Là những người kề cận các nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ mọi lúc mọi nơi, công việc của các lực lượng mật vụ bảo vệ cho các Tổng thống luôn căng như dây đàn và không oai phong lẫm liệt như mọi người thường nghĩ.
Lực lượng mật vụ bảo vệ cho các Tổng thống Mỹ với các ứng viên được huấn luyện bài bản, có kinh nghiệm lâu năm và đa dạng trong nhiều lĩnh vực. Đeo kính râm, đóng suit chỉnh tề, bộ đàm 24/24…, đó là những gì người ta thường hình dung về mật vụ. Nhưng thực tế, công việc và cuộc sống của họ nguy hiểm và căng thẳng hơn chúng ta tưởng rất nhiều.
Họ được coi là “lá chắn sống” đảm bảo sự an toàn cho Tổng thống Mỹ ở bất cứ đâu, đặc biệt trong mỗi chuyến vi hành của người đứng đầu chính phủ.
Làm việc 60 ngày rồi được nghỉ 30 ngày
Các mật vụ bảo vệ Tổng thống sẽ làm việc 60 ngày rồi được nghỉ 30 ngày. Do tính chất công việc, nhiều mật vụ phải xa gia đình nhiều tháng. Áp lực lớn nhất với mật vụ là mệt mỏi về tâm lý khi họ phải liên tục căng mình giám sát, theo dõi mọi động tĩnh trong nhiều tiếng liên tục.
Nhiều mật vụ phải sống xa gia đình nhiều tháng, nhiều năm ròng và chỉ quay về nhà khi hoàn thành nhiệm vụ. Đây là sự hy sinh rất lớn của họ.
Lương từ 1 – 1,7 tỷ đồng
Mức lương của mật vụ tùy vào bằng cấp và trình độ, thông thường trải đều từ 43.000 đến 75.000 USD/năm (từ 1 tỷ tới 1,7 tỷ đồng). Mỗi ngày, họ làm việc từ 8-10 tiếng và vô cùng căng thẳng.
Tham gia khóa huấn luyện trong gần 7 tuần
Để trở thành mật vụ, những người ứng tuyển phải tham gia khóa huấn luyện 10 tuần nghiệp vụ điều tra cơ bản tại bang Georgia. Sau đó, họ tiếp tục 17 tuần khóa huấn luyện mật vụ tại trung tâm James Rowley ở ngoại vi thủ đô Washington. Chỉ cần trượt một trong hai khóa huấn luyện này là ứng viên sẽ không thể trở thành mật vụ.
“Tiền trạm” trước 3 tháng
Nếu nơi đến của Tổng thống không thuộc diện đột xuất, các mật vụ và nhân viên Nhà Trắng sẽ tới nơi Tổng thống dự kiến thăm trước 3 tháng để khảo sát, phối hợp với giới chức địa phương để đảm bảo được ưu tiên không phận, ưu tiên đường cho chuyên cơ và đoàn xe của Tổng thống, xác định các bệnh viện lân cận, các vị trí an toàn trong trường hợp cần thiết.
Không phải mật vụ nào cũng kính râm, mặc vest
Theo suy nghĩ của nhiều người, mật vụ phải mặc vest đen, đeo kính râm và khuôn mặt đằng đằng sát khí. Sự thật thì chỉ có một số rất ít mật vụ ăn mặc như vậy.
Hầu hết mật vụ đều mặc thường phục và thực hiện các nhiệm vụ khác. Mật vụ Mỹ có 2 nhiệm vụ chính, gồm nhiệm vụ bảo vệ và nhiệm vụ điều tra.
Mật vụ không chỉ bảo vệ Tổng thống
Không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống, các mật vụ còn phải bảo vệ cả gia đình, các vị khách của Tổng thống hay bất cứ ai mà Tổng thống ra lệnh. Những cựu Tổng thống và gia đình cựu Tổng thống cũng nằm trong danh sách được bảo vệ.
Tất cả mật vụ đều được tập huấn sơ cấp cứu
Mọi mật vụ đều được tập huấn các kỹ năng sơ cấp cứu để luôn giữ bình tĩnh và tìm ra giải pháp trong các tình huống nguy kịch. Tuyến đường đưa Tổng thống đến bệnh viện cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng sao cho thời gian di chuyển phải mất dưới 10 phút đi xe.
Ngoài ra, tại mỗi bệnh viện lân cận nơi Tổng thống đi qua, đảm bảo luôn có một 1 mật vụ “cắm chốt” ở đó để sẵn sàng phối hợp với nhân viên y tế và các nhân viên mật vụ khác trong trường hợp khẩn cấp.
Luôn đem theo nhóm máu của Tổng thống
Khi được tập huấn các kỹ năng sơ cứu, họ luôn sẵn sàng sử dụng các kỹ năng này vào việc truyền máu nếu cần. Họ luôn mang thêm máu cho Tổng thống để tránh trường hợp nhận từ người hiến máu.
Con đường bí mật
Khi Tổng thống đến khách sạn sẽ không qua lối cửa chính. Thay vào đó, các mật vụ sẽ sử dụng một trong các cửa phụ, có thể là qua nhà bếp của khách sạn.
Kiểm tra lý lịch nhân viên khách sạn
Trước khi Tổng thống đến, nhân viên Mật vụ sẽ kiểm tra lý lịch của tất cả nhân viên khách sạn. Bất cứ nhân viên nào có tiền sử bạo lực, dù rất nhỏ, cũng bị yêu cầu tạm nghỉ việc trong thời gian nhà lãnh đạo Mỹ nghỉ lại khách sạn.
“Phong tỏa” 3 tầng khách sạn
Ngoài tầng khách sạn có phòng ở của Tổng thống, các mật vụ sẽ yêu cầu để trống tầng ngay trên và ngay dưới để đảm bảo an toàn. Không ai, ngoại trừ những người trong phái đoàn của Tổng thống được vào những phòng này.
Loại bỏ mọi thiết bị điện tử
Mật vụ phải loại bỏ thiết bị điện tử trước khi Tổng thống đến và thay thế bằng thiết bị mang theo. Họ sẽ kiểm tra liệu có các thiết bị nghe lén hay vật liệu nổ nào không. Họ cũng sẽ lắp các kính chống đạn ở các cửa sổ phòng ở của Tổng thống.
Luôn quay lại và ghi âm lại tất cả
Mỗi mật vụ luôn được trang bị máy ảnh, máy ghi âm để có thể ghi lại hiện trường nếu có gì bất trắc xảy ra. Sau vụ ám sát Tổng thống Kennedy, các mật vụ trang bị thêm một chiếc xe có gắn màn hình ghi lại ngay những hình ảnh trong camera mà họ mang theo.
Lập 3 lớp an ninh
Các mật vụ sẽ lập ra 3 lớp an ninh xung quanh tổng thống. Vòng ngoài là cảnh sát, vòng giữa là các mật vụ thông thường, vòng trong cùng là các mật vụ thuộc đơn vị đặc biệt bảo vệ tổng thống.
Kiểm tra thức ăn
Mỗi khi nhà lãnh đạo Mỹ công du sẽ được phục vụ bằng thực phẩm mang theo do các đầu bếp riêng nấu. Các mật vụ có nhiệm vụ đảm bảo các món ăn này an toàn tuyệt đối.
Không có lời thề “bảo vệ tổng thống bằng cả mạng sống”
Nhiều người nghĩ, khi đã dấn thân vào con đường mật vụ, họ sẽ phải hy sinh thân mình để đổi lấy sự an toàn của Tổng thống. Thực tế, họ làm điều đó vô cùng tự nguyện, không ai hay bất cứ tổ chức nào ép buộc.
Họ luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng
Nếu để ý kỹ, bạn sẽ sẽ thấy tay của các mật vụ luôn để ngang ở vị trí thắt lưng. Vì họ đã được luyện tập sẵn sàng cầm súng lên bất cứ lúc nào gặp nguy hiểm trong thời gian nhanh nhất.
Trong lịch sử chỉ có một mật vụ phải hi sinh
Tính đến thời điểm này, trong lịch sử chỉ có một sĩ quan mật vụ qua đời khi làm nhiệm vụ: Leslie Coffelt bị giết ngày 1/11/1950 khi bảo vệ Harry Truman.
Sở Mật vụ thành lập vào ngày Tổng thống Lincoln bị ám sát
Ông Hugh McCulloch, Bộ trưởng Tài chính, là người đã đề nghị thành lập Sở Mật vụ. Ông trình bày ý tưởng của mình cho Abraham Lincoln vào ngày 14 tháng 4 năm 1865. Ngay sau đêm đó, Tổng thống đã bị ám sát trong nhà hát, ông bị bắn vào đầu.
Trên đây là một vài bật mí về những “thâm cung bí sử” của nghề mật vụ. Nghe thì oách nhưng nghề này luôn đòi hỏi sự hy sinh vô cùng lớn lao. Nhưng chính bởi sự hy sinh của họ, mà các quan chức cấp cao mới có thể yên tâm thực hiện công việc trọng đại của mình.
Theo ĐKN