Quân đội thường được người ta ví như “bức tường lửa” nhằm bảo vệ cho một quốc gia. Tuy nhiên, tại nhiều nước lại không hề duy trì quân đội hoặc chỉ là hình thức vỏ bọc bên ngoài. Theo trang mạng quân sự “We are The Mighty”, dưới đây là 10 quân đội được cho là tệ nhất trên thế giới.
1. Costa Rica
Costa Rica nằm trong danh sách này bởi họ không còn quân đội. Costa Rica xóa bỏ lực lượng quân sự của mình vào năm 1948 theo sáng kiến của Tổng thống lúc đó là José Figueres Ferrer.
Ông này lên nắm quyền “thông qua một cuộc nổi dậy vũ trang” và có thể đã bãi bỏ quân đội “để tránh một cuộc đảo chính quân sự tiềm năng trong tương lai chống lại mình”.
Một số quốc gia khác cũng không có quân đội là Iceland, Mauritius, Monaco, Panama và Vanuatu.
2. Iraq
Lực lượng quân đội lớn thứ 4 thế giới dưới thời Tổng thống Saddam Hussein giờ chỉ còn là cái bóng của chính mình.
Mặc dù được quân đội Anh và Mỹ huấn luyện trong nhiều năm, cũng như nhận được các khoản đầu tư và viện trợ lên đến 26 tỷ USD, quân đội Iraq chỉ có khoảng 26 đơn vị được xem là “trung thành”.
Các nhà lập pháp Iraq từng phát hiện 50.000 “lính ma” trong hàng ngũ quân đội nước này, tức những người hoặc không tồn tại hoặc không còn thực hiện nghĩa vụ nữa nhưng lương của họ vẫn được chi trả đều đặn.
Trong năm 2014, ISIS gần như chiếm trọn miền tây Iraq, sau khi phong trào đào ngũ của binh sĩ tại đây ngày càng gia tăng.
3. Triều Tiên
Bề ngoài, quân đội Triều Tiên có vẻ như được chính quyền Kim Jong-un ưu tiên phát triển.
Tại các thị trấn biên giới Panmunjom và Kaesong, cũng như Nampo (nơi có các cơ sở quan trọng) và trên các thước phim của truyền hình Triều Tiên, người ta đều thấy những người lính cao to, cường tráng với trang thiết bị, vũ khí mới, được phục vụ chế độ ăn uống đầy đủ.
Tuy nhiên, khi tiến sâu vào trong “vương quốc ẩn dật” này, lực lượng quân đội bắt đầu mỏng hơn nhiều.
Trong chuyến thăm Triều Tiên vào năm 2012, nhà báo Blake Stilwell của “We are the Mighty” ghi nhận rằng, trái với những hình ảnh hào nhoáng trên, phần lớn các binh sĩ Triều Tiên lúc này đều trông rất yếu kém, với trang thiết bị ít ỏi.
4. Eritrea
Lực lượng vũ trang Eritrea là một trong những quân đội có số lượng lính nghĩa vụ cao nhất trên thế giới. Họ trở thành nguồn lao động ép buộc nhiều hơn là làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh biên giới hoặc chống lại tổ chức khủng bố al-Shabab.
5. Nigeria
Một binh sĩ đã mô tả với hãng tin BBC như sau:
“Tưởng tượng tôi và anh đánh nhau, cả 2 chúng ta đều có súng, nhưng anh được mặc áo chống đạn, còn tôi chỉ có một chiếc ô”.
Binh lính tại bang Borno, đông bắc Nigeria còn “thảm” hơn. Những chiếc xe bọc thép của họ thậm chí không thể di chuyển nổi. Có lẽ vì quá ngán ngẩm, một số binh sĩ đã đào ngũ.
6. Philippines
Tổng thống Philippines từng cam kết sẽ cải cách lực lượng Hải quân và Không quân đang già cỗi với khoản chi phí dự kiến là 1,7 tỷ USD.
Quốc hội Philippines thậm chí còn thông qua khoản chi 2 tỷ USD để đầu tư cho kế hoạch đó, tuy nhiên, cho tới nay, quân đội nước này vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể nào.
Mặc dù Trung Quốc ngày càng bành trướng, có nhiều động thái hung hăng để khẳng định chủ quyền phi lý trong khu vực và xây đảo nhân tạo cận kề Philippines nhưng hải quân và không quân của nước này vẫn chỉ có những chiếc tàu cũ của Mỹ để đối phó với mối đe dọa.
7. Tajikistan
Quân đội Tajikistan là một mớ hỗn độn. Không giống như các quốc gia khác thuộc Liên bang Xô Viết, sau thời điểm Liên Xô tan rã, Tajikistan không có lực lượng vũ trang bản địa khi thành lập chính quyền mới.
Nước này cũng không tận dụng các đơn vị quân đội Liên Xô trên lãnh thổ của mình để thành lập quân đội, mà chỉ phụ thuộc vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đóng tại Tajikistan.
Tới năm 1994, họ mới thành lập quân đội riêng. Trong suốt những năm 1990, lực lượng này tỏ ra có kỷ luật kém và có trang thiết bị nghèo nàn, không được bảo trì đúng cách.
Tới tháng 9/2013, Nga đã cung cấp cho Tajik một lượng vũ khí và khí tài mới trị giá 200 triệu USD để có thể tiếp tục sử dụng căn cứ tại đây.
8. Mông Cổ
Do chỉ có lãnh thổ trên đất liền nên Mông Cổ không có lực lượng hải quân hay không cần thiết phải có lực lực lượng này.
Song, thật không may họ bị kẹp giữa Nga – Trung Quốc và có lẽ không đủ năng lực bảo vệ mình trước bất cứ bên nào. Nếu Trung Quốc và Nga xảy ra chiến tranh, một phần của cuộc chiến có thể lan tới Mông Cổ.
Mông Cổ từng điều lực lượng tới hỗ trợ Mỹ tại Iraq và Afghanistan nhưng chủ yếu là hướng dẫn binh lính Mỹ cách nhận biết và sử dụng (nếu cần thiết) các loại vũ khí và thiết bị do Liên Xô chế tạo.
9. Ả Rập Saudi
Ả Rập Saudi đang tham gia vào chiến dịch quân sự của liên quân tại Yemen, cùng với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để đánh đuổi lực lượng phiến quân Houthi.
Tuy nhiên, lực lượng này vẫn chưa gặt hái được thành công, dù quân đội Saudi và UAE đều có lợi thế về hải quân, không quân, trang thiết bị, đào tạo, quân số trên bộ, cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện tình báo Mỹ.
10. Afghanistan
Afghanistan vẫn lọt vào danh sách này dù được các cố vấn của lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) huấn luyện.
Sự thật đáng buồn là tất cả những nỗ lực đào tạo này không thể bù đắp được thực tế rằng quân đội Afghanistan có nguy cơ sụp đổ nếu Mỹ rút quân khỏi đây.
Họ không thể chiến đấu, cũng không làm được việc gì khác. Một cố vấn nói với tờ al-Jazeera:
“Trên thực tế, nếu hỏi chuyện bất cứ binh sĩ liên quân nào, họ cũng sẽ nói binh lính Afghanistan có thể chiến đấu, nhưng đó là sau khi họ được NATO chu cấp ăn mặc, trang thiết bị và đưa ra chiến trường”.
*** Số thứ tự trong bài không mang ý nghĩa xếp hạng.
Theo Soha