Bị chôn sống dưới đáy Đại Tây Dương suốt 3 ngày, trong một con tàu đã bị lật úp, Harrison Odjegba Okene chỉ còn biết cầu xin Thượng đế rủ lòng thương.
Và phép lạ đã xuất hiện khi người đầu bếp gốc Nigeria này được giải cứu, sau 3 ngày sống sót nhờ một túi không khí kẹt lại trong con tàu.
“Anh ấy còn sống”
Tuần này, một đoạn video mô tả hoạt động giải cứu Okene hồi tháng 5 vừa qua đã được tải lên mạng Internet và thu hút đông đảo người xem. Tới ngày hôm nay, Okene vẫn tin việc mình được giải cứu sau 72 giờ mắc kẹt ở độ sâu 30 mét dưới nước giống như một sự giải thoát thần kỳ, nhất là khi 11 thủy thủ khác trên tàu kéo Jascon 4 đều đã tử nạn.
Theo Tony Walker, Giám đốc dự án của Công ty DCN Diving đã điều tàu tới hiện trường ứng cứu tàu Jascon 4, các thợ lặn dưới quyền ông chỉ tìm thấy xác người.
Họ đã vớt được 4 thi thể, khi một bàn tay xuất hiện trên màn hình TV đặt trong phòng chỉ huy mà Walker đang theo dõi, Walker và những người quanh ông nghĩ rằng lại có thêm một thi thể nữa.
“Người thợ lặn xác nhận việc có thấy một bàn tay. Khi anh ấy tóm lấy bàn tay, nó đã tóm ngược lại anh ấy” – Walker nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại của hãng tin AP – “Trải nghiệm khá kinh hoàng với tất cả mọi người liên quan. Với anh chàng bị mắc kẹt, sự kinh hoàng là vì anh ấy không biết chuyện gì đang xảy ra. Với người thợ lặn, đó là cảm giác sốc vì anh ấy đang ở dưới đó để tìm xác người. Còn chúng tôi trong phòng chỉ huy đều giật nảy mình khi màn hình chiếu cảnh bàn tay nắm lấy anh ấy”.
Sau giây phút kinh hãi, những người cứu hộ Okene đã không khỏi vui mừng lúc họ nhận ra thực tế. Okene nhớ rằng đã nghe thấy tiếng nói: “Có người sống sót! Anh ấy còn sống”.
|
Sự cố kinh hoàng
Theo Walker, Okene có thể không chịu đựng được lâu nếu không được giải cứu khi đó. “Anh ấy thật vô cùng may mắn khi ở trong một túi khí kẹt lại tàu, nhưng anh ấy cũng chỉ có một khoảng thời gian hạn chế trước khi ngạt thở” – ông nói.
Đoạn video giải cứu do các thợ lặn ghi hình đã được DCN Diving công bố, sau đề nghị từ hãng tin AP. Ban đầu chỉ có một phiên bản tương đối ngắn của cuộc giải cứu xuất hiện trên Internet.
Nội dung đoạn video sau đó được xác thực qua các cuộc đối thoại giữa AP với nhân viên DCN Diving ở Hà Lan. Đoạn video cho thấy hình ảnh của Okene giống với các bức hình khác chụp lại lúc anh đang ngồi trên tàu cứu hộ. AP cũng đã liên lạc với Okene và anh xác nhận các sự kiện đã xảy ra.
Theo lời thủy thủ này, thảm kịch bắt đầu vào lúc 4h30 sáng ngày 26/5. Do dậy sớm nên Okene đã ở trong nhà vệ sinh khi Jascon 4, 1 trong 3 con tàu đang kéo một tàu chở dầu ở vùng biển gần Nigeria, đột nhiên lắc lư rồi lật úp về một bên.
|
“Tôi bị choáng và khung cảnh xung quanh tối mịt khi tôi bị xô từ góc này sang góc khác” – Okene nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nation của Nigeria.
Anh đã cố thoát ra khỏi nhà vệ sinh và tìm được một ống thông khí. Anh lấy được mấy món công cụ, 1 chiếc áo phao với 2 chiếc đèn pin. Rồi khi tìm thấy khoang lái của con tàu, lúc này đã bị lật úp và chìm xuống nước, anh bắt đầu chờ đợi trong khung cảnh bóng tối bao trùm và nhiệt độ mỗi lúc một lạnh hơn.
Thời gian chờ đợi, Okene đã tua lại “băng video tinh thần” cuộc đời mình, nhớ về mẹ đẻ, bạn bè. Phần lớn thời gian Okene nghĩ về người vợ anh đã kết hôn cách đây 5 năm và chưa có con với cô.
Rồi anh lo lắng cho các cộng sự, gồm 10 người Nigeria và viên thuyền trưởng người Ukraina. Ngoài ra còn có 4 thuyền viên trẻ tới từ Học viện Hàng hải Nigeria. Họ có thể đã khóa mình trong phòng, một quy trình bình thường khi hoạt động ở các khu vực nhiều cướp biển, và như thế sẽ khó thoát nạn.
Nỗ lực giành lấy sự sống
Anh đã lo lắng khi nghe thấy âm thanh của những con cá lớn, có thể là cá mập, đang ăn và giành nhau thứ gì đó rất to. Khi nước bắt đầu dâng lên, anh đã đặt 1 giá đựng đồng ở dưới chân mình, đặt lên 2 tấm đệm lớn rồi ngồi lên trên và cầu nguyện.
Okene chỉ sống sót bằng 1 chai nước ngọt Coke. Anh đã thực sự nghĩ rằng mình sẽ chết, khi tiếng động cơ xuồng máy vang lên, tiếp đó là tiếng thả neo. Nhưng anh đã không thể tạo được sự chú ý cần thiết với các thợ lặn. Okene phỏng đoán rằng do con tàu kéo quá lớn, sẽ phải cần tới một phép lạ để các thợ lặn nhận thấy sự có mặt của mình.
Vì thế anh bắt đầu loay hoay trong khoang lái, lột sạch những gì bên trong cho tới khi thấy phần thành khoang làm từ thép và rồi dùng một cái búa gõ vào đó.
Mặc dù các thợ lặn không nghe thấy tiếng gõ búa, Okene vẫn được cứu sống nhờ sự kiện kể trên. Người thợ lặn đầu tiên tiếp xúc với Okene đã dùng nước nóng để làm ấm cơ thể anh rồi đeo bình oxy cho anh. Ngay khi thoát khỏi con tàu đắm, anh được đưa vào phòng điều hòa áp suất, trước khi trở lại bờ an toàn, trong sự vui sướng khôn tả của thân nhân.
Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa