Tinh Hoa

Mảnh giấy tiết lộ “vợ của Chúa” là đồ giả?

Mảnh giấy cói đang gây xôn xao giới sử học với dòng chữ đề cập đến cuộc hôn nhân của Chúa Jesus vừa bị Vatican chính thức kết luận là “trò giả mạo vụng về”.

Mảnh giấy cói gây “giông bão” được Giáo sư Đại học Harvard công bố hồi tuần trước

“Đây là một món đồ rởm trên mọi phương diện”, Biên tập viên Giovanni Maria Vian của tờ L’Osservatore Romano bình luận. Ngay dưới đó là một bài báo do học giả hàng đầu Alberto Camplani chấp bút.

Mảnh giấy cói màu vàng ngả nâu, có kích thước khoảng 3,8 x 7,6 cm đã được Giáo sư Karen L.King của Đại học Harvard công bố hồi tuần trước trong một Hội thảo Quốc tế về Thiên chúa giáo. Hội thảo này được tổ chức 4 năm một lần và năm nay do Viện Patristicum Augustinianum (Rome) đăng cai.

Tổng cộng chỉ có 8 dòng văn bản ở mặt trước và 6 dòng ở mặt sau cuộn giấy, với niên đại được Giáo sư Karen ước tính là từ thế kỷ thứ 4. Mảnh giấy sử dụng tiếng Thiên chúa giáo của người Ai Cập cổ, với nội dung là cuộc trao đổi giữa Chúa với các môn đồ.

Trong đó, đoạn giữa của mảnh cói có chứa cụm từ gây sốc “Jesus nói với họ, vợ của ta”, gợi ý rằng một số Tông đồ đầu tiên của đạo Thiên chúa tin rằng Chúa đã kết hôn.

Mặc dù vậy, theo học giả Camplani, giảng viên môn sử học tại Đại học La Sapienza (Rome) thì việc không có bất cứ tài liệu nào đề cập đến cuộc hôn nhân của Chúa trong lịch sử “đáng tin hơn nhiều so với việc phiên dịch từng chữ của một văn bản mới cụt lủn”.

Hơn nữa, tính xác thực của mảnh giấy cói cũng là một vấn đề. “Nó không phải được khai quật tại các di chỉ mà có nguồn gốc từ chợ đen. Một vật như vậy đòi hỏi phải được kiểm tra rất kỹ về tính xác thực trước khi công bố và không thể loại trừ khả năng bị làm giả”.

Còn theo Telegraph, ngoài Camplani thì khá nhiều chuyên gia khác cũng tỏ vẻ hoài nghi ra mặt. Nói như học giả Francis Watson của Đại học Durham (Anh) thì “Hoài nghi là một thái độ đúng đắn”. Watson cũng cho rằng văn bản này chỉ là đồ giả và nội dung của nó được chắp vá bởi những từ ngữ, cụm từ lấy trong Kinh Thomas. “Đây có lẽ là tác phẩm do một tác giả hiện đại soạn ra và không phải người nói tiếng Coptic gốc”.

Y Lam

(vietnamnet.vn)