Tinh Hoa

Triều Tiên tự nhận là cường quốc hạt nhân

Trong động thái bất ngờ, Triều Tiên đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp theo hướng tự nhận là cường quốc hạt nhân, động thái đã bị Mỹ ngay lập tức lên tiếng bác bỏ.

Được công nhận là cường quốc hạt nhân đang trở thành tham vọng lớn của ban lãnh đạo Triều Tiên.

Hãng tin ITAR-TASS của Nga cho biết việc sửa đổi Hiến pháp đã được ban lãnh đạo Bình Nhưỡng trình lên Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên từ tháng 4. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần thứ hai Hiến pháp của Triều Tiên được sửa đổi, sau lần đầu tiên diễn ra vào tháng 4/1992.

Tuy nhiên, trong phản ứng ngay sau đó, Washington đã lập tức bác bỏ “tham vọng” của Bình Nhưỡng khi khẳng định không bao giờ công nhận Triều Tiên là một nước có vũ khí hạt nhân.

“Mỹ từ lâu vẫn kiên định quan điểm không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định với hãng tin Yonhap.

Một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói thêm rằng ban lãnh đạo mới ở Bình Nhưỡng không nên mạo hiểm đặt tham vọng hạt nhân lên trên sự an nguy của người dân.

“Ban lãnh đạo mới ở Triều Tiên cần có sự lựa chọn sáng suốt trong chính sách của mình. Họ phải chấm dứt ngay các hành động khiêu khích, đặt người dân lên trên tham vọng trở thành cường quốc hạt nhân và cuối cùng là quay trở lại hội nhập với cộng đồng quốc tế”, nhà ngoại giao cho biết.

Cũng theo quan chức trên, Triều Tiên cần tuân thủ Thỏa thuận đạt được năm 2005 và các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Trước đây, Triều Tiên từng hai lần tiến hành thử hạt nhân dưới lòng đất vào các năm 2006 và 2009. Hiện tại, theo nhiều nguồn tin cho biết, nước này cũng đang có ý định tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba nhưng chưa rõ thời điểm cụ thể.

Giới phân tích nhận định việc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa Unha-3 mang theo vệ tinh quan sát Trái đất (nhưng thất bại) và nay lại có ý định thử hạt nhân cho thấy ban lãnh đạo mới của Triều Tiên đang “khát khao” tạo ra bước ngoặt mới trong chính sách hạt nhân của mình bằng việc được cộng đồng quốc tế công nhận là cường quốc hạt nhân và có thể làm chủ công nghệ hạt nhân.



Đức Vũ
Theo Itar-tass, Yonhap

(dantri.com.vn)