Người xưa rất coi trọng nền nếp gia phong, chú trọng bồi dưỡng các đức tốt cho con cháu. Họ lấy “Nhân nghĩa lễ trí tín” và các tư tưởng hướng thiện, hướng đạo của văn hóa truyền thống để hướng dẫn chúng. “Trọng Đức tu thân” trở thành nội dung chính của lời gia huấn của các dòng họ. Các Thánh hiền thời xưa rất quan tâm thương yêu con cháu nhưng cũng yêu cầu nghiêm khắc, giúp chúng luôn luôn theo thiện, đi nghiêm chính trên bước đường đời, không có gì oán giận và hối tiếc. Trí tuệ trong những lời dạy của người xưa đã cho hậu thế rất nhiều kinh nghiệm quý báu.
Khổng Tử dạy con học “Thi” và “Lễ”
Khổng Tử là nhà tư tưởng và giáo dục thời Xuân Thu, tương truyền có 3000 học trò. Trong sách “Luận ngữ – Quý thị” ghi lại câu chuyện:
Một hôm, học trò của Khổng tử, tên Trần Kháng, hỏi con trai Khổng Lý của ông rằng: “Anh ở cùng thầy có nghe được lời dạy bảo nào mà không giống với người khác chăng?”
Khổng Lý nói: “Không có. Có lần cha tôi một mình đứng trong sân nhà, tôi bước nhanh qua, cha tôi hỏi: “Học Thi chưa”. Tôi trả lời: “Dạ chưa”. Cha tôi nói: “Không học Thi, không thể ăn nói được”. Thế là tôi liền đi học Thi. Lại có lần, gặp cha, tôi bước nhanh qua, cha hỏi: “Có học Lễ chưa?”. Tôi trả lời: “Dạ chưa”. Cha tôi nói: “Không học Lễ, không thể đứng vững được”. Thế là tôi lập tức đi học Lễ. Tôi chỉ nghe được 2 việc ấy thôi”.
Trần Kháng vui vẻ nói: “Tôi hỏi một câu hỏi, lại hiểu ra được 3 điều. Biết được đạo lý học Thi và học Lễ, còn biết được là người quân tử đối xử với con trai mình không khác gì những trẻ em khác”.
Thực sự, Thi và Lễ đều là nội dung trọng yếu mà Khổng Tử giáo dục học trò. Khổng Tử cho rằng dùng hình thức văn nghệ để giáo dục thường có hiệu quả cao hơn lối dạy bảo thông thường. Tương truyền “Kinh Thi” có 305 bài đều là ông tự mình biên soạn, nội dung nhiều, quan hệ với đạo lý tu thân, hiểu Mệnh, đi theo Đạo nghĩa. Khổng Tử cho rằng tu dưỡng đạo đức con người là bắt đầu từ đây, có thể nâng cao năng lực quan sát của con người, ngoài ra thông qua việc đọc Kinh Thi sẽ học được rất nhiều tri thức lịch sử, tự nhiên và xã hội. Khổng Tử nói: “Hưng thịnh nhờ Thi, đứng vững nhờ Lễ, thành tựu nhờ Nhạc”. Ông cho rằng Lễ chính là quy phạm hành vi lễ nghi và đạo đức của xã hội, bắt đầu từ học Lễ, giáo dục học trò xây dựng đức hạnh cho bản thân, từ thực tiễn dần dần bồi dưỡng ra những học trò có ý thức đạo đức tự giác, trở thành những trụ cột của xã hội sau này bằng tài đức tế thế an dân và thông hiểu Đạo Trời.
Khổng Tử dạy con học Thi học Lễ, so với các học trò khác thì đều yêu cầu như nhau, không vì Khổng Lý là con mình mà nới lỏng yêu cầu. Từ đó thấy được Khổng Tử đối xử rất bình đẳng với học trò, đồng thời gửi gắm nhiều hy vọng ở con trai. Người đời sau gọi phương pháp dạy con của Khổng Tử là “Thi Lễ truyện gia”.
(còn tiếp)