Head transplant là thuật ngữ liên quan đến phẫu thuật ghép đầu của một con vật này và cơ thể của một con vật khác đang được xem là một trong những tiến bộ của y học nhằm hướng đến những phẫu thuật kéo dài sự sống và tuổi thọ cho con người. Đến nay đã có nhiều nhà khoa học tiên phong như giáo sư phẫu thuật thần kinh Robert J. White người Mỹ hay nhà khoa học thuộc Liên Xô cũ, Vladimir Demikhov.
Cấy ghép đầu là gì?
Não của con người được xem là hệ thống tự miễn (autoimmune). Điều này nghĩa là cơ thể của chúng ta sẽ không từ bỏ não như đối với các bộ phận khác khi cấy ghép nếu không tương thích như ghép gan hay ghép thận. Đơn giản, đây không phải cấy ghép não mà là thay toàn bộ đầu và cũng có thể hiểu là cấy ghép toàn bộ cơ thể. Điều quan trọng nhất ở đây là phải gắn kết hệ thống thần kinh sao cho phù hợp để không xảy ra hiện tượng liệt tứ chi. Cụ thể hơn, phẫu thuật này là thủ thuật ghép đầu của một con vật này vào cơ thể của một con vật kia (có thể cùng loài hoặc khác loài) và đã thực hiện thành công ở một số loài vật như chó, khỉ và chuột. Riêng ở con người thì chưa, nhưng các nhà khoa học tiên đoán trong tương lai, nhờ tiến bộ khoa học, đặc biệt là khi tế bào mầm phát triển, ý tưởng cấy ghép đầu cho con người hoàn toàn có thể thực hiện được.
Một ca cấy ghép đầu trên động vật thí nghiệm.
Những người tiên phong trong lĩnh vực cấy ghép đầu
Vladimir Demikhov (1916-1998) là một nhà khoa học Liên Xô, người tiên phong đi đầu trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng những năm 30 và 50 ở thế kỷ trước như ghép tim và phổi ở động vật. Ông cũng là người nổi tiếng cho ca ghép đầu của một con chó nhỏ vào cổ một con chó bécgiê lớn, tạo ra con chó hai đầu, sản phẩm gây sốc cho thế giới những năm đầu thế kỷ trước. Ca phẫu thuật của Vladimir Demikhov được dư luận hồi đó ví là “không tưởng” thậm chí còn “điên rồ”, nhất là sau khi dư luận được chứng kiến tận mắt con chó hai đầu ăn uống bình thường. Con chó hai đầu của Vladimir Demikhov được xem là bước đi đầu tiên của nhân loại trong lĩnh vực ghép đầu.Tuy chỉ sống được 6 ngày nhưng nó được xem là thành công, minh chứng về khả năng cấy ghép tim, phổi từ một con chó này sang một con chó kia, đặt nền móng cho những ý tưởng mới trong lĩnh vực cấy ghép trong tương lai. Với thành tích này, Vladimir Demikhov được Nhà nước Xô Viết trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và Giải thưởng Nhà nước Liên Xô.
Robert J. White: Năm 1963, một nhóm chuyên gia ở ĐH Y khoa Case Western Resere, Ohio, Mỹ đứng đầu là giáo sư phẫu thuật thần kinh Robert J. White đã tiến hành ca ghép đầu thành công giống như dự án của Vladimir Demikhov, ghép đầu của một con khỉ này vào cơ thể một con khỉ khác. Để giúp chiếc đầu này hoạt động, nhóm đề tài đã tiến hành ghép hệ thống động mạch giữa cơ thể với chiếc đầu mới giúp cho dòng máu từ khỉ A (vật chủ) sang cho đầu B (chiếc đầu cấy ghép) nhưng lại bỏ qua cột sống vì không nối được hệ thống dây thần kinh sau khi chúng bị vỡ. Ca phẫu thuật thành công trong một chừng mực nhất định, con vật có thể ăn, nghe và nhận biết được thế giới xung quanh. Ngoài ra, nhóm đề tài còn tiến hành nối các dây thần kinh lên não để giúp não tiếp nhận máu và hóa chất cần thiết. Kết quả dự án thành công, con vật ăn được và sống được một thời gian ngắn.
Liệu có khả thi?
Để hậu thuẫn cho công nghệ ghép đầu thành công, giới y học hiện nay đang tiến hành nhiều nghiên cứu về tế bào gốc (stem cell), tạo ra những vật liệu quan trọng để phục vụ cho việc cấy ghép. Năm 1998, GS. Fred Gage ở Viện Salk Institute, California đã nghiên cứu và phát hiện thấy các nơron thần kinh mới có khả năng nuôi trồng trong vùng đồi hải mã của não (hippocampus) đã mở ra triển vọng để điều trị những căn bệnh về bại liệt ở con người. Đây cũng là hướng đi mới hỗ trợ cho các ca phẫu thuật ghép đầu trong tương lai, đặc biệt là dùng để khắc phục sự cố bị đứt dây cột sống, đưa nó trở lại trạng thái hoạt động bình thường để hạn chế tình trạng liệt tứ chi sau cấy ghép. Ngoài ra, kỹ thuật cấy ghép đầu còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực khác, nhất là hạn chế những căn bệnh liên quan đến não, gây ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác của cơ thể, như bệnh tiểu đường, bệnh di truyền như loạn dưỡng cơ… cũng sẽ được lợi từ kỹ thuật cấy ghép đầu và cả những căn bệnh không liên quan đến đầu nhưng sau phẫu thuật sẽ giảm được các chứng bệnh này, thậm chí có thể “biến mất”. Ngoài ra, cơ thể mới còn tạo điều kiện cho chiếc đầu cấy ghép phát triển bình thường khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ cho con người hoặc có đủ thời gian để chờ bộ phận hiến tặng cấy ghép. Tuy mang tính khả thi cao, song kỹ thuật ghép đầu cũng gặp không ít khó khăn trở ngại, nhất là vấn đề đạo đức hoặc cả những vấn đề tế nhị khác mà người ta chưa lường hết giống như kỹ thuật cloning (nhân bản) mà lâu nay dư luận đang quan tâm bàn tán.
Khắc Hùng
(Theo WP/CC)