Tinh Hoa

Sức Mạnh Của Lòng Nhân Từ

Dùng đức hạnh và lòng nhân từ để chỉ dạy người khác có thể khuyến khích họ trở thành người tốt. (Catherine Yeulet/Photos.com)

Thượng đế ban cho nhân loại một thứ gọi là đạo đức hay lương tâm. Đó là phần tốt đẹp nhất của con người. Nó cho phép chúng ta sống với một trái tim nhân hậu và không ngừng nâng cao đạo đức – điều quan trọng nhất cho mọi người vươn tới.

Một người đàn ông tốt là người ham đọc sách và làm nhiều việc tốt. Anh ta cũng phát triển lòng nhân từ và khuyến khích người khác trở thành người tốt.

Anh ta cũng có thể lay chuyển và giúp đỡ những người khác nhận ra tầm quan trọng của lòng nhân ái, và do đó mang lại hòa bình và thịnh vượng cho thế giới theo Thiên ý. Ngạn ngữ xưa nói rằng: “Người đàn ông tốt là người đối xử với người khác một cách nhân từ”.

Người xưa có rất nhiều câu chuyện răn dạy con cháu. Một trong số đó là câu chuyện về một người đàn ông tên Ngô Thiên Kim sống vào thời nhà Minh (1368-1644)

Ngô là một người luyện võ, mạnh mẽ và hiếu thắng. Nếu ai đó vượt lên trên anh ta thì ngay lập tức anh ta sẽ trả đũa bằng nắm đấm. Ngô cướp đoạt tài sản và tiền bạc của người khác theo ý thích và mọi người đều sợ anh ta.

Vào một ngày trời nóng, Ngô đến một gò đất cao để hóng gió, đã có nhiều người ở đó. Khi nhìn thấy Ngô, tất cả mọi người đều sợ hãi và tránh xa, trừ một cụ già.

Ngô nói với cụ già bằng giọng đe dọa, “Mọi người đều tránh ra. Chỉ có ông là không. Ông không nghĩ rằng võ nghệ của tôi rất cao cường?”

Lời khuyên tốt bụng

“Anh đang mất đi nhiều thứ và anh không nhận ra sai lầm của mình,” cụ già trả lời.

“Cha mẹ của anh nuôi dạy anh, hy vọng anh sẽ trở thành người tốt có thể mang lại lợi ích cho đất nước. Nhưng là một người võ nghệ cao cường, anh không nghĩ gì đến việc xây dựng đất nước. Không những thế, anh dường như đã tự từ bỏ vị trí cao quý đáng có của mình để trở thành một kẻ côn đồ. Đất nước mất đi một tài năng. Thật là đáng tiếc!”

Ngô cảm thấy rất xấu hổ. Anh ta vừa khóc vừa nói “Ai cũng nói tôi là một người xấu, vì vậy tôi cũng cứ nghĩ là mình xấu. Những lời tốt đẹp của cụ ngày hôm nay giống như tiếng chuông buổi sớm mai, tiếng trống ban tối, đột nhiên thức tỉnh tôi.”

“Nhưng tôi là một kẻ xấu xa quá lâu rồi. Như mặt trăng bị che mờ, rất khó để quay trở lại, cho dù tôi muốn sửa chữa lỗi lầm của mình, liệu tôi có thể trở thành một người đàn ông tốt?”

Cụ già trả lời, “Nếu anh thật sự thay đổi từ tâm can và quyết tâm rèn luyện để trở thành một người tốt, thì lẽ nào anh lại không thể thành công?”

Kể từ đó, Ngô Thiên Kim thay đổi cách cư xử. Anh ta bắt đầu phục vụ cho đất nước và sau đó trở thành Phó Thống Soái quân đội. Ngô được kính trọng và ca ngợi cho những đóng góp trong quân đội và lòng yêu thương dân chúng.

Lay động nhân tâm

Có câu ngạn ngữ cổ rằng: “Con người ta không ai tránh khỏi sai lầm, nhưng quan trọng hơn là biết sửa sai”.

Khi ai đó dùng đức hạnh để khuyên bảo và dùng lòng nhân từ để đem lại thay đổi, người đó có thể  truyền cảm hứng cho người khác về ý nghĩa thật sự của cuộc sống và những vấn đề đạo đức khác, chẳng hạn như làm thế nào để yêu thương và chăm sóc người khác thay vì chạy theo các ham muốn và lợi ích của bản thân.

Lòng nhân từ có sức mạnh rất lớn, bởi vì nó hiện hữu ở khắp nơi và có thể lay động mỗi con người từ trong sâu thẳm tâm hồn.

Lòng nhân từ có thể dẫn lối cho người khác
trong việc tìm kiếm và tuân theo chân lý, thức tỉnh lương tâm để có những lựa chọn đúng đắn, và quy chính những điều không đúng đắn.

(Theo Clearwisdom)