Tinh Hoa

Bất Nhân bất Phú

Vua Ngu Thuấn là một trong năm vị Hoàng đế thời thượng cổ, họ Diêu tên Trọng Hoa (nay là người Gia Thành, tỉnh Sơn Đông). Vua Thuấn tài năng lỗi lạc, phẩm hạnh cao thượng. Ngay thời thanh niên ông đã nổi tiếng vì rất mực hiếu thuận.

Thuấn xuất thân hàn vi. Dù là hậu duệ của vua Chuyên Húc, nhưng gia đình năm đời là thường dân, ở tầng lớp thấp trong xã hội. Phụ thân của Thuấn, Cổ Tẩu, là người khiếm thị, mẫu thân tạ thế từ rất sớm. Cổ Tẩu lấy vợ lẽ. Bà sinh hạ một người con trai, đặt tên là Tượng. “Phụ ngoan, mẫu hiêu, Tượng ngạo” (Cha gàn dở, mẹ quát tháo, (em là) Tượng hỗn láo – theo điển cố vua Nghiêu); mấy người đó câu kết với nhau, nhiều lần hại Thuấn vào đường chết. Dù vậy với phụ mẫu Thuấn cũng không hề đánh mất đạo làm con, mà vô cùng hiếu thuận, với tiểu đệ cũng không đánh mất đạo làm huynh trưởng, luôn bảo vệ, yêu thương, đối đãi tử tế. Không phải chỉ một hai ngày mà bao năm cũng vậy, không hề có chút thay đổi. Những lúc bị người nhà hãm hại Thuấn đều trốn chạy. Chỉ cần có chút biến chuyển, Thuấn lập tức trở về bên họ, dốc lòng trợ giúp. Cho nên “người nhà muốn giết Thuấn không được, nhưng khi cầu trợ giúp lại thường ở bên”. Thuấn ma luyện bản thân trong môi trường nghiệt ngã như vậy, đạo đức tu dưỡng ngày càng cao thâm.

Tương truyền, Ngu Thuấn còn cống hiến to lớn cho sự phát triển đồ gốm Trung Hoa. Vì kế sinh nhai, Thuấn từng chế tác đồ gốm tại thôn Gia Phùng ven sông Hoàng Hà. Sử sách có ghi chép lại “Thuấn chế tác gốm, tinh tế mỹ lệ vô cùng”. Thuấn chế tác gốm với công nghệ tinh túy, dáng hình mỹ lệ, giá cả phải chăng mà lại bền chắc. Thuấn chú trọng lựa chọn vật liệu, nghiêm túc trông lửa, nhào nặn đến nơi đến chốn. Cho nên đồ gốm của ông rất được mọi người ưa chuộng. Rất nhiều người làm đồ gốm đều muốn thỉnh giáo Thuấn. Thuấn cũng vui vẻ truyền thụ kỹ thuật cho họ. Do Thuấn có đức, rất nhiều người mua đồ gốm không quản đường xá xa xôi đều tìm đến, tranh nhau mua. Nhưng Ngu Thuấn trước sau không hề cẩu thả, thậm chí giá thành cũng không chịu nâng lên, chỉ cần lợi nhuận 10 phần lãi 1 (10%) mà thôi.

 Ảnh minh họa ( Nguồn: Internet)

Lúc đó, Thuấn lần lượt phổ biến kỹ thuật làm gốm ra khắp vùng Bắc Nam sông Hoàng Hà. Kể từ khi người chế tác gốm xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực lân cận Đông Di, dẫn đến hàng hóa cung không đủ cầu, thợ làm gốm do tham lợi, bắt đầu bòn rút nhân công, vật liệu, nhào bùn không đến nơi đến chốn, rút ngắn thời gian nung, khiến gốm giòn yếu, dùng chưa được bao lâu đã vỡ vụn. Thợ làm gốm do tiết kiệm nhân công, thời gian, vật liệu mà thu được món hời lớn.

Sau khi nghe nói chuyện này, để hướng dẫn thợ làm gốm, đồng thời cũng vì lợi ích của bách tính, Thuấn đến đất Vệ mở một xưởng làm gốm. Tại đây ông nghiên cứu tỉ mỉ kỹ thuật tạo phôi và chế tác gốm. Thuấn sử dụng kỹ thuật chế tác, nung gốm tiên tiến, mong chế tác ra loại gốm bền chắc. Trên bề mặt còn trang trí hoa văn mỹ lệ, miệng gốm từ to thành nhỏ dần, được mọi người đón nhận. Thương nhân tranh nhau mua gốm của Thuấn.

Tương truyền, do mọi người tranh nhau đổ xô mua gốm của Thuấn, khiến cho những thợ gốm trước kia ai nấy làm ăn ế ẩm. Thuấn nói với mọi người:“Các vị cho rằng tôi đến tranh giành mối làm ăn của các vị chăng? Tôi có quyền chế tác, nhưng quyết định mua là ở mọi người. Mọi người không muốn mua tôi cũng không cưỡng ép. Mọi người đến mua, tôi cũng không thể từ chối được. Các vị thử nghĩ xem, cùng là đồ gốm, sao mọi người không muốn mua gốm do các vị chế tác, mà muốn mua gốm do tôi chế tác? Nguyên cớ do đâu?” Mọi người trả lời rằng: “Gốm của ông rất bền, giá lại rẻ. Gốm của chúng tôi giòn xốp, giá lại đắt. Cho nên mọi người mua gốm của ông, không mua gốm của chúng tôi nữa. Đây há chẳng phải ông có ý đối nghịch, tranh giành mối làm ăn với chúng tôi hay sao?”

Thuấn nói rằng: “Đối với các vật dụng hàng ngày của con người, các vị nhất định không mua các sản phẩm chất lượng thấp. Vậy thì tôi sao lại có thể làm ra thứ đồ gốm giòn dễ vỡ đó mang đi bán cho người khác”. Mọi người nói: “Trước nay mọi người đều mua đồ gốm của chúng tôi. Từ khi ông đến, họ không mua sản phẩm của chúng tôi nữa. Do đó nguyên nhân là tại nơi ông chứ không nằm ở bình gốm của chúng tôi”. Thuấn đáp: “Điều này không đúng. Người dân mua gốm của các vị là bởi họ không có lựa chọn nào khác nữa. Họ buộc phải mua sản phẩm của các vị chứ không phải vì họ thích mua chúng. Đơn cử như trong suốt những năm vụ mùa thất bát, người dân phải ăn cám và ăn cỏ, nhưng không phải vì họ muốn vậy, mà là vì họ buộc phải làm như vậy. Hiện tại các vị đem những đồ gốm dễ vỡ của các vị cấp cho người ta, há chẳng phải các vị đang làm điều tương tự như cưỡng ép họ ăn cám bã và rễ cây sao. Điều đó chẳng phải bất nhân hay sao?” Những người thợ gốm đáp lời: “Chúng tôi là những người thợ thủ công sống nhờ kỹ năng của mình. Chúng tôi chỉ cần biết kiếm tiền và trở nên giàu có. Chúng tôi không quan tâm điều đó có phải bất nhân hay không!”Thuấn nói: “Đó không phải là như vậy. Có chữ nhân ở trong chữ phú. Nếu như các vị bất nhân, nơi đâu các vị có thể tìm kiếm sự giàu có?” Nghe được điều này, các thợ gốm háo hức muốn biết vì lý do gì, vì vậy Thuấn hướng dẫn thợ gốm, nói rằng: “Sự khác biệt giữa con người và động vật chính là ở chữ nhân. Ta chẳng lừa người, họ hà cớ gì mà lừa ta. Nếu ta lừa người, họ tất sẽ lừa ta. Để trở nên giàu có, các vị đã lừa dối người khác bằng cách bán những bình gốm dễ vỡ. Tuy nhiên, mọi người đều muốn kiếm tiền và trở nên giàu có. Nếu mọi người trong tất cả các ngành nghề suy nghĩ như các vị và làm ra những sản phẩm tồi tàn có chất lượng thấp, tôi hỏi các vị rằng liệu các vị có thể kiếm tiền được chăng? Những gì các vị làm chỉ là đồ gốm, và các vị phải mua vô số mặt hàng khác từ những người khác. Các vị chỉ có một sản phẩm để cạnh tranh với nhiều sản phẩm khác, vì vậy các vị có thể chiến thắng như thế nào? Thậm chí nếu các vị kiếm được lợi nhuận nhiều hơn nữa nhờ số đồ gốm, các vị cũng không biết các vị phải chi tiêu bao nhiêu tiền cho các sản phẩm khác! Bất nhân bất phú, lẽ gì mà các vị lại không minh tỏ điều này?”

Những người thợ gốm hiểu ra và nói: “Đúng vậy, trong nhiều năm qua, nhiều sản phẩm bán ở chợ càng ngày càng thiếu bền chắc, chính là bởi nguyên nhân này”. Sau đó, những thợ gốm này đã học theo cách chế tác những đồ gốm tốt của Thuấn và tự mình kinh doanh một cách trung thực. Họ chú ý đến đồ gốm của mình hơn là làm ra những sản phẩm chất lượng thấp. Đồ gốm của họ lại được chế tác chắc chắn và có độ bền cao.

Đông Di hoang dã, dân tình bạc bẽo. Hiện tượng kinh doanh đương thời vì theo đuổi lợi nhuận mà chế tác các sản phẩm chất lượng kém có rất nhiều. Nhưng thánh nhân trị quốc“Đức vi tiên, trọng giáo hóa” (Lấy đức làm đầu, coi trọng giáo hóa), chứ không lấy luật pháp hà khắc làm gốc. Thợ chế tác gốm nhờ sự giáo huấn và tấm gương của Thuấn mà tự quy chính lại bản thân, diện mạo trong vùng cũng dần trở nên thuần hậu, không cần phải răn dạy nhiều lần, càng không phải cưỡng chế áp đặt, chỉ cần truyền tâm pháp, người người ai cũng trọng đức hành thiện, vô vi mà trị thiên hạ. Trong “Sử ký ghi chép về Ngũ Đế” bình luận vua Thuấn như sau: Thuấn cày ở Lịch Sơn, người Lịch Sơn đều nhượng bờ; đánh cá ở Lôi Trạch, người Lôi Trạch đều nhường nhà; làm gốm ở Hà Tân, gốm Hà Tân đều không còn hàng thứ phẩm. Một năm tụ họp, hai năm lập ấp, ba năm thành đô. Nơi đâu Thuấn bỏ công sức, nơi đó đều hưng khởi phong thái lễ nghĩa. Thuấn đi đến đâu mọi người cũng muốn theo. Vậy nên Mã Tư Thiên tán thán rằng: “Thiên hạ minh đức, đều khởi nguồn từ Ngu Thuấn”.


( Đường Phong, nguồn: Minh Huệ)