ hội Đèn Lồng Trung Quốc: Một góc nhìn cận cảnh


Nhân dịp Tiết Nguyên Tiêu, kính chúc quý độc giả một năm mới hạnh phúc và tươi vui (Cindy Sheu, Epoch Times)

Lễ hội Đèn Lồng (Lantern Festival) là một trong năm lễ hội truyền thống quan trọng nhất ở Trung Quốc. Diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm, Lễ hội này đưa niềm hân hoan trong dịp Năm Mới lên đến đỉnh điểm, đồng thời đánh dấu kết thúc những hoạt động lễ hội trong dịp Năm Mới.

Lễ hội Đèn Lồng, còn gọi là Tiết Nguyên Tiêu (元宵節) trong tiếng Trung Quốc, có rất nhiều xuất xứ. Hầu hết các truyền thuyết về nguồn gốc của lễ hội này có từ triều đại nhà Hán (206 trước công nguyên – 220 sau công nguyên). Vì văn hóa truyền thống Trung Hoa gắn liền với sự kính ngưỡng đất trời, Lễ hội Đèn Lồng cũng liên quan đến tôn giáo và các sự tích.

Tại Trung Quốc, có nhiều cách để ăn mừng lễ hội này. Tuy nhiên, đèn lồng và bánh nguyên tiêu là hai thứ phổ biến nhất trong ngày này, do đó chúng trở thành những biểu tượng của lễ hội.

Ăn bánh nguyên tiêu

Trong triều đại nhà Tống (960 – 1279 sau công nguyên), ăn bánh nguyên tiêu trở thành một phong tục quan trọng trong Lễ hội Đèn Lồng.

Nguyên tiêu, còn được gọi là thang viên, là một loại bánh viên tròn nhỏ làm từ bột gạo nếp hoặc bột mỳ có nhân bên trong. Nguyên tiêu có thể được nấu nước, rán, hoặc hấp. Hình tròn của bánh tượng trưng cho sự đoàn viên gia đình.

Vào thời xưa, nguyên tiêu thường có nhân đường, quả óc chó, vừng, cánh hoa hồng, vỏ quít ngâm đường, bột nhồi đậu đỏ, chà là, bột nhồi hạt sen, hoặc là hoa quả khô. Có thể sử dụng một trong số các thành phần kể trên hoặc kết hợp chúng với nhau. Ngày nay, có thêm biến thể mặn được làm từ thịt băm, rau hoặc là trộn lẫn cả hai thứ.

Phương pháp ở miền nam Trung Quốc là nhào bột gạo rồi viên tròn, làm một cái lỗ, nhét nhân vào trong và sau đó làm mịn bề mặt bằng cách lăn tròn trong tay.

Tại miền bắc Trung Quốc, thông thường là nhồi nhân ngọt (không có thịt). Nhân được ấn vào ruột đặc, ngâm sơ vào nước rồi lăn tròn trên một cái rổ phẳng có chứa bột nếp khô. Như thế lõi bánh được cuộn từng lớp từng lớp, giống như tạo thành hòn tuyết, cho đến khi viên bánh có được kích cỡ như mong muốn.

Mặc dù các kiểu bánh nguyên tiêu là khác nhau tùy theo từng vùng, đối với người Hoa, ăn bánh nguyên tiêu trong buổi sum họp gia đình đầm ấm là tập tục quan trọng nhất trong ngày này.

Bánh Nguyên Tiêu thơm ngon, tượng trưng cho sự đoàn viên gia đình (Fan Wang, Epoch Times)

Thưởng thức đèn lồng rực rỡ

Tương truyền rằng vị hoàng đế thứ hai của triều đại Đông Hán (25 – 220 sau công nguyên), Minh Đế, là một người sùng kính đạo Phật. Ông là người đã tạo nên phong tục tổ chức Lễ hội Đèn lồng vào ngày rằm tháng Giêng.

Minh Đế lên ngôi vào năm 57 sau công nguyên và trị vì trong 19 năm. Khi ông biết rằng các nhà sư ở Ấn Độ sẽ tụ họp để thờ cúng di vật của một vị Phật vào ngày rằm tháng Giêng, Minh Đế quyết định lấy đó làm ngày lành để thờ cúng Phật. Ông tổ chức nghi lễ “Phật khai ngộ” trong cung điện vào ban đêm với nhiều đèn lồng thắp sáng. Nó rất lộng lẫy. Đầu tiên các chùa ở Trung Quốc làm theo, và sau đó nó được truyền bá đến thường dân.

Trong những triều đại sau này, khi mà Phật giáo và Đạo giáo ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn hơn, tập tục “khai ngộ” vào ngày rằm tháng Giêng dần dần được phổ biến rộng khắp Trung Quốc.

Những đèn lồng truyền thống rất lớn và sặc sỡ, thường có hình dạng giống như kiến trúc cổ đại Trung Hoa hay có hình cầu. Khung đèn thường được làm từ tre, bên ngoài được phủ bởi giấy màu hoặc lụa.

Thời hiện đại, đèn được làm từ vải plastic bọc khung dây. Có thể thấy đèn lồng hoạt hình, đèn lồng gương, và đèn lồng bóng điện lẫn với các đèn lồng cổ điển.

Các công viên đèn lồng được xây dựng khắp Trung Quốc chỉ để phục vụ lễ hội này. Người dân có thể thưởng thức những hoạt động nghệ thuật diễn ra vào ban ngày và những chiếc đèn lồng được thắp sáng chói lọi rực rỡ vào ban đêm. Cảnh tượng tuyệt diệu đến nỗi người dân sẽ ra ngoài chỉ để thưởng thức đèn lồng hoặc tham gia giải đáp các câu đố đèn lồng cùng với gia đình hoặc bè bạn.

Ánh đèn lồng rực rỡ trong dịp Tiết Nguyên Tiêu (Sherry Hsiao, Epoch Times)

Giải câu đố

Các câu đố được viết trực tiếp trên các đèn lồng. Trong suốt lễ hội, người tham gia có thể đoán câu trả lời từ một ký tự, một bài thơ, hay một cụm từ. Câu đố thường bao gồm 3 phần: Câu hỏi, một gợi ý (là người, là vật, là ký tự, hoặc là một suy luận), và câu trả lời.

Để giải được câu đố, bạn phải suy nghĩ hàm nghĩa sâu xa của từng ký tự hoặc từng từ trong câu đố. Người giải được nhiều câu đố nhất được trọng vọng là người có kiến thức nhất năm đó hoặc khu vực đó.

Một số ví dụ:

Câu đố: Một số anh em ngồi quanh một cái trục. Khi họ bị chia cắt, áo quần sẽ bị rách.

Gợi ý: Là một vật

Trả lời: Củ tỏi

 

Câu đố: Nhà nào có nhiều truyện nhất?

Gợi ý: Là một vật

Trả lời: Thư viện

 

Câu đố: Cái gì nhanh hơn, nóng hay lạnh?

Gợi ý: Là một suy luận

Trả lời: Nóng, bởi vì bạn nóng sốt, vậy là bạn mắc cảm lạnh.

(Nguyên văn:

Riddle: Which is faster, hot or cold?

Answer: Hot, because you are hot and you can catch a cold.

Chơi chữ: catch a cold)

Trong một buổi lễ truyền thống, đầy ắp tiếng cười và sự tán thưởng trong sự kiện thường niên này.

Các hình thức ăn mừng khác

Cùng với bánh nguyên tiêu thơm ngon và giải đố cùng những chiếc đèn lồng đầy màu sắc, có những hoạt động vui chơi khác nhau ở những khu vực khác nhau của Trung Quốc

Đốt pháo hoa

Pháo hoa là một phần rất quan trọng trong dịp lễ này hay những dịp khác ở những cộng đồng Trung Quốc khắp thế giới. Đốt pháo nhỏ, chủ yếu tạo ra những âm thanh lách tách, được cho là có thể xua đuổi xui xẻo.

Múa rồng

Người Trung Quốc xem rồng là một loài vật linh thiêng. Qua hơn 2000 năm, múa rồng đã trở thành một hình thức múa truyền thống và giờ đây đã trở thành một sự kiện thường thấy trong Lễ hội Đèn Lồng Trung Quốc. Nó được biểu diễn bởi một nhóm người thể hiện đồng bộ từng phần của một con rồng, từ đầu đến chân.

Múa sư tử

Múa sư tử là một hình thức múa truyền thống khác trong văn hóa Trung Hoa. Trong loại múa này, hai người biểu diễn mặc trang phục hóa trang, bắt chước chuyển động của sư tử. Thông thường múa sư tử đi cùng với nhào lộn và leo dây.

Viết chữ

Một số người viết chữ đẹp trong làng sẽ trình diễn kỹ năng bậc cao của họ bằng cách viết những câu đố đèn lồng hoặc vẽ tranh trong suốt Lễ hội Đèn Lồng.

Múa rối

Múa rối biểu diễn những con rối gỗ và hình thức nghệ thuật này có nguồn gốc từ thời cổ đại. Những con rối được gắn vào que, rối dây, và rối tay được sử dụng trong buổi biểu diễn này khiến trẻ em rất thích thú.

Múa rối bóng

Múa rối bóng sử dụng những hình rối được cắt tỉa, sau đó sử dụng ánh sáng để chiếu bóng hình lên tấm màn trong mờ. Có thể tạo ra nhiều hiệu ứng bằng cách di chuyển cả những con rối và nguồn sáng. Đây là một hình thức kể chuyện và giải trí từ thời cổ đại.

Thoát khỏi 100 loại bệnh

Có những nhóm phụ nữ Trung Quốc, đặc biệt là ở Đài Loan, đi du lịch vào đêm Lễ hội Đèn Lồng. Họ đi đến các thành phố hoặc đi về nông thôn, ngắm cảnh phố phường hoặc đi lên chùa. Người ta tin rằng đi ra ngoài dạo chơi đâu đó sẽ xua đuổi tật bệnh và giữ được sức khỏe trong suốt năm.

Lễ hội đèn lồng được xem là lễ hội có tính giải trí và nhộn nhịp nhất tại Trung Quốc. Mọi người thường tham gia ở một chừng mực nào đó và nhiều bài thơ nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa đã góp phần vào lịch sử truyền thống của lễ hội này.

Trong khi những phong tục trong Lễ hội Đèn Lồng đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua, thưởng thức đèn lồng và ăn bánh nguyên tiêu vẫn còn là nghi lễ thịnh hành nhất đối với người Hoa trên khắp thế giới.

Theo Việt Đại Kỷ Nguyên