Chúng ta có thể tránh được nhiều thương tích, thậm chí là cả tử vong nếu biết xử lý đúng cách trong các tình huống nguy cấp. Hơn nữa, biết được một số giải pháp đơn giản không những tăng cơ hội sống sót cho bạn mà còn có thể cứu sống được người nào đó.
Dưới đây là một số giải pháp ứng phó có thể cứu nguy cho bạn trong những tình huống nguy cấp:
1. Gặp một con gấu hung dữ
Dĩ nhiên, cách tốt nhất là tránh xa những chú gấu khi đến nơi hoang dã, nhưng nếu lỡ không may có một cuộc chạm trán như vậy, bạn nên biết nhược điểm của loài động vật này là kém linh hoạt.
Gấu chạy rất nhanh và bò rất tốt nhưng để di chuyển xung quanh một vật thể như xe hơi hoặc một cái cây thì với chúng là rất khó. Sớm muộn gì chú gấu cũng sẽ từ bỏ việc cố gắng đuổi bắt bạn và nhận ra rằng miếng mồi này thật hao tổn năng lượng của nó.
Bạn cũng nên nhớ đừng hoảng hốt trước khi con gấu bắt đầu trở nên hung dữ. Nếu nó chỉ nhìn bạn thì hãy đứng yên. Đó là cơ hội để nó hiểu được bạn là ai và bạn sẽ làm gì. Nếu nó bắt đầu đi về phía bạn thì bạn hãy lùi chầm chậm về phía sau. Gấu rất hiếm khi tấn công người. Nhiều khả năng, nó sẽ lùi lại khi nó nhận ra bạn là một con người đấy.
2. Phát hiện mùi cá hoặc mùi nước tiểu trong nhà mà không biết xuất phát từ đâu
Nếu bạn không thể phát hiện ra nguyên nhân của mùi này, thì có thể là do dây điện nóng chảy. Tình huống này có thể dẫn đến hỏa hoạn hay thậm chí là một vụ nổ. Cách tốt nhất là nên ngắt điện cho đến khi tìm ra nguyên nhân rõ ràng.
3. Thấy dòng nước chảy xiết gần bờ biển
Nếu bạn vô tình phát hiện mình đang ở trong một dòng nước xoáy, việc cố bơi ngược lại vào bờ là hoàn toàn vô hiệu, bạn sẽ chỉ lãng phí năng lượng mà thôi. Cách tốt nhất là hãy cố gắng bơi song song bờ cho đến khi bạn thoát khỏi dòng nước, rồi sau đó mới bơi vào bờ.
Video: 16 bí quyết sinh tồn ít được biết đến này sẽ có thể cứu mạng chúng ta. (Nguồn: Soisang)
4. Một chai nước cũng có thể gây hỏa hoạn
Điều này nghe có vẻ lạ, nhưng nếu ánh nắng trực tiếp chiếu vào chai đầy nước đặt trong xe ô tô, nó thực sự có thể gây cháy. Bởi trong trường hợp này, chai nước sẽ giống như một thấu kính tập trung năng lượng Mặt trời vào một điểm và có thể đốt cháy các chất liệu như da bọc ghế.
Vì vậy, tốt nhất là đừng để các loại chai trong ô tô (hoặc gần cửa kính trong nhà), nếu buộc phải làm thế, hãy để cách xa cửa hoặc lấy thứ gì đó phủ kín chai lại.
5. Một thao tác đơn giản sẽ giúp một người đang ngất xỉu tỉnh lại
Nếu bạn cần giúp ai đó đang ngất xỉu tỉnh lại, hãy đặt họ nằm ngửa và đẩy đầu gối của họ lên ngực. Việc này sẽ giúp máu của họ lưu thông lên não và họ sẽ tỉnh dậy.
Nhưng trước tiên, hãy chắc chắn rằng người đó không có bất kỳ vết thương nào ở chân hay trên cơ thể, nếu không, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.
6. Giúp ai đó trong trường hợp bị rắn độc cắn
Không giống như một số quan niệm sai lầm phổ biến, bạn không nên hút nọc độc ra bằng miệng, chườm lạnh, băng vết thương hay hơ nóng vết thương. Trước khi các chuyên gia đến, hãy cho nạn nhân uống thật nhiều nước và thuốc kháng histamin. Không nên chạm vào khu vực xung quanh vết cắn vì nếu không, nọc độc sẽ chỉ lan ra khắp cơ thể nhanh hơn.
7. Khi cứu một người sắp chết đuối
Nếu bạn may mắn cứu được một người khỏi chết đuối vào bờ, điều đó không có nghĩa là họ đã hoàn toàn qua khỏi cơn nguy hiểm. Bạn nên đưa họ đến bệnh viện ngay lập tức, nếu không họ có thể chết trong vòng vài ngày nếu trong phổi còn đọng nước.
8. Cách làm vỡ kính xe trong trường hợp xảy ra tai nạn
Nếu bạn đang ở trong tình huống không thể mở cửa xe mà chỉ có thể thoát ra bằng cửa kính, hãy nhớ rằng việc phá cửa ra trước sẽ dễ dàng hơn là húc người vào đó. Và hãy đập vào các cạnh cửa chứ đừng cố phá ở giữa.
Nhân tiện, nếu bạn có thể tháo cái tựa đầu ra khỏi ghế thì hãy dùng nó để phá cửa. Mỗi xe có các tựa đầu khác nhau, vì vậy hãy chắc chắn bạn biết cách tháo tựa đầu trong xe của mình.
9. Nên mang theo thuốc kháng histamin bên người
Việc này nhằm đề phòng trường hợp bạn có thể bị dị ứng với thứ gì đó chưa bao giờ gặp trước đây. Nhất là khi phản ứng dị ứng đó nghiêm trọng đến mức có thể gây chết người, trừ phi bạn có giải pháp hữu hiệu kịp thời. Điều này đặc biệt quan trọng trong các chuyến dã ngoại khi mọi người thử những món ăn mới, tham quan các khu thực vật hay đi đến những vùng đất hoàn toàn xa lạ.
10. Khi nước ở bãi biển quá xa bờ
Khi mực nước cách xa bờ một cách bất thường, đây là dấu hiệu của sóng thần. Nếu nhận thấy điều bất thường đó ở đâu, bạn nên cảnh báo với mọi người xung quanh và hãy nhanh chóng chạy vào bờ.
Thật không may vào năm 2004 khi có trận sóng thần ở Ấn Độ Dương, mọi người đã không chú ý đến dấu hiệu này. Khi ấy hầu như toàn bộ bờ biển được phô ra và mọi người liền ra ngoài bắt cá và nhặt vỏ sò. Bọn trẻ lúc đó rất thích thú. Tuy nhiên cũng may là có người trên 2 bãi biển biết về dấu hiệu này: một bé gái 10 tuổi người Anh tên là Tilly Smith và người giáo viên sinh học tên John Chroston. Họ đã cứu sống được khá nhiều người ngày hôm đó.
11. Quy tắc số 3
Và cuối cùng hãy nhớ những quy tắc số 3 được dùng để mô tả khả năng sinh tồn của một người bình thường dưới đây. Nếu không may rơi vào tình huống nguy cấp, bạn có thể dùng chúng để ưu tiên những thứ cần thiết nhất với mình, như thế sẽ giúp tăng khả năng sống sót của bạn.
3 phút không có không khí;
3 giờ ở nhiệt độ cực cao;
3 ngày không có nước;
3 tuần không có thức ăn.
Bạn đã bao giờ gặp phải một trong các trường hợp trên hay từng ở trong tình huống nguy cấp nào khác chưa? Và khi ấy bạn đã làm thế nào để thoát khỏi đó? Hãy chia sẻ kinh nghiệm của bạn ở phần bình luận bên dưới nhé!
An Nhiên (Theo BrightSide)