Một lời nguyền rủa khoảng 1.700 năm trước, khắc trên một tấm chì mỏng, không phải nhắm vào vị vua hay pharaoh nào, mà chỉ đơn thuần là một người bán rau quả tại thành phố Antioch (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay).
Viết bằng tiếng Hy Lạp, tấm chì ghi lời nguyền này được bỏ vào một chiếc giếng ở Antioch, khi ấy là một trong những thành phố lớn nhất của Đế chế La Mã ở phương Đông, ngày nay thuộc đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Syria.
Một phần của tấm chì khắc lời nguyền |
Lời nguyền kêu khấn tới Iao, tên Hy Lạp của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước, xin Ngài gây đau đớn cho một người đàn ông bán rau quả tên là Babylas. Tấm bảng này còn nêu cả tên mẹ người bán rau là Dionysia.
Người dịch tấm bảng là Alexander Hollmann, thuộc Đại học Washington (Mỹ). Đoạn đầu lời nguyền có ý: Ôi Đức Chúa trời phát sấm sét sáng lòe, xin Ngài gieo đau đớn cho tên bán rau Babylas.
Tấm bảng được một nhóm khảo cổ phát hiện từ những năm 1930, và hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật tại Đại học Princeton (Mỹ). Tuy nhiên, đến giờ nội dung của nó mới được giải mã đầy đủ.
Phát biểu trên LiveScience, Hollmann cho biết ông từng thấy những lời nguyền chống lại các đấu sĩ, những người đánh xe ngựa hoặc làm các nghề khác, nhưng chưa bao giờ thấy lời nguyền nhằm vào một người bán rau bình thường.
Người khắc lời nguyền không nêu tên, vì vậy các nhà khoa học chỉ có thể suy đoán qua động cơ của anh ta. “Có những lời nguyền có liên quan đến tình ái”, Hollmann cho biết. Tuy nhiên, “ngôn ngữ ở đây không giống thế”.
Có thể lời nguyền là kết quả của một cuộc cạnh tranh buôn bán, Hollmann cho biết. Ông cũng bổ sung thêm, dường như bản thân người viết lời nguyền cũng buôn bán rau quả. Nếu như vậy, có thể suy đoán cạnh tranh buôn rau quả thời cổ đại rất gay gắt.
Ban đầu, cách sử dụng phép ẩn dụ của Kinh Thánh Cựu Ước trong lời nguyền khiến Hollmann nghĩ nó được viết ra bởi một người Do Thái. Nhưng sau khi nghiên cứu phù chú ma thuật cổ đại cũng dùng phép ẩn dụ, ông nhận ra suy đoán trên không đúng.
Hải Tâm(Vietnamnet)