Hiện nay, nhìn chung thế giới vẫn đang trong trạng thái hòa bình, ổn định và phát triển. Tuy nhiên, những mầm mống của chiến tranh vẫn đang âm ỉ, các cuộc xung đột vũ trang vẫn còn xảy ra nhiều nơi, trong đó, vùng nóng nhất chính là Trung Đông – “tử địa” sinh ra đa số các nhóm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới.
Sự kiện 11/9 có thể coi là ngày đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ khi Ủy ban Quốc gia về vụ Khủng bố tại Hoa Kỳ (Ủy ban 11/9) đã nhận định, 19 tên không tặc tiến hành cuộc tấn công này đều là thành viên của nhóm khủng bố.
Nhân kỷ niệm 12 năm sự kiện ngày 11/9 xảy ra, chúng ta cùng điểm lại một vài tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất trên thế giới.
1. Al-Qaeda
Al-Qaeda là lực lượng vũ trang Hồi giáo do trùm khủng bố khét tiếng Osama Bin Laden thành lập ở Pakistan vào năm 1988 – 1989. Tiêu chí hoạt động của nhóm này là cố gắng thanh lọc sự ảnh hưởng của phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ ra khỏi các quốc gia Hồi giáo, đồng thời thiết lập luật Hồi giáo.
Cờ của Al-Qaeda.
Al-Qaeda theo tiếng Ả Rập có nghĩa là “cơ sở” hay “doanh trại”. Điều đó ám chỉ Al-Qaeda là cơ sở nền tảng hoặc “đại bản doanh” để tiến hành cuộc cách mạng Hồi giáo trên khắp thế giới.
Al-Qaeda đang tìm cách kích động phong trào Jihad (Thánh chiến) trên toàn cầu nhằm lật đổ các chế độ mà Al-Qaeda cho là thối nát và phản Hồi giáo tại nhiều quốc gia Ả Rập và nước Hồi giáo khác. Al-Qaeda muốn thay thế các chế độ nói trên bằng một nhà nước Hồi giáo duy nhất hoặc một đế chế được quản lý chặt chẽ bằng cái gọi là Sharia (Luật Hồi giáo).
Chính vì Mỹ và các nước phương Tây có mối quan hệ với các quốc gia mà Al-Qaeda cho là mục nát, nên nhóm các nước này bị coi là rào cản ngăn chặn Al-Qaeda thực hiện tham vọng. Vậy nên, tổ chức này đã mở hàng loạt các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào phương Tây, không chỉ trên “thánh địa” mà còn ngay trên chính đất nước của “kẻ thứ ba”.
Vụ khủng bố ngày 11/9 làm chấn động toàn nước Mỹ.
Ngoài kỹ thuật quân sự phổ biến, Al-Qaeda còn nổi tiếng với ngón nghề “khét tiếng” đó là “đánh bom cảm tử”. Một trong những cuộc khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ đó là sự kiện ngày 11/9/2001. 2 chiếc máy bay thương mại đã bị chỉnh hướng đâm thẳng vào Tòa tháp đôi của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York. Trong vòng 2 tiếng, cả 2 tòa tháp bị sụp đổ, chỉ còn lại một đống hoang tàn.
Chiếc máy bay thứ 3 bị nhóm không tặc của Al-Qaeda lái đâm vào Tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tại Lầu Năm Góc. Mục tiêu của chiếc thứ 4 là tòa nhà Quốc hội Mỹ nhưng cuối cùng nó lại rơi xuống ở một cánh đồng tại Shanksville, Pennsylvania. Gần 3.000 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương, cả nước Mỹ và thế giới chấn động.
Sau cuộc tấn công trực diện của Al-Qaeda, Mỹ đã phát động cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu và Al-Qaeda trở thành mục tiêu hàng đầu của Mỹ. Al-Qaeda được coi là một trong những phong trào dữ dội, dai dẳng nhất trên thế giới hiện nay. Toàn bộ sức nặng của cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ đứng đầu chủ yếu trực tiếp nhắm đến Al-Qaeda.
Với sự kiện Mỹ tấn công Afghanistan, Al-Qaeda đã mất hầu hết các trại huấn luyện, căn cứ hoạt động và đặc biệt là Bộ tư lệnh của họ tại quốc gia vùng Trung Á này. Hàng nghìn tay súng và nhiều thủ lĩnh Al-Qaeda đã bị tiêu diệt hoặc bắt giam.
Tuy nhiên, cho đến nay, mạng lưới này vẫn chứng tỏ khả năng khi tiếp tục có những đợt tấn công khủng bố mới, đặt tình trạng an ninh thế giới ở mức báo động đỏ.
2. Taliban
Cũng trong khu vực điểm nóng vùng Trung Đông, bên cạnh Al-Qaeda còn có một mối lo ngại mang tên Taliban – phong trào Hồi giáo cực đoan ở Afghanistan. Chế độ Taliban, hay “vương quốc Hồi giáo Afghanistan” thống trị gần như toàn bộ Afghanistan từ 9/1996 – 10/2001. Phong trào này do Mullah Mohammed Omar lãnh đạo, đa số những người tham gia phong trào là người dân tộc Pashtun.
Cờ của Taliban.
Trong lúc nắm quyền, chúng thực thi các luật pháp nghiêm khắc nhất thế giới Hồi giáo và đặc biệt là phụ nữ không có quyền bình đẳng. Phụ nữ ở đây phải chịu nhiều đạo luật khắt khe, vô lý như không được phép làm việc hay học hành sau 8 tuổi, chỉ được học kinh Koran… Nếu vi phạm, họ sẽ bị bắt, xử phạt hoặc hành quyết công khai.
Số phận người phụ nữ ở Afghanistan dưới chế độ của Taliban.
Hình ảnh cô gái Afghanistan xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time.
Sau sự kiện 11/9/2001, Mỹ và các nước đồng minh đã ủng hộ phe kháng chiến Afghanistan tiến hành chiến tranh lật đổ chính quyền Taliban, từ đó, tàn quân Taliban rút vào hoạt động ngầm dưới hình thức khủng bố.
Cùng với “ông bạn hàng xóm” Al-Qaeda, Taliban xem Mỹ và các nước phương Tây là kẻ thù. Họ tích cực đánh bom, khủng bố các căn cứ quân sự, đại sứ quán của những nước này trên lãnh thổ Afghanistan.
Không những thế, hoạt động của tổ chức này còn dần mở rộng ra các nước lân cận như Iraq và Pakistan, liên kết với các tổ chức khủng bố khác để thực hiện âm mưu giành lại chính quyền cũng như đánh đuổi kẻ thù ra khỏi nước.
Trong những năm trở lại đây, nhân dân Afghanistan vẫn chưa được sống yên ổn khi quân khủng bố Taliban liên tục có các hoạt động khủng bố. Theo Liên Hợp Quốc, Taliban chịu trách nhiệm cho khoảng 80% thương vong dân sự ở Afghanistan, ngoài ra, tổ chức này còn mang nhiều tội danh khác như buôn bán người, áp bức phụ nữ.
Nhưng tội ác lớn nhất phải kể đến đó là chiến dịch thảm sát dân thường, những cuộc “thanh lọc sắc tộc” hay nỗ lực chiếm lại các địa bàn đã mất của Taliban khiến hàng chục ngàn người dân vô tội ở Afghanistan phải chết.
Đến nay, Taliban vẫn còn tồn tại, người dân Afghanistan vẫn chưa thể “ăn ngon ngủ yên”. Nhưng các hoạt động chính trị ở Afghanistan gần đây cho thấy, các căng thẳng đang được xoa dịu bởi những đề nghị hòa giải giữa nhà nước cầm quyền và Taliban.
3. Hamas
Hamas là từ viết tắt cho Harakat al-Muqawama al-Islamiyya, có nghĩa là “phong trào kháng chiến Hồi giáo”. Mục tiêu dài hạn của Hamas là thành lập một nhà nước Hồi giáo của người Palestine trên vùng lãnh thổ được hoạch định trước năm 1948.
Cờ của nhóm Hamas.
Khẩu hiệu của Hamas là “Allah là mục tiêu, nhà tiên tri Muhammad là hình mẫu, Kinh Koran là hiến pháp, Thánh chiến là con đường duy nhất và được chết vì Allah là sự thể hiện lòng trung thành”.
Vì những lý do đó, Hamas khước từ mọi giải pháp hòa bình và không công nhận nhà nước Israel. Để thành lập một nhà nước Palestine Hồi giáo, đối với họ, không có con đường nào khác ngoài việc tiến hành cuộc “Thánh chiến”, nhưng thực tế thì nó vẫn là một cuộc chiến tranh đẫm máu chưa có hồi kết.
Trong tiếng Ả Rập, Hamas có nghĩa là “nhiệt huyết”, “lửa”. Các hành động của Hamas không đi ngược lại tiêu chí này. Đánh bom liều chết là một yếu tố mà Hamas coi là vũ khí trong cuộc chiến chống lại Israel.
Hamas không những hoạt động chính trị mà còn sử dụng các hành động bạo lực để đạt được mục tiêu của mình. Theo thống kê của Bộ ngoại giao Israel, từ năm 2000 – 2004, Hamas chịu trách nhiệm giết chết gần 400 người, làm bị thương hơn 2.000 người trong các cuộc tấn công, đến năm 2008 thì Hamas đã bắn hơn 3.000 tên lửa Qassam vào Israel.
Các đợt tấn công bằng tên lửa trong cuộc chiến ở dải Gaza đã gây ra cái chết cho rất nhiều người vô tội và luôn đặt nhân dân ở khu vực biên giới Israel-Palestine vào tình trạng nguy hiểm. Không những thế, Hamas còn cố tình làm hỏng những cuộc đàm phán hòa bình vào năm 2010, tiếp tục chiến tranh vũ trang.
Thời gian gần đây, Hamas còn cấu kết với nhiều nhóm khủng bố khác thực hiện các hành động quân sự gây ra các cuộc xung đột đẫm máu ở vùng nóng Trung Đông.
Vì những sự việc Hamas đã gây ra cho người dân vô tội, hầu hết các quốc gia, các tổ chức quốc tế coi tổ chức này là một nhóm khủng bố nguy hiểm hiện nay.
(kenh14.vn)