Tinh tuyển «Thiên gia thi»
Đăng Quán Tước lâu
Vương Chi Hoán
Bạch nhật ỷ sơn tận,
Hoàng Hà nhập hải lưu.
Dục cùng thiên lý mục,
Cánh thượng nhất tầng lâu.
【Tác giả】
Vương Chi Hoán, tự Quý Lăng, là người Tính Châu triều Đường (nay là Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Sinh năm Thùy Củng thứ tư thời Đường Võ Hậu (năm 688 SCN), mất năm Thiên Bảo đầu tiên thời Đường Huyền Tông (năm 742 SCN), hưởng thọ 55 tuổi. Tính tình hào phóng ngang ngạnh, thơ cũng như người, khí thế hào hùng, nhiệt tình trào dâng. Các bài thơ của ông được “chuyển thể thành nhạc, lưu mãi trong dân”, được đại chúng yêu chuộng sâu sắc, nhờ đó mà truyền tụng muôn đời, ngang danh Cao Thích, Sầm Tham, Vương Xương Linh, v.v. Bởi ông không chuộng khoa cử công danh, nên cuộc đời cũng không được nhiều người biết đến, chỉ từ mộ chí mà thấy được đây là một thi nhân “Có hiếu với nhà, có nghĩa với bạn, khảng khái vô tư, tài năng phóng khoáng”. Nghe nói ông sáng tác rất nhiều thơ, đáng tiếc là chỉ có sáu bài tứ tuyệt là được lưu truyền lại, thâu tập trong «Toàn Đường thi», trong đó “Đăng Quán Tước lâu” và “Xuất trại” (còn gọi là “Lương Châu từ”) là nổi tiếng nhất.
【Chú thích】
(1) Quán Tước lâu (鹳鹊楼): theo sách cổ ghi lại, cựu Quán Tước lâu (nay không còn) nằm tại nơi nay là huyện Vĩnh Thanh, tỉnh Sơn Tây, trên một ngọn núi nhỏ phía Tây Nam sông Hoàng Hà. Lầu cao năm tầng, phía trước xa xa có núi Trung Điều, phía dưới là sông Hoàng Hà, tầm mắt thoáng đãng. Tương truyền thường có chim Tước tới đậu tại nơi đây, nên mới gọi tên là Quán Tước lâu.
(2) bạch nhật (白日): chỉ mặt trời vào buổi chiều. Ngũ hành lấy màu trắng để đại biểu phương Tây; quá Ngọ mặt trời dần dần chếch sang Tây, nên mới gọi là bạch nhật.
(3) ỷ (依): men theo, dựa vào.
(4) tận (尽): dần tan biến, mất hẳn.
(5) Hoàng Hà (黄河): nguyên từ chân núi Ba Nhan Khách Lạp ở Thanh Hải chảy qua miền Bắc Trung Quốc, dài chừng 4.850 km, là sông lớn thứ hai Trung Quốc. Bởi vì trong nước có một lượng lớn phù sa, nước sông vàng đục mà có tên gọi như vậy.
(6) nhập hải lưu (入海流): đổ ra biển.
(7) dục (欲): muốn.
(8) cùng (穷): tận.
(9): cánh (更): lại, thêm nữa.
【Ngữ dịch】
Mặt trời buổi chiều men theo triền núi dần dần khuất, dòng Hoàng Hà vẫn cuồn cuộn chảy hướng về biển ở nơi xa. Nếu muốn nhìn cho rõ ràng hơn, thì nhất định phải leo lên thêm một tầng lầu nữa.
Dịch thơ:
Lên lầu Quán Tước
Mặt trời dựa sườn núi,
Hoàng Hà hòa biển sâu.
Muốn nhìn xa nghìn dặm,
Phải lên thêm tầng lầu.
【Giai thoại bài thơ】
Đây là một bài thơ thuộc thể loại “lệ chí”. Tác giả trong quá trình lên lầu Quán Tước du ngoạn, phát hiện thấy mỗi khi lên cao thêm một tầng thì cảnh tượng lại bất đồng, cũng có cảm thụ khác nhau. Ông ngộ được rằng, đời người cũng giống như vậy, tùy vào đứng ở vị trí cao thấp khác nhau mà có tình cảnh khác nhau, tuy nhiên muốn đi lên cao nhất định phải tự mình nỗ lực mà lên. Vì thế mới viết ra bài thơ này để khích lệ chính mình.
Tác giả bút lực hùng hồn, cảm tình phong phú, sau khi thưởng thức cảnh đẹp trước mắt, liền đưa mặt trời lặn ở Tây, núi ở xa, cùng sông lớn chảy xiết không ngừng, hứng khởi với thời gian, cảm xúc với không gian, chỉ qua mười chữ “Bạch nhật ỷ sơn tận, Hoàng Hà nhập hải lưu” để miêu tả. Quả nhiên khiến người đọc không khỏi cảm thấy cảm giác thời gian trôi qua, đến rồi lại đi, xúc động bồi hồi. Ngay sau đó, thi nhân chuyển bút, dùng thêm mười chữ nữa “Dục cùng thiên lý mục, Cánh thượng nhất tầng lâu” để miêu tả một đạo lý, vô cùng chất phác. Lên cao có thể nhìn xa, không chỉ lên nơi cao hơn, mà nhân sinh sự nghiệp cũng vậy, cảnh giới tâm linh cũng vậy. Chẳng trách Chương Thái Viêm cho rằng “Dục cùng thiên lý mục, Cánh thượng nhất tầng lâu” là một danh ngôn thiên cổ.