Khi phát ngôn câu nói nổi tiếng này vào năm 1968, nghệ sĩ người Mỹ Andy Warhol hẳn không ngờ hiện thực lại đến quá nhanh và đi quá xa so với những gì ông tiên đoán. Bởi giờ đây, người ta có thể dùng mẫu câu như vậy để nửa đùa nửa thật với nhau: “Trên truyền hình, người ta sẽ nổi tiếng trong vòng 15 giây nói hớ”.
Nếu xem sự nổi tiếng, cùng thang bậc được khảo sát của nó, như một minh chứng cho những giá trị, cũng như là món quà đền đáp xứng đáng cho những người tài năng và quá trình đóng góp của họ thì lần đầu tiên trong lịch sử, người ta đang phải chứng kiến và đối diện với những quyền lực mới làm vô hiệu hoá chức năng của sự nổi tiếng. Giữa thời lên ngôi của báo điện tử, truyền hình thực tế và mạng xã hội, sự nổi tiếng trong làng giải trí đã trở thành một món hàng được làm bằng công nghệ, có thể mua bán, đổi chác, thậm chí tặng nó như một món quà cho những người vô danh.
Nhưng tại sao lại là 15 phút? Con số đó có lẽ chỉ tượng trưng cho tính chất “mì ăn liền” của sự nổi tiếng hôm nay. Sau một đêm thức dậy, người ta bị bủa vây trong lũ lượt thông tin về một cô hoa hậu mới đăng quang đêm qua, của cô gái vừa chiến thắng trong một cuộc thi hát, của một ni cô hồn nhiên nói về niềm tin sẽ là quán quân… Vài phút lướt tin là đủ để người ta phải chấp nhận họ như những người nổi tiếng, cho tới khi họ hết tạo được sự kiện hoặc có người khác thay thế. Do sự nổi tiếng là vội vã và ngắn ngủi nên chúng ta có thể đùa tiếp: “Trong tương lai, người ta sẽ bị lãng quên trong vòng… 15 phút”.
Điều này đồng nghĩa với việc những người nổi tiếng trong làng giải trí hôm nay thường là những thần tượng “bạo phát, bạo tàn” trong vòng xoáy quay cuồng của tụng ca và ném đá, theo sự áp đảo của “like” hay “dislike”. Những cỗ máy của ngành công nghiệp giải trí đang ngày đêm cung cấp những sân khấu giúp người ta đứng giữa trung tâm của đám đông trong nỗ lực trở thành thần tượng bằng bất cứ cách nào. Nói nghe hơi quá, nhưng rõ ràng là những thần tượng mang giá trị giải trí đúng như ý muốn của công chúng đang được “sản xuất và tiêu dùng” mỗi ngày, và sự ồn ào khiến họ mang một khí thế áp đảo trước những thần tượng thầm lặng khác trong lòng chúng ta.
Theo Kiến Minh (SGTT)
Bên cạnh một số bạn trẻ thần tượng một nhân vật nào đó theo “phong trào”, theo độ “hot” trong làng giải trí, cũng không ít bạn trẻ chọn lựa thần tượng dựa trên nền tảng văn hoá và tri thức.
Học ở mỗi thần tượng một ít (Nguyễn Kim Phượng, học sinh lớp 12 chuyên toán trường THPT chuyên Thăng Long (Đà Lạt), thủ khoa đại học Y dược TP.HCM) Em chọn thần tượng theo từng giai đoạn và thường có nhiều thần tượng ở đủ các lĩnh vực. Trước đây thì rất thích các diễn viên, nhóm nhạc Hàn Quốc nhưng bây giờ thì không vì sự thay đổi sở thích hay gu giải trí đã thay đổi. Các thần tượng xuất hiện theo sở thích của em là đọc truyện tranh, nghe nhạc và xem phim. Càng đọc, nghe và xem em thấy các thần tượng có nhiều điều khiến mình thích thú như tính cách, lý tưởng, tài năng và ngoại hình… Nếu nói thần tượng ảnh hưởng nhiều hay chi phối cách sống, lý tưởng sống của mình thì không hẳn, nhưng em biết cách học hỏi ở các thần tượng mỗi người một tí. Ai cũng có mặt tốt xấu, hay dở và khi lựa chọn đó là thần tượng thì chắc chắn cần chọn mặt tích cực của họ để học hỏi. Điều đó là do mình tình nguyện và diễn ra tự nhiên theo sở thích. Chuyện bạn trẻ lựa chọn thần tượng cho mình để phấn đấu trong cuộc sống hay học tập, là những tính cách tốt, những lối sống đẹp, những tài năng hay là điều tốt. Cuộc sống xung quanh có nhiều điều mới lạ và cần phải học hỏi, quan trọng là cách tiếp cận và lựa chọn của từng người. Tôi thần tượng Bill Gates nhưng không bỏ học giống ông! (Đinh Thị Phương Hảo, học sinh trường trung học phổ thông Thống Nhất A, Đồng Nai) Tôi thần tượng Bill Gates vì đó là một người tài năng, thành công và có tâm hồn cao thượng. Tôi không phủ nhận ông ấy có những mặt không tốt. Tuy nhiên, tôi không quá để ý đến những điều ấy. Tôi không học Bill Gates bỏ học dù để thực hiện ước mơ, vì nó không phù hợp với tính cách cũng như suy nghĩ của mình. Bill Gates từng nói cuộc sống này không công bằng và bạn phải chấp nhận nó. Thực tế đã cho thấy điều đó. Được là người giàu có như Bill Gates là niềm ao ước của rất nhiều người. Đó cũng là mục tiêu mà tôi muốn phấn đấu. Không phải ai khi đã giàu có cũng đều giúp đỡ người khác rất tích cực như ông. Đây là điều đáng để chúng ta học hỏi. Có hai loại – để thưởng thức và để noi gương (Lê Tuấn Anh, đại biểu tàu Thanh niên Đông Nam Á 2012 ) Thần tượng là một phần quan trọng trong cuộc sống giới trẻ, giúp giải trí, học hỏi hoặc noi gương… Vì vậy nhiều người chọn cho mình không chỉ một mà nhiều thần tượng, tại cùng một thời điểm hoặc các thời điểm khác nhau. Tuy nhiên cần tỉnh táo để phân biệt hai loại thần tượng: thần tượng để thưởng thức và thần tượng để noi gương, vì nếu đã coi ai đó là thần tượng thì ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng từ lối sống, tác phong, tính cách… của họ. Nếu vì yêu thích thần tượng mà quên hết tất cả, mua sắm, ăn bận hay học theo lối sống, trở thành fan cuồng thì không nên. Thay vào đó, nên lựa chọn và học hỏi họ, đặc biệt là trong công việc, nghề nghiệp, đạo đức… để hoàn thiện mình. Thần tượng đâu xa (Huỳnh Hạo Nguyên, sinh viên năm ba đại học Bách khoa TP.HCM ) Cách đây không lâu, dư luận bức xúc trước tuyên bố của một bạn trẻ: “Tình yêu đối với Suju cao quý hơn tất cả những tình cảm trần tục khác, kể cả tình máu mủ… Gia đình là phù du, Suju là tất cả!” Mình nghĩ đây là một bạn trẻ đã hết thuốc chữa vì nghiện K-pop. Khi còn bé mình rất thích chú mèo máy Doraemon. Lớn chút xíu, thần tượng của mình là các ngôi sao ca nhạc, diễn viên điện ảnh. Từ khi vào đại học, thần tượng của mình không phải ai xa lạ, mà chính là bố mẹ mình, người đã có công nuôi dưỡng, cho mình có cuộc sống hôm nay. Đó phải là người sống lành mạnh (Vũ Ngọc Tiến, trưởng nhóm sinh viên tình nguyện chương trình Mùa hè xanh) Với em, một thần tượng chân chính phải là người có lối sống lành mạnh và dùng chính tài năng của mình để chiếm được sự hâm mộ của khán giả. Cá nhân em cho rằng việc hâm mộ, thần tượng một nghệ sĩ nào đó không hề xấu, thậm chí còn đáng được hoan nghênh. Cuộc sống càng hiện đại con người ta càng có nhu cầu được tự do: tự do bộc lộ quan điểm cá nhân, bộc lộ cái tôi thể hiện mình… Em nghĩ trong chuyện này không thể đổ lỗi hết cho các bạn ấy. Cần phải nhìn nhận vai trò và trách nhiệm của gia đình và nhà trường là rất lớn. Nếu các bạn ấy được trang bị kiến thức để nhận biết chân giá trị cuộc sống thì tự nhiên sẽ miễn nhiễm với văn hoá độc hại thôi. (Nguyễn Thành Vinh, học sinh khiếm thị trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (TP.HCM) Có ba nhân vật mình hâm mộ: Bill Gates, chủ tịch tập đoàn Microsoft lừng danh; Steve Jobs, ông trùm sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin và Franklin D. Rooservelt, người cứu nước Mỹ khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933. Nhưng vì ba nhân vật này quá vĩ đại nên mình chẳng bao giờ làm được như họ, cũng không xem họ là thần tượng. Từ nhỏ đến giờ mình sống tự lập quen rồi nên chưa từng tin ai đó sẽ giúp sống tốt hơn, ngoại trừ chính mình. Chắc là mình chưa gặp thần tượng. (Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị) |
(vietnamnet.vn)