Không to tát như khủng hoảng chính trị, ồn ào như khủng hoảng nợ công hay khủng hoảng tài chính… những cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh, kim chi, ớt, tỏi… cũng đủ khiến người tiêu dùng tại nhiều quốc gia hoang mang, lo lắng.
Khủng hoảng kim chi ở Hàn Quốc
Giá cải thảo Triều Tiên bắt đầu tăng từ mùa xuân 2010 do thời tiết mùa đông quá khắc nghiệt khiến vụ mùa thất thu. Tình hình thêm ảm đạm khi Hàn Quốc đón một mùa Hè ẩm ướt, nhiều mưa. Kết quả, các loại cải trồng nội địa vốn chỉ tầm 1 USD/cây hồi năm ngoái đã tăng vọt lên gấp 10 lần. Các nguyên liệu cần thiết để làm món ăn truyền thống của Hàn Quốc như tỏi và củ cải cũng tăng giá gấp đôi.
Cải thảo tăng giá khiến kim chi đắt hơn. Một số nhà hàng buộc phải thu tiền kim chi, món ăn phụ trước đây được kèm theo món chính và không tính tiền.
“Cơn khát” kim chi đã dẫn tới những phản ứng tiêu cực trong xã hội. Korea Times cho biết đã xuất hiện những băng tội phạm chuyên đi cướp sản phẩm tại các trang trại trồng cải thảo ở một số khu vực hẻo lánh của Hàn Quốc.
Khủng hoảng tỏi ở Trung Quốc
Năm 2009, giá tỏi ở Trung Quốc đã tăng 40 lần, một phần do nhiều người tin tỏi có thể giúp ngăn ngừa cúm A/H1N1.
Giá tỏi tăng đã tạo nên một “lứa” triệu phú mới, khi các doanh nhân và những kẻ đầu cơ bỏ nhiều tiền vào nhu cầu mới này.
Không rõ là tỏi có tác dụng tốt cho sức khỏe như thế nào, nhưng đặc tính tạo ra lợi nhuận của nó khiến nhiều người quan tâm. Theo Tân Hoa Xã, một doanh nhân ở Wenzhou – vốn nổi tiếng về đầu cơ mọi thứ, từ than tới bất động sản ở Dubai, đã bổ sung tỏi vào danh mục đầu tư. Người này mua 7,3 triệu USD tiền tỏi.
Các nhà đầu tư khi đó cũng được khuyến khích bằng những câu chuyện như chuyện của Shao Mingqing, 22 tuổi, một người không nghề nghiệp đã xuất hiện trên báo với bức ảnh tựa người vào chiếc xe hơi Toyota đen, chiếc xe mà anh này mua được sau khi bán tỏi. Shao đã vay tiền để mua 100 tấn tỏi hồi tháng 9/2009 và bán lại một tháng sau đó với lợi nhuận 125%.
Khủng hoảng ớt ở Malaysia
Ớt thường được bán với giá 17 Ringgit (5,4 USD)/kg, trong khi ớt hiểm được bán giá 14 Ringgit/kg. Trước đây, giá ớt cả hai loại này lần lượt là 6 Ringgit (1,9 USD) và 5 Ringgit/kg.
Một người bán rau quả khác ở Kipmart Tampoi tên là Badi Hassan Mohammad cho biết khách hàng bỏ thẳng ra khỏi tiệm của ông mà không thèm mua gì. “Chỉ đến khi họ biết giá ớt ở đâu cũng đã lên quá đắt họ mới chịu quay lại với tôi,” người bán hàng 27 tuổi nói.
Rusdi Abu Bakar, 40 tuổi, bán hàng ở chợ Larkin, cho biết lần giá ớt tăng vọt có nguyên nhân từ cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan. Ông nói người ta cũng nhập khẩu các loại rau quả khác như cà chua và đậu đũa từ Thái Lan, nhưng giá các mặt hàng này vẫn được giữ nguyên trong khi giá ớt thì tăng đột biến.
Khủng hoảng dầu ôliu ở châu Âu
Tháng 5/2012, Tây Ban Nha, Ý và Hy Lạp phải chiến đấu một cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế, đồng thời họ cũng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng dầu ôliu.
Giá dầu ô liu đã xuống mức thấp nhất trong 10 năm do tiêu dùng ở các nước miền nam châu Âu giảm bởi khủng hoảng kinh tế.
Lượng ô liu ở Tây Ban Nha, Italy và Hy Lạp chiếm 70% sản lượng dầu ô liu của thế giới. Đây là cây trồng rất quan trọng đối với một số khu vực nghèo nhất của Tây Ban Nha, Andalucia khu vực sản xuất, nơi tỷ lệ thất nghiệp quý I năm 2012 tăng đến 33%.
Giá phí bảo hiểm chất lượng dầu ôliu ở vào mức thấp nhất kể từ năm 2002 và giảm hơn một nửa từ gần 6.000 tấn trong năm 2005, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Khủng hoảng giấy vệ sinh ở Venezuela
Tháng 5/2012, người dân của đất nước hoa hậu này đã phải trải qua tình trạng “khát” giấy vệ sinh cực độ mặc dù không lâu trước đó, chính phủ đã cam kết sẽ nhanh chóng nhập khẩu 50 triệu cuộn. Không chỉ thiếu giấy vệ sinh, đất nước nổi tiếng giàu có này còn thiếu cả thịt, bột, cho đến dầu ăn.
“Đây quả là một điều đáng buồn khi một đất nước giàu có như Venezuelalâm vào tình thế dở khóc dở cười này. Venezuela thiếu những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu mà lẽ ra người dân có thể dễ dàng mua được tại bất cứ cửa hàng nào”, một người tiêu dùng tại thủ đô cho biết.
Chính phủ cho biết, tình trạng thiếu hút giấy vệ sinh cũng như các mặt hàng khác là kết quả của tâm lý hoảng sợ khi tiêu dùng cộng với đạo đức “có vấn đề” của một số thương nhân khi muốn găm hàng để tăng giá. Còn những ý kiến phản đối thì cho rằng, đây là hậu quả của chính sách kiểm soát tiền tệ quá mạnh tay do chính quyền Hugo Chavez tạo ra một thập niên trước đó và những năm quốc hữu hóa nền kinh tế làm yếu dần khu vực kinh tế tư nhân khiến họ rụt rè không dám đầu tư.
Còn người tiêu dùng thì cho biết, sự lựa chọn duy nhất của họ là nhanh chóng thu mua sản phẩm ngày sau khi chúng xuất hiện. Cô Katty de Colina, một nội trợ tại thành phố Paraguana cho biết: “Có thể thiếu một số sản phẩm, nhưng giấy vệ sinh, xà bông hay kem đánh răng thì không thể. Vì vậy tôi phải chạy khắp thành phố để tìm mua”.
Khủng hoảng hành ở Ấn Độ
Trời mưa, mất mùa, tiền Ấn Độ mất giá… một loạt những lý do đang khiến cho những củ hành trở thành thứ xa xỉ trong các mâm cơm của người Ấn Độ. Các chuyên gia cho rằng, kênh phân phối hành cũng là một nguyên nhân khiến cho người dân Ấn Độ phải chịu mức giá chóng mặt của mặt hàng này như hiện nay.
Đảng Bharatiya Janata (BJP) và các đảng chống tham nhũng Aam Admi đã mở các cửa hàng rau quả trên xe tải tại thủ đô New Delhi để bán hành.
Củ hành là một trong những thành phần chủ chốt trong hầu hết các món ăn và được coi là món cơ bản trên khắp Ấn Độ. Củ hành cũng được coi là vấn đề chính trị nhạy cảm tại đất nước này. Chính phủ của đảng BJP bị sụp đổ năm 1998 khi giá hành tăng lên 60 rupee/kg.
Theo Nhị Anh
VEF Nguồn: Dân Trí