Tinh Hoa

Tu hành không thể dừng giữa chừng

Con người ta trong quá trình tu hành, dù phải chịu bao nhiêu khổ nạn đi nữa, thì cũng không thể mượn cớ để dừng giữa chừng. Bởi vì một khi ý chí tu hành đã rơi mất, thì mục tiêu thành công ngày càng xa vời. Ngay cả khi người ấy có thấy đích đến ngay trước mặt, thì không ai có thể thực sự tính toán được khoảng cách tới đích.
 
 

Vào thời cổ đại, khi một người đã bước vào ngưỡng cửa tu luyện, thì anh ta bị đòi hỏi phải lánh xa thế tục và đoạn tuyệt mọi dục niệm. Phật Thích Ca Mâu Ni từng yêu cầu các đệ tử tu hành của Ngài phải dũng mãnh tinh tấn tựa sư tử.

Khi hòa thượng Giám Chân nổi tiếng thời nhà Đường mới bước vào cửa Phật, sư trụ trì yêu cầu ông ma luyện bản thân bằng cách vân du gian khổ ngoài xã hội. Một ngày nọ, khi mặt trời đã lên cao, hòa thượng Giám Chân vẫn chưa ra khỏi giường; trụ trì cảm thấy nghi ngờ, bèn vào phòng Giám Chân để kiểm tra. Khi trụ trì đẩy cửa vào phòng, chỉ thấy cạnh giường là một đôi giày rơm đã rách nát. Trụ Trì gọi Giám Chân: “Hôm nay vì sao con không ra ngoài đi hóa duyên? Đôi giày rách nát bên giường này để làm gì?” Giám Chân vừa ngáp vừa đáp: “Đây là đôi giày rơm mà người khác đeo một năm không rách. Còn con cạo đầu đi tu mới một năm mà đã rách mấy đôi giày rồi. Hôm nay con muốn ở trong chùa để tiết kiệm mấy đôi giày.”

Trụ trì không hài lòng với những gì hòa thượng Giám Chân nói. Ông vừa cười vừa nói với Giám Chân: “Đêm hôm qua bên ngoài có một trận mưa. Con dậy nhanh lên, theo ta ra trước chùa rồi đi.” Hai người từ từ đi ra ngoài chùa. Trận mưa đêm qua khiến con đường đất trước chùa trở thành vũng bùn lầy lội. Đột nhiên trụ trì vỗ vai Giám Chân, nói chân thành: “Con chỉ muốn làm một hòa thượng ngày ngày đánh chuông, hay muốn trở thành một danh tăng hoằng dương Phật Pháp?” Giám Chân đáp ngay không nghĩ ngợi: “Đương nhiên là danh tăng hoằng dương Phật Pháp rồi”. Trụ trì cười, nói tiếp: “Hôm qua con vẫn chưa đi qua con đường này phải không?” Giám Chân nói: “Tất nhiên rồi”. Trụ trì lại hỏi: “Giờ con có tìm thấy vết chân ở đây không?” Giám Chân không hiểu, đáp: “Hôm qua ở đây nguyên là con đường bằng phẳng và dễ đi, hôm nay lại biến thành bùn thế này. Tiểu tăng sao có thể tìm thấy dấu chân của mình được?” Trụ trì cười đi cười lại, nói: “Hôm nay chúng ta đi một lúc trên con đường này, mai con có thể tìm được dấu chân không?” Giám Chân tự tin nói: “Đương nhiên là có rồi”. Trụ trì lại vừa cười vừa vỗ vai Giám Chân, nói: “Là như thế. Chỉ có con đường lầy lội mới có thể lưu lại vết chân. Chỉ có trải qua con đường gian nan khổ sở, thì cuối cùng một ngày kia mới lưu lại dấu tích. Như lúc này, chúng ta đang đi trên đất bùn; cho dù đi được xa đến đâu, thì cũng khắc sâu trên nền đất bùn, ấn chứng giá trị con đường chúng ta đã đi qua. Do đó tu hành không thể chỉ vì tiết kiệm đôi giày rơm mà dừng bước.”

Giám Chân có tuệ căn rất thâm sâu. Sau khi nghe trụ trì nói, anh như bừng tỉnh, từ đó một mực tinh tấn, bước đi không ngừng nghỉ trên con đường tu luyện, cuối cùng trở thành một đại danh tăng độ xứ Phù Tang, trở thành người đặt nền móng cho Phật giáo Nhật Bản.

Kỳ thực đạo lý làm người cũng như vậy. Khi bước đi trên con đường lầy lội, người ta nhất định phải gắng sức nhấc đôi bàn chân mới có thể bước ra khỏi vũng bùn, nếu càng dừng bước thì bị ngập càng sâu. Chỉ sau khi kinh qua gian khổ khó nạn, người ta mới có thể nhìn thấy thành quả từ nỗ lực của mình.

( Theo Chanhkien )