Tinh Hoa

Những chú ngựa đáng khâm phục của các anh hùng Trung Hoa

Ngựa thể hiện sự kiêu dũng và phẩm cách cao quý; trong suốt chiều dài lịch sử, chúng luôn được xem là bạn tốt của con người. Không chỉ có những danh nhân trong lịch sử Trung Hoa, tính anh hùng, sức mạnh và lòng trung thành của ngựa cũng được ngợi ca trong sử sách và trong văn học Trung Hoa.

Nghìn ngựa sải bước

Ngựa Ô Truy

Hạng Vũ (232-202 trước công nguyên) là một chiến tướng cự phách của nước Sở, hiệu xưng là Tây Sở Bá Vương. Ông là một trong những người góp công lớn trong liên minh đánh đổ triều đại nhà Tần (259 -210 trước công nguyên). Sau khi nhà Tần bạo ngược sụp đổ, ông là người cai trị phần lớn lãnh thổ.

Hạng Vũ có một chiến mã tên gọi là Ô Truy, đã cùng ông xông pha trăm trận, vào sinh ra tử. Ông xem Ô Truy như một người bạn lớn. Đêm trước cuộc chiến cuối cùng ở thành Cai Hạ, nơi ông một mình trong vòng vây của hàng nghìn vạn quân Hán, ông đã lệnh cho quân sỹ tháo cương và đưa chiến mã Ô Truy quay về nhà bằng phà. Tuy nhiên, Ô Truy đã hí vang và nhất quyết không chịu rời đi.

Cảm khái bởi tiếng hí của ngựa Ô Truy, Hạng Vũ đã ngâm bài “Cai Hạ ca”, sau này đã trở thành rất nổi tiếng

Lực bạt sơn hề, khí cái thế,

Thời bất lợi hề, Truy bất thệ

Truy bất thệ hề khả nại hà,

Ngu hề, Ngu hề nại nhược hà.

Tạm dịch

Sức ta dời núi, khí khái nhất đời,

Thời thế bất lợi, Ô Truy không chùn bước

Ô Truy không chùn bước, biết làm sao đây?

Ngu Cơ ơi, Ngu Cơ ơi, biết làm sao đây?

Bạch mã Đích Lư

Lưu Bị (161-223 sau công nguyên) là người dựng lập nên nước Thục Hán trong thời Tam Quốc. Ông đã trải qua rất nhiều gian khó mới có thể dựng lập vương quốc của mình.

Bên cạnh những người em kết nghĩa và những thuộc hạ trung thành, Lưu Bị còn có một con bạch mã nên là Đích Lư. Khoái Việt, một người biết coi tướng ngựa thời đó, đã nói con ngựa này tuy là thiên lý mã nhưng dưới mắt có một cái vũng chứa lệ, trên trán lại có một điểm trắng, là giống Đích Lư hại chủ. Tuy nhiên Lưu Bị cho rằng sống chết là tại mệnh trời, đâu phải do một con ngựa có thể hại nổi, nên vẫn tin dùng.

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, khi Lưu Bị bị Thái phu nhân bày mưu hãm hại, phải cưỡi ngựa bỏ trốn, đã gặp một con suối nhỏ tên gọi Ðàn Khê chắn ngang, sau lưng có thủ hạ của Thái phu nhân là Thái Mạo đuổi gấp. Lưu Bị túng thế đành thúc ngựa lội xuống nước, nhưng chỉ được vài bước thì Đích Lư sa lầy không đi được nữa. Phía sau tiếng quân reo ngựa hí đã đuổi gần tới. Lưu Bị tuyệt vọng khóc than giống ngựa hại chủ. Tiếng than vừa dứt, bỗng Ðích Lư vươn cổ hí lớn, cất mình bay vọt sang bên kia bờ Ðàn Khê, cứu ông thoát nạn.

Ngựa Xích Thố

Quan Vũ (mất năm 219 sau công nguyên) là một vị tướng, cũng là em kết nghĩa, của Lưu Bị. Ông là người đứng đầu Ngũ Hổ tướng, góp công lớn trong việc thành lập nhà Thục Hán. Suốt đời mình, ông luôn trung thành với lời thệ ước cùng những người anh em kết nghĩa. Người đời sau tôn thờ, gọi ông là Quan Công, là vị chiến thần tượng trưng cho sự trung nghĩa.

Quan Vũ có một con thần mã màu đỏ rực lửa tên là Xích Thố, rất trung thành với ông.

Sau khi Quan Vũ và Lưu Bị bị chia cắt, vì bảo vệ thê tử của anh mình nên Quan Vũ đành phải xin hàng Tào Tháo trong khi nghe ngóng tin tức về Lưu Bị. Trong trận Bạch Mã, sau khi lập chiến công, ông được Tào Tháo ban tặng ngựa Xích Thố. Sau này khi biết tin về Lưu Bị, ông lập tức trao trả ấn tín, hộ tống hai chị dâu đi tìm Lưu Bị. Trong hai thập kỷ sau đó, cho đến trước khi tử trận, ông luôn trung thành với vị chúa công Lưu Bị, người anh kết nghĩa của mình.

Năm 219 sau công nguyên, ông bị quân nước Ngô bắt giữ, vì không chịu khuất phục nên ông đã bị hành hình. Sau khi ông mất, Xích Thố không chịu ăn uống và sau đó đã chết theo chủ của mình.

Ngựa Hoàng Phiêu

Tần Quỳnh là một trong những khai quốc công thần phò trợ Đường Thái Tông, sáng lập nên triều đại nhà Đường, được vẽ chân dung ghi nhận trên Lăng Yên Các. Hiện vẫn chưa rõ năm sinh của ông, nhưng được biết ông mất vào năm 638 và được chôn cất bên cạnh mộ của Đường Thái Tông.

Có một câu chuyện nổi tiếng về Tần Quỳnh và chú ngựa quý Hoàng Phiêu của ông. Trong thời gian ông bị đày ải ở biên giới vào cuối đời Tùy, ông trở nên nghèo khó đến nỗi không có tiền để trang trải việc ăn ngủ. Khốn cùng, không còn cách nào khác, ông đành phải bán ngựa. Trước lúc rời xa, người ngựa buồn tủi, Hoàng Phiêu ghìm chặt không chịu rời đi. Đột nhiên có một ông lão đi qua, nhìn thấy cảnh ấy, bèn khuyên Tần Quỳnh bán ngựa lại cho Đan Thông, người cũng đang mong tìm ngựa quý.

Không nói rõ danh tính, Tần Quỳnh đã bán ngựa cho Đan Thông và bỏ đi. Tuy nhiên, một trong những hào kiệt đến làm khách tại nhà Đan Thông đã nhận ra Tần Quỳnh và nói lại với Đan Thông. Nghe thấy vị anh hùng Tần Quỳnh đã bán ngựa, Đan Thông vội đuổi theo. Ông không những trao trả ngựa quý cho Tần Quỳnh mà còn giúp anh vượt qua lúc nguy khó.

Trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, nhiều vị anh hùng đã được vinh danh, và cũng có nhiều chiến mã đã được ngợi ca bởi sự trung thành, can đảm và bền bỉ. Chúng không chỉ được lưu truyền trong sử sách, mà còn được hình tượng hóa trong các tác phẩm văn học, nhạc kịch, và điện ảnh.

Theo Việt Đại Kỷ Nguyên