“Ai có thể hy sinh cả tính mạng vì bạn?” – người đó chỉ có thể là bậc sinh thành. Thế nhưng không ít bạn trẻ luôn hờn trách cha mẹ, chỉ nghĩ đến bản thân, sống đòi hỏi và bỏ quên đi chữ Hiếu.
Theo bạn, bỏ rơi chữ Hiếu
Một anh chàng sẵn sàng đội nắng đội mưa đi cả chục cây số đón bạn gái, đưa người yêu lên cầu Sài Gòn, đưa nàng đi ăn món yêu thích… Nhưng mẹ nhờ chở đi chợ, chỉ 15 – 30 phút đã xẵng giọng: “Đi gì mà lâu dữ. Hôm sau mẹ đi một mình đi. Nắng chết được!”.
Chỉ cần bạn bè hú tiếng, 2 – 3 giờ sáng, nhiều người vẫn phi ngay ra bờ kè để nhậu, cà phê. Khi bạn bè cho xem bài hay “ra tay nghĩa hiệp” việc gì đó, nhiều bạn thốt lên “Tao yêu mày nhất trên đời”. Vậy nhưng, không ít người không dành được một chút thời gian hay một lời cảm ơn cho bố mẹ.
Một số tình huống không ít người trẻ mắc phải được PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Trung tâm Đào tạo và Chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt) chia sẻ tại hội thảo “Chữ Hiếu thời đương đại” diễn ra vừa qua thu hút hàng trăm bạn trẻ tại TPHCM tham dự.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn đặt câu hỏi: “Đâu là nơi chốn bình yên nhất để bạn có thể tìm về? Sau tất cả mọi lỗi lầm ai là người đón nhận và tha thứ cho bạn? Và ai là người có thể từ bỏ cả tính mạng vì bạn?”.
Thế nhưng hiện nay tồn tại nghịch lý, không ít người đang chạy theo cách sống “bè” thì nhiều mà bạn thì ít. Ngược lại, đòi hỏi ở cha mẹ rất nhiều nhưng chăm sóc, quan tâm lại quá ít. Ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân, nhiều bạn có thể lên Facebook chỉ trích, hờn trách bố mẹ, dọa bỏ đi “cho ông bà biết tay”. Hay đau lòng hơn là những trường hợp con cái đánh đập, bỏ đói cha mẹ, đuổi cha mẹ ra khỏi nhà…
Có một thực tế, trong mắt nhiều bạn trẻ, gia đình không phải là nơi gắn kết, chỗ bình yên để họ đi về mà đó là hình ảnh mây đen xám xịt khi họ bơ vơ và lạc lõng; là hình ảnh của xiềng xích khi bị cha mẹ áp đặt phải theo cái này, cấm cản cái kia. Vẫn còn đó hình cảnh của chiếc cân trọng nam kinh nữ trong nhiều gia đình. Những điều này ít nhiều góp phần làm chữ Hiếu càng trở nên xa xỉ.
Điều này, theo TS Huỳnh Văn Sơn các bậc làm cha làm mẹ đừng chỉ trách con cái mà cũng cần phải xem lại mình đã vun vén chữ Hiếu cho con đến đâu. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào con cái không chỉ cần công bằng mà còn phải biết cảm thông với những vất vả, lo toan vất vả và thấu hiểu cho cha mẹ mình.
Thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ không khó. Đó là những hành động trong cuộc sống đời thường như đưa bố mẹ đi siêu thị, gọi điện hỏi thăm bố mẹ, nói lời yêu thương hay một cái ôm, nấu một bữa cơm… Và bất kỳ bậc sinh thành nào cũng có chung mong muốn: Con nên người!
Hoài Nam
Nguồn: Dân Trí