Một loại vi khuẩn mới được phát hiện trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu tại Nga có khả năng làm giảm tốc độ của quá trình lão hóa của động vật và giúp con người sống tới 140 năm.
Vi khuẩn Bacillius F trong băng vĩnh cửu. Ảnh: ALAMY. |
Bacillius F – tên của chủng vi khuẩn – được phát hiện xung quanh núi Mamontova ở nước cộng hòa Yakutia thuộc Nga. Núi Mamontova nằm trong vùng Siberia lạnh giá. Chi nhánh của Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAN) tại Siberia đã nghiên cứu các đặc tính của protein và một số yếu tố khác của Bacillius F dưới tầng đất đóng băng vĩnh cửu. Họ kết luận quá trình tiến hóa của chúng chậm hơn chủng vi khuẩn cùng loại trên mặt đất tới 3 triệu năm, AFP đưa tin.
“Trong môi trường sống vô cùng khắc nghiệt, khả năng chịu đựng của Bacillius F thật đáng kinh ngạc. Chúng sinh sôi ở nhiệt độ chỉ 5 độ C”, Nadezhda Moronova, người phát ngôn của Viện Hóa sinh và Y học cơ bản thuộc RAN, phát biểu.
Khi các nhà khoa học đưa Bacillius F vào cơ thể chuột, khả năng chống bệnh của các con vật tăng dần theo thời gian, đồng thời tốc độ lão hóa giảm. tốc độ trao đổi chất trong cơ thể chuột nhiễm vi khuẩn Bacillius F tăng 20 tới 30%. Ngoài ra nguy cơ mù vì tuổi già của chúng cũng giảm.
“Nhiễm vi khuẩn Bacillius F khiến thể trạng của chuột già thay đổi theo hướng tích cực”, các nhà khoa học Nga bình luận.
Tuổi thọ trung bình của những con chuột được tiêm vi khuẩn là 906 ngày, cao hơn 1,5 lần so với những con khác (589 ngày).
Nhóm nghiên cứu nhận định vi khuẩn Bacillius F trong băng có thể giúp con người sống tới 100-140 năm. Các chuyên gia muốn thực hiện thêm nhiều thử nghiệm nữa để tìm hiểu rõ hơn về khả năng kéo dài tuổi thọ của chúng. Tuy nhiên, họ cho rằng việc nhóm chuột tham gia thử nghiệm sống lâu hơn 1,5 lần so với những con chuột khác là một điều vô cùng ấn tượng.
Minh Long